Những điều kỳ lạ trên thị trường chứng khoán

(ĐTTCO)-Thị trường chứng khoán (TTCK) được định nghĩa là phong vũ biểu của nền kinh tế, nghĩa là kinh tế tăng trưởng khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) tốt, 2 điều này luôn song hành với nhau. Tuy vậy 2020 là một năm kỳ lạ khi trái ngược với các mô hình kinh tế và thị trường tài chính như mô hình chữ V, chữ W hay chữ U khá phổ biến, đó là mô hình chữ K, nghĩa là kinh tế đi xuống còn TTCK đi lên. 
Những điều kỳ lạ trên thị trường chứng khoán ảnh 1
Kinh tế thế giới đầy khó khăn, CK tăng bất chấp
Chỉ tính nửa đầu năm 2020, trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới thì 3 nền kinh tế là Mỹ (thứ 1), Nhật (thứ 3) và Đức (thứ 4 đồng thời là nền kinh tế lớn nhất châu Âu) đã chính thức rơi vào suy thoái (tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp).
Thậm chí Đức và Nhật còn âm 3 quý liên tiếp… vượt luôn cả “chuẩn” suy thoái hay khủng hoảng. Hồng Kông (Trung Quốc) - nền kinh tế hàng đầu châu Á đã âm 4 quý liên tục, trong khi dự báo còn tệ hơn là có thể âm 6 quý liên tiếp.
Còn nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc dù chỉ mới âm 1 quý, nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này đã giảm liên tục suốt 12 năm qua. Ngay cả nền kinh tế Australia (thứ 13) cũng kết thúc chuỗi tăng trưởng ấn tượng dài gần 30 năm của mình khi chính thức rơi vào suy thoái. 
Năm 2020 đã đi qua được 3/4, nếu trừ 3 tháng đầu năm trong 6 tháng qua (tháng 4-9) TTCK thế giới và Việt Nam liên tục lập các đỉnh mới. CK Mỹ lập đỉnh lịch sử, còn trong nước tăng mạnh, kết thúc quý III-2020 TTCK tiếp tục sáng rực bất chấp Covid-19 và kinh tế ảm đạm. 
6 tháng qua TTCK tăng như vũ bão, thậm chí nhiều thị trường còn vượt mức tăng của vàng (vốn là sản phẩm ngời sáng năm nay và cũng đã vượt đỉnh lịch sử). VN Index mặc dù vẫn còn cách đỉnh đầu năm vài chục điểm và cách đỉnh lịch sử (2018) tới 300 điểm, nhưng đã tăng tới hơn 40% kể từ đáy thấp nhất (cuối tháng 3).
HNX Index tăng ngang với VN Index và UPCOM Index có mức tăng ít hơn (khoảng 30% kể từ đáy), nhưng cả 2 đều đã vượt đỉnh hồi đầu năm khá xa.
Tình huống này khá giống CK Mỹ khi 3 chỉ số chính là Nasdaq và S&P500 liên tục lập đỉnh của đỉnh và vượt xa mốc đỉnh đầu năm, nhưng Dow Jones công nghiệp (DJ30) vẫn chưa thể vượt mốc này. 
TTCK Việt Nam kết thúc quý III và tháng 9 huy hoàng, đứng thứ 4 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất tháng 9 chỉ sau Mông Cổ (4,27%), Thổ Nhĩ Kỳ (4,06%) và Đan Mạch (3,48%).
Tháng 8, VN Index thậm chí còn tăng mạnh nhất thế giới với gần 10,5% và là một trong 10 chỉ số tăng mạnh nhất quý III và cả 6 tháng vừa qua. Trong quý III, VN Index tăng đến 9,71% và đứng ở vị trí thứ 6.
Dòng tiền ồ ạt vào bắt đáy đã giúp VN Index liên tục đi lên, lấy lại tất cả những gì đã mất. Nhiều cổ phiếu (CP) thậm chí còn vượt qua được cả mức giá trước khi đại dịch xảy ra. 
Những điều kỳ lạ trên thị trường chứng khoán ảnh 2 Dù thị trường việc làm gây thất vọng, nhưng chứng khoán Mỹ vẫn tăng bất chấp.
Điều gì đang xảy ra 
Dòng tiền mới hay còn gọi là của nhà đầu tư (NĐT) "F0" (thậm chí là F0-1) là nguyên nhân chính giúp các thị trường liên tục tăng mạnh. Chỉ tính riêng sàn HOSE tính từ tháng 4 đến tháng 9, thanh khoản tăng vọt so với 6 tháng trước với khối lượng giao dịch bình quân ở mức gần 320 triệu CP/phiên, tương ứng tăng hơn 50%. Giá trị giao dịch (GTGD) cũng tăng 34,5% lên mức trung bình gần 5.500 tỷ đồng/phiên. 
Trái ngược với xu hướng mua vàng, trái phiếu chính phủ (TPCP) của các NĐT lớn, thì các NĐT cá nhân nhỏ lẻ toàn cầu đang chiến thắng NĐT lớn trong mùa dịch năm nay, khi họ góp phần làm nên làn sóng TTCK trong đại dịch. Họ cũng là những người buồn chán khi phải ở nhà do lệnh phong tỏa, mất việc đã tìm tới TTCK thử vận may trên sàn GDCK vốn ngày càng tiện lợi, thậm chí còn được miễn phí giao dịch.
Chỉ riêng tại Hàn Quốc, NĐT cá nhân đóng góp 65% GTGD của chỉ số Kospi năm nay, so với mức 48% năm ngoái, phần lớn NĐT ở độ tuổi 20 và 30. Các quốc gia khác và tại Việt Nam tỷ lệ các NĐT cá nhân cũng tăng mạnh theo số liệu của các Sở GDCK. 

Nhóm ngành công nghệ tăng mạnh
Điều bất thường ở chỗ là dù TTCK tăng mạnh nhưng số lượng NĐT thua lỗ không hề nhỏ, thậm chí cả các NĐT lớn. Số liệu từ quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới của Chính phủ Na Uy công bố báo cáo lợi nhuận âm gần 3,5% sau 6 tháng đầu năm 2020, tương đương lỗ 188 tỷ kroner (21,3 tỷ USD).
Tổng giá trị thị trường của quỹ vào cuối tháng 6-2020 lên tới gần 1.200 tỷ USD, tập trung gần 70% nguồn tiền vào đầu tư CP, 27,6% vào các khoản thu nhập cố định và 2,8% vào bất động sản (BĐS).
Mặc dù các khoản thu từ đầu tư thu nhập cố định tăng 5,1%, quỹ này vẫn lỗ nặng bởi đầu tư CK lỗ gần 7% và BĐS âm 1,6%, lợi nhuận giảm ở hầu hết lĩnh vực đầu tư. 
Như vậy hầu như chỉ có nhóm công nghệ và những nhóm ngành nghề liên quan được hưởng lợi từ Covid-19. Nasdaq và S&P500 vốn đầy các CP công nghệ đã đạt mức kỷ lục mọi thời đại liên tục 3 tháng qua, khi Apple có lúc lập kỷ lục lịch sử mới với vốn hóa 2.000 tỷ USD. Công ty này chỉ cần 2 năm để tăng từ 1.000 tỷ USD lên mốc hiện tại, dù trước đó mất tới 42 năm để đạt vốn hóa 1.000 tỷ USD.
Covid-19 lại là cơ hội cho Apple khi giá CP tăng tới 120% trong 1 năm và 60% kể từ đầu năm 2020 (2,5 lần trong 2 năm). Còn CP Tesla đã tăng 6 lần, giúp Elon Musk thành tỷ phú hạng 3 thế giới dù công ty này suốt chiều dài lịch sử 17 năm của mình chưa năm nào có lãi, và kể từ khi niêm yết cách đây 10 năm CP đã tăng hơn 100 lần.
CP Facebook tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay, Amazon bứt phá gần 80%, Netflix vọt hơn 50%... Trong top 10 tỷ phú thế giới thì 8 tỷ phú công nghệ hoặc có liên quan đến công nghệ đều có tài sản gia tăng, còn 2 tỷ phú bị giảm tài sản là những ngành không liên quan (Warren Buffett lĩnh vực đầu tư và Bernard Arnault lĩnh vực thời trang xa xỉ).
Còn trên TTCK Việt Nam dù các CP công nghệ có mức tăng rất tốt nhưng không quá nổi bật, do CP công nghệ không chiếm số lượng lớn đủ áp đảo các ngành khác. Nhưng nhìn chung đây là xu thế khi mà Vingroup (VIC) cũng đã định hướng chuyển thành một tập đoàn về công nghệ giúp nhóm này có tỷ trọng tăng đáng kể.
Bên cạnh đó các lĩnh vực truyền thống nhưng ứng dụng công nghệ cũng giúp kéo các ngành lên nhanh hơn.

Xu hướng cuối năm 2020 và tương lai
Khó khăn vẫn còn nhiều như khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research công bố hồi đầu tháng 10, cho thấy niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy trong ít nhất 20 năm qua, bức tranh tổng thể với màu sắc ảm đạm về tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, ngay cả khi nó đã cơ bản được khống chế và nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi.
Cụ thể, kết quả khảo sát cho biết chỉ có 5% số người được hỏi cho biết họ tin rằng nền kinh tế năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái, giảm rất mạnh so với mức tin cậy tới 70% cho cuộc thăm dò tương tự hồi tháng 1. Số liệu này thể hiện có sự thay đổi rõ rệt đối với niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam, vốn được xếp hạng là một trong những người lạc quan nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết tỷ lệ trúng thầu thành công TPCP trong tháng 9 đạt tới 98%, với khối lượng đặt thầu gấp 3,5 lần khối lượng gọi thầu. Tỷ lệ thành công của việc phát hành TPCP ngày càng cao (tỷ lệ này cũng tăng ở TPDN) khi lãi suất ngày càng hạ, trong khi sở hữu những sản phẩm an toàn như TPCP chỉ có những NĐT lớn, NĐT tổ chức mới mua.
Như vậy cho thấy dòng tiền lớn vẫn tập trung vào các kênh an toàn như TPCP, TPDN, vàng, bảo hiểm, tiền gửi (vẫn có tỷ trọng cao)… sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền vào nền kinh tế và TTCK, cụ thể là thị trường CP trong trung, dài hạn. 
Điều đáng lo là nhiều người vay tiền để chơi CK sẽ khiến thị trường vốn đang đi theo mô hình chữ K sẽ như một sợi dây bị kéo căng 2 đầu, nếu kinh tế chưa thể quay lại mức tăng trưởng như trước đại dịch cùng việc duy trì tốt điều này. Nếu dây đứt mô hình chữ K sẽ chuyển thành chữ L hay tệ hơn là chữ I. 

Các tin khác