Những cổ phiếu một thời…: DIC - Không còn đường lùi

(ĐTTCO) - Hòa cùng không khí tưng bừng của TTCK trong năm 2007, mã DIC của CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC - Intraco) thiết lập được đỉnh lịch sử 75.000 đồng/CP. Thế nhưng, tất cả những thành quả trong quá khứ đã bị cuốn phăng khi DIC bắt đầu bộc lộ điểm yếu trong bối cảnh điều kiện kinh doanh khó khăn.  

Chuyển mình kịp thời 
Tiền thân của DIC là chi nhánh văn phòng Công ty Đầu tư Xây dựng và Du lịch Vũng Tàu. Năm 2003, nâng cấp thành công ty con 100% vốn nhà nước với công ty mẹ là CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp). Lĩnh vực kinh doanh chính là thi công xây lắp công trình dân dụng, công nghiệp; mua bán vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị phục vụ xây dựng; khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng; môi giới bất động sản, dịch vụ nhà đất; cho thuê kho bãi, văn phòng, nhà xưởng; sản xuất vật liệu trang trí nội thất, ngói màu; đầu tư phát triển khu công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. 
Ban đầu hoạt động kinh doanh chính của DIC là thực hiện các hợp đồng thi công xây lắp, nhưng nhận thấy lĩnh vực này mang lại lợi nhuận thấp nên DIC dần chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng như clinker và sắt thép. Đây là lĩnh vực kinh doanh chủ lực của DIC khi chiếm đến 75% doanh thu hàng năm.
Đáng chú ý là hoạt động cung cấp clinker cho hơn 30 trạm nghiền (chiếm 85% thị phần) thuộc các công ty sản xuất xi măng ở khu vực phía Nam như: Xi măng Hà Tiên, Xi măng 406 Cần Thơ, Xi măng Bình Dương, Xi măng Cần Thơ. Theo thống kê, sản lượng tiêu thụ clinker của DIC đạt khoảng 55.000-60.000 tấn/tháng. Thậm chí, sản phẩm của DIC đã có mặt tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ Đài Loan, Bangladesh, Philippines, Trung Quốc, Singapore.
Những cổ phiếu một thời…: DIC - Không còn đường lùi ảnh 1 Một dự án căn hộ cao cấp tại TP Vũng Tàu do DIC đầu tư.
Nếu cung cấp clinker là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất, thì kinh doanh sắt thép là lĩnh vực mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho DIC nhờ các hợp đồng cung cấp thép cho các công trình của công ty mẹ là DIC Corp và cả những dự án bất động sản do DIC làm chủ đầu tư. 
Nhờ bước chuyển mình kịp thời này, DIC duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với các doanh nghiệp cùng ngành trong giai đoạn 2005-2009. Thậm chí, thời điểm năm 2008, dù gặp khó khăn do cuộc đua lãi suất của các ngân hàng và biến động mạnh về tỷ giá, nhưng DIC vẫn duy trì được khả năng sinh lời với lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt là 4,5% và 15,1%. 

Đỉnh và đáy
Năm 2005, DIC thực hiện cổ phần hóa với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng. Chỉ 1 năm sau, DIC đưa CP lên niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 38.000 đồng/CP. Nhờ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định, sau khi niêm yết DIC liên tục phát hành CP tăng vốn và hầu như không khó khăn trong việc phát hành thêm CP. Cụ thể, tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 33,6 tỷ đồng (năm 2007), 67,7 tỷ đồng (năm 2008), 82 tỷ đồng (năm 2009), 125 tỷ đồng (năm 2010), 150 tỷ đồng (năm 2011), 164,4 tỷ đồng (năm 2012), 170,8 tỷ đồng (năm 2013) và 265,8 tỷ đồng (năm 2015). 
Kết quả kinh doanh ấn tượng, cộng hưởng với sự bùng nổ của TTCK trong năm 2007 đã giúp DIC có đợt sóng tăng và chinh phục đỉnh 75.000 đồng/CP. Thế nhưng, sau khi thiết lập đỉnh, DIC bị bán ra và điều chỉnh mạnh trong những năm kế tiếp. Đà giảm càng gia tăng mỗi khi doanh nghiệp công bố thông tin xấu hay kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Đến thời điểm hiện tại, DIC chỉ còn giao dịch trên mốc 1.500 đồng/CP. Việc DIC giảm về mức giá như hiện nay khiến cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông lâu năm gần như không còn đường thoái lui. 

Lỗ hổng tài chính
Biến cố của thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2008 đã khiến cho DIC lộ ra những điểm yếu chết người. Đơn cử là cấu trúc vốn sử dụng nợ vay khá cao. Cơ cấu nợ cộng với lãi suất cao đợt biến động trong năm 2008 đã đẩy chi phí tài chính tăng 180%. Tại thời điểm cuối năm 2008, tỷ trọng nợ vay của DIC lên tới 67%, chủ yếu là khoản vay ngắn hạn. Khó khăn tiếp tục đổ dồn lên DIC khi hoạt động xuất khẩu clinker chịu áp lực cạnh tranh với nguồn cung cấp giá rẻ từ Trung Quốc, Thái Lan. Ngay tại thị trường clinker nội địa vốn là thế mạnh của DIC cũng gặp khó do tình trạng cung vượt cầu, thị phần cũng sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 60%. Bên cạnh đó là các quy định gây bất lợi về thuế xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào (xăng, dầu, điện, than) tăng liên tục làm chi phí tài chính tăng. 
Trước tình hình khó khăn trên, HĐQT của DIC quyết định tiến hành thoái vốn tại các công ty con hoạt động không hiệu quả nhằm thu hồi vốn để tăng cường năng lực tài chính, tập trung hỗ trợ và đầu tư cho các mặt hàng cũng như dự án tiềm năng và có tính khả thi hơn. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng kết quả thu được vẫn hết sức khiêm tốn. Đến năm 2011, HĐQT của DIC quyết định chuyển đổi chiến lược kinh doanh, ngưng triển khai các dự án bất động sản để tập trung vốn phát triển kinh doanh thương mại truyền thống, mang lại hiệu quả cao và nhanh.
Dù quyết định ngưng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nhưng hệ quả của những dự án đầu tư này vẫn kéo dài, khiến cho DIC không thể tập trung cho các hoạt động kinh doanh chính. Đơn cử như dự án cao ốc 112 Trần Hưng Đạo (TPHCM). Đây là dự án hợp tác giữa DIC và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh để xây dựng có quy mô 15 tầng.
Tuy nhiên, do những thay đổi về quy hoạch của Bộ Quốc phòng, 2 bên quyết định dừng hợp tác và đưa nhau ra tòa để quyết toán thanh lý các khoản đầu tư của DIC. Tương tự là dự án Khu dân cư 25ha tại xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn (TPHCM). Đây là dự án hợp tác giữa DIC và Công ty TNHH Đại Nguyễn với quy mô lên dến 25ha. Do đối tác bàn giao đất không như cam kết, 2 bên lại kéo nhau ra tòa để giải quyết tranh chấp. 

Các tin khác