Những cổ phiếu một thời…: JVC - Từ huy hoàng đến bĩ cực

(ĐTTCO) - Thời kỳ huy hoàng, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) là doanh nghiệp đứng đầu về lĩnh vực cung cấp thiết bị chuẩn đoán hình ảnh y tế. Tuy nhiên, sự cố liên quan đến Chủ tịch HĐQT đã đẩy JVC lao dốc không phanh, từ hoạt động sản xuất kinh doanh cho đến giá CP.
Mô hình kinh doanh đơn cấp
JVC thành lập năm 2001 với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán, cho thuê thiết bị y tế, lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thiết bị y tế. Trong những ngày đầu thành lập, vốn điều lệ của JVC chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng, bộ máy nhân sự có 5 người gồm lãnh đạo công ty, kế toán, kinh doanh và kỹ thuật.
Ngay sau khi thành lập, năm 2002 JVC chính thức trở thành đại lý độc quyền về thiết bị y tế của Hitachi Medical System tại Việt Nam. Đây là tập đoàn hàng đầu tại Nhật Bản chuyên cung cấp các dòng sản phẩm chính máy cộng hưởng từ (MRI), máy chụp cắt lớp vi tính (CT), máy Xquang (X-ray system), máy siêu âm (Ultrasound-scanner system). 
Việc trở thành đối tác của Hitachi đã tạo nên bước ngoặt cũng như sự bứt phá của JVC trong những năm kế tiếp. Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công cho JVC là mô hình kinh doanh đơn cấp với Hitachi. Theo hợp đồng, JVC làm việc trực tiếp với Hitachi tại Nhật Bản, mọi đơn hàng của bệnh viện và khách hàng đối với sản phẩm của tập đoàn này đều được thực hiện thông qua JVC.
Những cổ phiếu một thời…: JVC - Từ huy hoàng đến bĩ cực ảnh 1
Do làm việc trực tiếp với Hitachi Nhật Bản, JVC giảm được nhiều tầng chi phí, trong khi đó có thể mua được nguồn hàng với giá tốt nhất, cũng như thương lượng trực tiếp với Hitachi để có chính sách hỗ trợ tốt về giá, điều kiện thanh toán, ưu đãi trả chậm. Đơn cử, năm 2013 Hitachi đã cấp cho JVC gói ưu đãi trả chậm trị giá 8 triệu USD trong 3 năm. 
Sau thành công với Hitachi, JVC liên tục ký hợp tác với các tập đoàn thiết bị y tế hàng đầu thế giới như Nemoto, Toray Medical, ELK, KINKY, Carestream Kodax, Fuji… Thời điểm huy hoàng nhất của mình, JVC có hơn 200 nhân viên và đứng đầu về cung cấp thiết bị chẩn đoán hình ảnh với thị phần đạt 40% (chủ yếu là thiết bị của Hitachi). JVC là đại lý phân phối hoặc đại lý phân phối chính thức các thiết bị y tế cho khoảng 50 hãng, trong đó JVC gần như là nhà phân phối độc quyền cho 20 hãng. 
Biến cố bất ngờ
Nhờ mô hình hợp tác với Hitachi, doanh thu và lợi nhuận của JVC tăng trưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 30%, biên lợi nhuận gộp bình quân đạt 38%. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2010 JVC chuyển sang mô hình CTCP và niêm yết CP trên HOSE vào tháng 11-2011, với giá chốt phiên chào sàn 24.800 đồng/CP. Với kết quả kinh doanh ấn tượng, JVC là CP được giới đầu tư đánh giá cao với thanh khoản lớn. Đặc biệt, sau khi niêm yết, JVC có nhiều đợt phát hành CP tăng vốn từ 224 tỷ đồng lên 1.125 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2015 hoạt động kinh doanh của JVC gặp khó khăn do những sai phạm của Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Hướng. Đáng chú ý, trước thời điểm ông Hướng bị bắt, trên thị trường đã xuất hiện tin đồn khiến JVC có chuỗi giảm giá sốc, mất đến 80% giá trị chỉ trong vòng 3 tháng, thậm chí có thời điểm JVC giảm xuống chỉ còn 2.000 đồng/CP. Việc JVC lao dốc không chỉ khiến NĐT nhỏ thiệt hại, còn làm các quỹ đầu tư lớn cũng thua lỗ nặng như Dragon Capital, Vietnam Equity Holding, Dream Incubator. 
Sự cố liên quan đến ông Hướng còn khiến JVC bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, ngân hàng không tài trợ vốn và khách hàng, nhà cung cấp ngừng hợp tác. Đơn cử, việc Vietinbank siết nợ 235 tỷ đồng khiến JVC rơi vào trạng thái thiếu hụt trầm trọng nguồn tiền hoạt động. Theo báo cáo tài chính năm 2015, số dư tiền mặt của JVC chỉ còn chưa đầy 9 tỷ đồng, trong khi vào thời điểm đầu kỳ công ty có gần 500 tỷ đồng tiền mặt và 285 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Lũy kế cả năm 2015, JVC đạt doanh thu thuần 507 tỷ đồng và lỗ tới 713 tỷ đồng.

Chưa thể “thoát xác”
Trong nỗ lực thoát khỏi khó khăn, JVC nhận được sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược Nhật Bản. Cụ thể, Hitachi đã giao lại cho JVC phân phối ở thị trường miền Nam từ tháng 3-2017. Thị trường này JVC bị cắt hợp đồng năm 2016 và đối tác có ý định chuyển sang nhà phân phối khác. Thời gian thanh toán đơn hàng và hạn mức tín dụng cũng được đối tác kéo dài hơn so với trước đó.
Như vậy, JVC vẫn giữ được nền tảng cơ bản trên thị trường và đưa hoạt động kinh doanh ổn định trở lại. Trong khi đó, đối tác Fuji cũng đã ổn định kênh phân phối film chụp tại miền Bắc với JVC, dù trước đây đã bị tước quyền trao cho đối tác khác từ năm 2016 khi xảy ra khủng hoảng.
Các vấn đề về tài chính cũng được JVC xử lý triệt để, các khoản phải thu, nợ khó đòi đã được công ty trích lập dự phòng đầy đủ. Các ngân hàng BIDV, Techcombank, TPBank đã cấp hạn mức tín dụng trở lại 150 tỷ đồng cho JVC. Kết quả kinh doanh của JVC đã cho thấy sự hồi phục khả quan, khi lợi nhuận đã bắt đầu ghi nhận con số dương. 
Tuy nhiên, JVC vẫn còn điểm tồn tại về tài chính là khoản lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng từ các năm trước. Khoản lỗ lũy kế này là hậu quả của những sai lầm trong quá khứ khiến JVC gặp nhiều rắc rối, như CP mới được đưa ra khỏi diện kiểm soát nhưng vẫn nằm trong diện cảnh báo, CP không được cho vay ký quỹ. JVC bị nằm trong diện cảnh báo từ 15-12-2017 đến nay do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2019 là 2,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31-3-2020 âm 1.015 tỷ đồng. 
Bên cạnh đó, JVC cũng chưa thể chia cổ tức cho cổ đông, dù kinh doanh có lãi và có dòng tiền thực dương. Để quá trình hồi phục có thể đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông thông qua việc đánh giá các chỉ tiêu tài chính trọng yếu, JVC cần có kế hoạch xử lý khoản lỗ lũy kế này và các khoản phải thu khó đòi, thông qua các biện pháp kỹ thuật để làm sạch báo cáo tài chính của mình.
 Dù hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần ổn định và không còn thua lỗ, nhưng khoản lỗ lũy kế trên 1.000 tỷ đồng vẫn tiếp tục ghìm chân JVC dưới mốc 4.000 đồng/CP.   

Các tin khác