Những cổ phiếu một thời…: ITA ngập trong nợ nần

(ĐTTCO)-Sự xuất hiện của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco, mã CK ITA) năm 2006 không chỉ mang lại làn gió mới cho thị trường, còn góp phần đưa cổ đông sáng lập của doanh nghiệp này lên vị trí người giàu nhất sàn CK. Dù khởi đầu khá suôn sẻ nhưng ITA lại có hậu vận không tốt, với hàng loạt dự án đầu tư khủng thất bại và sự “biến mất” của Chủ tịch HĐQT.
Từ một ông trùm KCN, ITA đã đầu tư quá dàn trải.
Từ một ông trùm KCN, ITA đã đầu tư quá dàn trải.
Ông trùm KCN
ITA là chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo ở huyện Bình Chánh, TPHCM, với tổng diện tích theo quy hoạch 443,25ha, trong đó khu hiện hữu có diện tích 181ha, được thành lập năm 1996.
Đến năm 2000, KCN Tân Tạo được mở rộng thêm 262,25ha. Thời điểm đó, Tân Tạo là KCN dẫn đầu về số lượng nhà máy đi vào hoạt động tại TPHCM, với 184 doanh nghiệp và thu hút trên 20.000 lao động. Đến cuối tháng 6-2006, KCN Tân Tạo đã có 203 doanh nghiệp trong nước và 34 doanh nghiệp nước ngoài. 
Thành công của KCN Tân Tạo đã đưa ITA trở thành doanh nghiệp hạ tầng KCN lớn của Việt Nam. Vì lẽ đó, sự xuất hiện của ITA trên sàn HOSE ngày 15-11-2006 đã tạo nên sự phấn khích của giới đầu tư. Từ mức giá của ngày chào sàn 54.000 đồng/CP, ITA liên tục bứt phá và đạt đỉnh 169.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 28-2-2007.
Sau mức giá lịch sử này, ITA điều chỉnh giảm nhưng vẫn giữ được trên mốc 100.000 đồng/CP trong thời gian khá dài. Với mức giá này, thành viên HĐQT của ITA là ông Đặng Thành Tâm đã soán ngôi ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingourp (VIC), để trở thành người giàu nhất trên TTCK trong năm 2007 với tổng tài sản lên đến 6.293 tỷ đồng. 
2009 và 2010 có thể nói là 2 năm ITA có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất kể từ khi niêm yết, với cổ tức và thưởng CP lên đến 110%. Năm 2011, ITA là 1 trong 10 mã CP được lựa chọn tính chỉ số Russell Vietnam Index. 

Con nợ trên TTCK 
 Việc phát hành hàng trăm triệu CP để cấn trừ nợ những năm trước khiến ITA bị pha loãng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ITA khó bứt phá, ngay cả khi doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh. 
Sau thành công của KCN Tân Tạo, ITA tiếp tục đầu tư vào KCN Tân Đức (543ha) và dồn lực sang các lĩnh vực hoạt động mới. Song, nếu KCN Tân Đức mang lại hiệu quả, các lĩnh vực đầu tư mới lại nhấn chìm ITA trong đống nợ.
Đơn cử, dự án Nhiệt điện Kiên Lương (Kiên Giang) do thành viên của ITA là CTCP Năng lực Tân Tạo (TEC) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 6,7 tỷ USD. Đến nay sau hơn 10 năm triển khai dự án vẫn trong tình trạng dang dở.
UBND tỉnh Kiên Giang nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không tiếp tục triển khai đầu tư. Theo giải thích của UBND tỉnh Kiên Giang, từ cuối năm 2011 dự án đã đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và không làm thủ tục xin gia hạn nộp theo quy định.
Việc đầu tư quá nhiều vào Nhiệt điện Kiên Lương đã biến ITA trở thành con nợ và bị ngân hàng “ngoảnh mặt”. Để trả nợ, ITA đã có “sáng kiến” phát hành CP cấn trừ nợ. Cụ thể, trong năm 2013 ITA phát hành thêm 119 triệu CP để cấn trừ nợ hơn 1.155 tỷ đồng cho các doanh nghiệp như CTCP Đại học Tân Tạo, CTCP Delta miền Nam, CTCP Truyền thông giải trí và Sản xuất Media Ban Mai, Quỹ ITA (đây đều là những doanh nghiệp có liên quan với ITA).
Hoạt động phát hành CP cấn trừ nợ tiếp tục được ITA duy trì đều đặn trong các năm 2014, 2015 và 2016. Theo thống kê, trong giai đoạn 2013-2016, ITA đã phát hành hơn 435 triệu CP để cấn trừ khoản nợ 4.350 tỷ đồng. 
Dù liên tục giảm trừ nợ nhưng khoản đầu tư vào dự án Nhiệt điện Kiên Lương vẫn là “cục xương” khó nuốt của ITA. Mới đây, trong báo cáo tài chính bán hợp nhất soát xét bán niên 2019 của ITA, kiểm toán viên đã có ý kiến lưu ý về khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu tổng trị giá hơn 3.500 tỷ đồng liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Cụ thể, tại ngày 30-6, ITA ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển năng lượng Tân Tạo (TDEC) và CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2), với giá trị lần lượt gần 1.753 tỷ đồng và 418 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ITA còn có các khoản phải thu từ TEDC với số tiền xấp xỉ 1.343 tỷ đồng.
TEDC và TEC 2 đang nắm giữ vốn chủ sở hữu của TEC với tỷ lệ lần lượt 72% và 14%. Theo ý kiến của kiểm toán viên, ITA chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi của các khoản đầu tư và khoản phải thu nói trên do việc này phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương. 

Chủ tịch ở đâu?
Trong khi doanh nghiệp lâm vào tình trạng bết bát với khoản nợ lên đến hàng ngàn tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là bà Đặng Thị Hoàng Yến lại vắng bóng kể từ ĐHCĐ thường niên 2016 đến nay, với lý do “lịch làm việc dày đặc”. Tại ĐHCĐ thường niên 2019 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, cổ đông tiếp tục chất vấn HĐQT về sự “mất tích” khó hiểu của bà Yến.
Điều hành ĐHCĐ là ông Đặng Thành Tâm (em bà Yến), với tư cách là cổ đông sáng lập, cho biết sẽ thông báo lại với bà Yến, có thể sau đó phía ITA gửi lại thư trả lời đến NĐT. Thế nhưng, đến nay NĐT vẫn không có thêm thông tin gì.
Điều đáng nói, tại các kỳ ĐHCĐ này ông Tâm luôn vẽ ra viễn cảnh tươi sáng và kế hoạch kinh doanh hết sức ấn tượng. Năm 2019, ITA đặt mục tiêu doanh thu 1.885 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 455 tỷ đồng (tăng lần lượt tăng 2,7 lần và 5,5 lần so với thực hiện năm 2018).
Để đạt được mục tiêu này, ITA sẽ quyết liệt tái cấu trúc, thoái vốn tại nhiều dự án, tập trung nguồn lực phát triển những lĩnh vực giữ lại, trong đó nổi bật là mảng KCN. Theo ông Tâm, công nghệ cao sẽ trở thành mũi nhọn của ITA. Theo đó ITA sẽ tiếp tục đầu tư ủy thác dự án công nghệ cao tại Mỹ khoảng 8 triệu USD (mức vốn đăng ký khoảng 10 triệu USD) nhằm thu hút vốn ngoại. 
Thế nhưng, bức tranh với gam màu tươi sáng này đã không được giới đầu tư đón nhận theo chiều hướng tích cực. Nguyên nhân do cổ đông đã quá quen với việc vẽ ra kế hoạch kinh doanh trên trời, trong khi kết quả thực hiện lại thấp lè tè.
Đơn cử, giai đoạn 2016-2018, ITA chỉ hoàn thành trung bình 50% doanh thu và 11% lợi nhuận. Chính vì vậy, thay vì mua vào để đón đầu cơ hội, NĐT vẫn miệt mài bán ra, khiến ITA giao dịch ở mức giá chỉ hơn 2.000 đồng/CP. 

Các tin khác