Những cổ phiếu một thời…: SAM - Thay tên, đổi chủ, chưa đổi vận

(ĐTTCO)-SAM (CTCP Sam Holdings) là 1 trong 2 mã CK đầu tiên niêm yết trên TTCK, cùng với REE (CTCP Cơ điện lạnh). Dù là anh cả trên TTCK nhưng SAM lại khá chật vật để duy trì hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Sau hàng loạt nỗ lực tái cơ cấu, tình hình sản xuất kinh doanh của SAM đã dần ổn định, nhưng mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành vẫn xa vời.
Một góc trụ sở của SAM.
Một góc trụ sở của SAM.
Đỉnh cao và vực sâu
SAM chào sàn HOSE phiên giao dịch ngày 28-7-2000 với giá tham chiếu 17.000 đồng/CP. Thời điểm đó, TTCK vẫn chưa thu hút được nhiều chú ý của NĐT, nên giao dịch của SAM khá buồn tẻ. Mã CP này chỉ khởi sắc trong năm 2001, vượt ngưỡng 70.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 18-6.
Sau mức đỉnh này, SAM liên tục điều chỉnh và lùi dần về mức giá trên dưới 20.000 đồng/CP trong khoảng thời gian dài.
SAM chỉ thật sự bùng nổ từ năm 2006 và đỉnh điểm là năm 2007 - thời điểm khởi sắc nhất của TTCK Việt Nam - và được xếp vào nhóm CP dẫn dắt thị trường. Trong những phiên giao dịch lúc này luôn có hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu CP được khớp lệnh và SAM tăng gần chạm mốc 250.000 đồng/CP phiên giao dịch ngày 27-2-2007. Sau khi đạt đỉnh lịch sử này, SAM bước vào giai đoạn điều chỉnh, nhưng vẫn giữ vững được mốc 100.000 đồng/CP cho đến khi TTCK bước vào giai đoạn suy thoái năm 2008. 
Đợt suy giảm này kéo SAM lùi về gần mức giá tham chiếu 10.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2009. Và rồi đáy của SAM được xác lập trong phiên giao dịch ngày 6-1-2012, với mức giá chỉ 4.200 đồng/CP. Với mức giá này, nếu tính từ đỉnh lịch sử năm 2007, mã CP này đã mất đến 98% giá trị.

Loay hoay tái cơ cấu
Nguyên nhân nhân khiến SAM đánh mất vị thế CP blue chip dẫn dắt thị trường, xuất phát từ những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2007-2008. Thời điểm này, nhu cầu cáp đồng đột ngột suy giảm đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp, trong đó có SAM đang chiếm tới 55% thị phần.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 2008, khiến danh mục đầu tư tài chính của SAM thua lỗ nặng nề trong các năm tiếp theo 2008-2011. Đỉnh điểm thua lỗ là năm 2011 với lợi nhuận âm 181 tỷ đồng, do phải trích lập dự phòng giảm giá danh mục đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Từ 2008-2012, SAM chủ trương tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, bằng việc đổi tên từ CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông thành CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (năm 2010). Theo đó, SAM xác định chiến lược kinh doanh mới, thay thế hoạt động sản xuất cáp điện thành cáp quang.
Đối với mảng đầu tư, các bước đi của SAM có phần giống REE khi chọn kiềng 3 chân, gồm 30% hoạt động sản xuất chính, 40% bất động sản và 30% đầu tư tài chính. Dù đã có bước đầu khả quan nhưng SAM vẫn đang chưa xác định rõ chiến lược đối với 2 hoạt động bất động sản và tài chính, do vậy kết quả đạt được bị hạn chế.
Sau đợt tái cơ cấu bất thành này, năm 2016, SAM lần nữa lên kế hoạch tái cơ cấu hoạt động theo mô hình mới công ty mẹ - công ty con. Trong đó, SAM Holdings là công ty mẹ, các công ty con ở các ngành nghề sản xuất, gồm bất động sản nghỉ dưỡng (SAM Tuyền Lâm), bất động sản nhà ở (SAM Land); nông nghiệp công nghệ cao (SAM Agritech), dây và cáp (SAM Dây và Cáp). Ngoài ra, SAM còn có mảng bất động sản cho thuê (Sacom Chíp Sáng), có vốn góp ở 5 công ty liên kết và một số khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. 
Theo ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc, SAM hoạt động theo mô hình chiến lược “hai bàn tay”, trong đó đầu tư tài chính đóng vai trò bàn tay trái, là nền tảng sức mạnh của SAM, còn bất động sản là bàn tay phải giữ sứ mệnh thúc đẩy tăng trưởng của cả tập đoàn. Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu là việc đổi tên từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom thành CTCP SAM Holdings.

Tiếp tục chờ
 Đợt tái cơ cấu năm 2016 được cho là nguyên nhân khiến ông Đỗ Văn Trắc quyết định rút khỏi ghế Phó chủ tịch HĐQT. Sau khi từ nhiệm ông Trắc và vợ đã bán ra hơn 11 triệu CP SAM. 
Lần tái cơ cấu mới nhất này đã mang lại những hiệu quả tích cực cho SAM ngay từ quý đầu tiên của năm 2017. Cụ thể, theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I, doanh thu thuần trong kỳ đạt 418,72 tỷ đồng (giảm nhẹ so với cùng kỳ), nhưng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 3,2 tỷ đồng.
Nhờ vậy, SAM đã kết thúc năm 2017 với kết quả hết sức thành công khi ghi nhận 2.459 tỷ đồng doanh thu hợp nhất (tăng 30%), lợi nhuận trước thuế đạt 143 tỷ đồng (gấp 4,4 lần năm 2016 và vượt 35% kế hoạch năm). Riêng lĩnh vực cốt lõi là đầu tư tài chính, SAM tỏ ra khá hiệu quả khi bán chốt lời 14,5 triệu CP VGC (lãi 115 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, SAM cũng thực hiện một số khoản đầu tư mới vào các mã CP như DXG, DVN, TTF. 
Bước sang năm 2018, SAM tiếp tục thực hiện thoái vốn một số khoản đầu tư, trong đó nổi bật là chốt lời DXG (lãi 130 tỷ đồng). Nhưng khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang trên đà hồi phục, ông Vương bất ngờ xin từ nhiệm khỏi vị trí Tổng giám đốc và thoái toàn bộ 15,28 triệu cổ phần (tương ứng 6,32% vốn điều lệ), với lý do đáp ứng nhu cầu tài chính.
Đến tháng 10, Thành viên HĐQT Đào Ngọc Thanh cũng nộp đơn từ chức khỏi SAM, với lý do đã có hướng phát triển riêng. Những biến động về mặt nhân sự chủ chốt là 1 trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của SAM bị ảnh hưởng khá nặng nề trong năm 2019.
Theo BCTC bán niên 2019, doanh thu lũy kế 6 tháng đạt 1.173 tỷ đồng (tăng 12%) nhưng lợi nhuận chỉ đạt chưa đến 28 tỷ đồng (giảm 63%). Với kết quả này, SAM mới chỉ hoàn thành khoảng 33% kế hoạch doanh thu và chưa đến 14% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đề ra trong năm 2019. Sự sa sút về hiệu quả sản xuất kinh doanh của SAM đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá CP.
Cụ thể, sau khi phục hồi về giá tham chiếu nhờ những thông tin tích cực từ đợt tái cơ cấu năm 2016, SAM lại bị bán ra hiện đang giao dịch ở vùng giá chỉ khoảng 8.000 đồng/CP. Với mức giá này, những NĐT đang nắm giữ CP SAM ở mức giá cao lại phải tiếp tục chờ đợi lần “lột xác” kế tiếp của doanh nghiệp, dưới sự điều hành của Tổng giám đốc Trần Việt Anh. 
(Còn tiếp)

Các tin khác