Những cổ phiếu một thời…: HQC - Sự trở lại muộn màng

(ĐTTCO) - CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) thành lập khá sớm, là một trong những doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đầu tiên niêm yết trên TTCK. Thế nhưng, mục tiêu trở thành doanh nghiệp phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam của HQC lại là cú lao dốc kinh hoàng.

Tiên phong NoXH
HQC thành lập năm 2000 với hoạt động kinh doanh ban đầu là môi giới BĐS. Những năm kế tiếp, HQC lần lượt "lột xác” bằng việc tăng vốn và thành lập hàng loạt công ty hoạt động trong lĩnh vực địa ốc, với mong muốn trở thành nhà phát triển BĐS hàng đầu Việt Nam.
Từ số vốn 20 tỷ đồng thời điểm năm 2005, đến năm 2009 vốn điều lệ của HQC đã lên đến 400 tỷ đồng. Để hiện thực hóa tham vọng này, tháng 3-2007, HQC quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động từ hình thức sở hữu công ty TNHH sang CTCP. Đến năm 2010, HQC chính thức niêm yết CP trên HOSE với giá tham chiếu 31.000 đồng/CP. Đây có thể xem là bước ngoặt mang lại chuyển biến tích cực cho HQC, với hàng loạt giải thưởng trong lĩnh vực BĐS và giải thưởng dành cho doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu. 
Những cổ phiếu một thời…: HQC - Sự trở lại muộn màng ảnh 1 Chung cư NoXH HQC Plaza đã từng làm nên tên tuổi cho Công ty Hoàng  Quân.
Tại ĐHCĐ thường niên 2013, HQC bất ngờ công bố đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội (NoXH), với 2 dự án HQC Plaza và HQC Hóc Môn. Cả 2 dự án này thi công vượt tiến độ, góp phần tạo nên tên tuổi cho HQC. Từ thành công này, HQC nhanh chóng trở thành đối tác của tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Năm 2014, HQC ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với LG và Huyndai trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại, dịch vụ, cũng như cung cấp trang thiết bị cho các dự án do HQC làm chủ đầu tư. Năm 2015, HQC ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tổng Công ty Viglacera, ký kết hợp tác đầu tư với Tập đoàn Global Emerging Markets (GEM). ĐHCĐ thường niên 2015 của HQC đã thông qua chỉ tiêu lợi nhuận tăng gấp 10 lần 2014 nhờ hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng.

Liên tục vỡ kế hoạch
Thành công của dự án NoXH đầu tiên cũng là tiền đề để HQC liên tục có những đợt tăng vốn nóng, mở rộng mô hình ra nhiểu tỉnh, thành trên cả nước. Từ 400 tỷ đồng thời điểm năm 2009, đến năm 2016 vốn điều lệ của HQC đã lên đến 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô phát triển của HQC lại ngược chiều với hiệu quả kinh doanh, khi doanh nghiệp ngày càng đi xuống và liên tục bị vỡ kế hoạch đề ra. Đơn cử, năm 2014 HQC chỉ hoàn thành 21,3% kế hoạch lợi nhuận, năm 2016 hoàn thành 22% kế hoạch, năm 2017 hoàn thành 32,7%, năm 2018 hoàn thành 24% kế hoạch và năm 2019 hoàn thành 29%.
Không chỉ kinh doanh thụt lùi, những dự án NoXH từng ghi dấu ấn, nay trở thành “vết nhơ” của HQC khi liên tục vướng vào những vụ tranh chấp với khách hàng mua nhà, cùng với nhiều sai phạm trong xây dựng, kinh doanh nhà tại nhiều dự án. Đơn cử, dự án NoXH Bắc Vĩnh Hải (Khánh Hòa). Theo kết luận Thanh tra số 643 của UBND tỉnh Khánh Hòa, HQC đã có nhiều sai phạm khi thực hiện dự án, gồm chậm tiến độ, vi phạm về điều kiện bán NoXH hình thành trong tương lai theo Luật Nhà ở năm 2014. 
Cụ thể, HQC không trung thực trong việc cung cấp hồ sơ nghiệm thu phần móng công trình làm cơ sở để Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện mở bán, khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu phần móng của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ngoài ra, chủ đầu tư còn vi phạm quy định về đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ NoXH (bán NoXH giá thương mại cho người nước ngoài). Đặc biệt, HQC còn thu tiền bán NoXH vượt quá 70% giá trị căn hộ không đúng quy định, thu tiền đặt cọc thuê NoXH vượt quá 50% giá trị căn hộ.

“Đáy của đáy”
Kết quả kinh doanh không như mong đợi đã góp phần kéo giá CP HQC lao dốc và liên tục phá đáy. Trong những phiên giao dịch cuối năm 2019, có thời điểm HQC giảm xuống dưới mốc 1.000 đồng/CP. Dù giá CP liên tục phá đáy nhưng tại các kỳ họp ĐHCĐ, lãnh đạo HQC luôn “vẽ” ra những chỉ tiêu kinh doanh ấn tượng. Tại ĐHCĐ thường niên 2019, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, thừa nhận HQC gặp nhiều khó khăn, như các dự án chậm tiến độ, thặng dư vốn cổ phần âm hơn 500 tỷ đồng, hàng tồn kho lớn, việc bán hàng bị ảnh hưởng và giá CP đang ở mức “đáy của đáy”.
 Dù thừa nhận khó khăn nhưng HĐQT trình kế hoạch doanh thu 1.513 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 145 tỷ đồng (gấp 2,8 lần và 3,4 lần năm 2018), tỷ lệ cổ tức dự kiến 5%. Thậm chí, ông Tuấn còn tự tin đề ra mục tiêu cho những năm kế tiếp: doanh thu năm 2020 đạt 3.000 tỷ đồng (tăng gấp đôi 2019), lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng; doanh thu năm 2021 đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên 2020 được tổ chức ngày 30-5 vừa qua, HĐQT bất ngờ hạ thấp chỉ tiêu năm 2020, với doanh thu 1.219 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng, nhưng kèm theo mục tiêu đến năm 2024 giá CP về bằng mệnh giá. 
Việc giá CP HQC thấp, theo lý giải của lãnh đạo HQC do các đội lái “đè” ở mức 1.000 đồng/CP. Ông Tuấn cũng tiết lộ đã có trên 10 đội lái đến gặp trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị đánh lên. Tuy nhiên, doanh nghiệp không bao giờ bắt tay với đội lái để làm giá CP. Muốn làm tăng giá trị CP phải đi từ bản chất của doanh nghiệp, giải quyết những khúc mắc trong vấn đề CP quỹ, thặng dư vốn, quan trọng hơn hết là các công ty trong tập đoàn cùng hợp sức để cải thiện hiệu quả kinh doanh. 
Ông Tuấn thừa nhận, ở thời điểm hiện tại, HQC không thể mua CP quỹ do thặng dư vốn âm. Do đó, các công ty thành viên HQC có thể thực hiện mua CP để khắc phục, xem như công ty mẹ thực hiện mua CP quỹ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các ngân hàng chỉ rút vốn không bơm thêm cho HQC làm dự án, dẫn đến việc thực hiện các dự án đều bị trễ tiến độ, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. 
 Gặp khó với mô hình NoXH, HQC quyết định nâng tỷ trọng đầu tư vào BĐS thương mại, trong đó tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình, BĐS văn phòng, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sự trở lại này của HQC đã quá muộn màng, do các đối thủ cạnh tranh đã bỏ xa cả về năng lực lẫn kinh nghiệm.

Các tin khác