Nhiều CTCK rơi vào diện cảnh báo

TTCK lình xình trong suốt thời gian dài, đặc biệt từ đầu tháng 5 trở lại đây các chỉ số chính trên cả 2 sàn niêm yết đều rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, nhiều thành viên trên thị trường tỏ ra quan ngại về khả năng có sự đổ vỡ tài chính của các CTCK do các khoản nợ khó đòi ngày gia tăng trong điều kiện thị trường sa sút.

TTCK lình xình trong suốt thời gian dài, đặc biệt từ đầu tháng 5 trở lại đây các chỉ số chính trên cả 2 sàn niêm yết đều rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, nhiều thành viên trên thị trường tỏ ra quan ngại về khả năng có sự đổ vỡ tài chính của các CTCK do các khoản nợ khó đòi ngày gia tăng trong điều kiện thị trường sa sút.

Hiện đang có trên 10 CTCK rơi vào diện cảnh báo. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Hiện đang có trên 10 CTCK rơi vào diện cảnh báo.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), cho biết mặc dù TTCK đang trong giai đoạn rất khó khăn nhưng theo đánh giá sơ bộ từ phía SSC, về cơ bản các CTCK đã đáp ứng đủ các quy định về tỷ lệ an toàn tài chính.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho hay, năm 2010 trên toàn thị trường có 20 CTCK kinh doanh thua lỗ. Tính tới thời điểm hiện nay, trong số 105 CTCK đang hoạt động, có trên 10 CTCK đang rơi vào diện cảnh báo và thuộc các công ty có quy mô vốn nhỏ. (Theo Thông tư 226/2010/TT-BTC Quy định Tỷ lệ an toàn tài chính, các công ty chứng khoán bị đưa vào tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng dao động từ 120% tới 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong ba (3) tháng liên tục)

Đại diện một số CTCK trên thị trường cũng thừa nhận tình hình kinh doanh của họ hiện đang rất chật vật. Song hầu hết đều cho rằng các đơn vị bị khủng hoảng về tài chính thường chỉ rơi vào một số CTCK buông lỏng quản trị rủi ro, cho vay ra với tỷ lệ quá cao (có những nơi cho nhà đầu tư vay tỷ lệ lên tới 500%) và không kiểm soát được hoạt động cho vay đối với các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Trưởng phòng Marketing CTCK IRS,  thực trạng tín dụng xấu của các CTCK cũng không quá nguy cấp như phỏng đoán của thị trường. Bởi thực tế TTCK đã giảm sút hơn một năm nay, các CTCK bằng cách này hay cách khác cũng đã dần thu hồi các tài khoản thấu chi.

“Thực tế, cũng có một số CTCK nhỏ vốn điều lệ thấp hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng ăn thâm vào vốn, hoạt động cầm chừng. Theo tôi được biết hiện có khoảng 7 công ty đang rao bán. Nhìn chung tình hình thị trường rơi vào hoàn cảnh "lũ quét", CTCK nào trên thị trường ít nhiều đều bị ảnh hưởng” - ông Hoàng nói.

Ông Phan Minh Tuấn Phó Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư tài chính Dragon Capital, cho biết quỹ của ông cũng đang đầu tư vào một CTCK. Với quan điểm một nhà đầu tư, ông Tuấn nói: "Trong bối cảnh TTCK thua lỗ như hiện nay, CTCK nào cũng gặp khó khăn, song mức độ khó khăn phụ thuộc vào từng công ty. Riêng CTCK hiện chúng tôi đang đầu tư kết quả hoạt động kinh doanh quý I-2011 vẫn có lãi.

Còn ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Khối tư vấn tài chính doanh nghiệp, CTCK Thanh Long, nhấn mạnh sự tổn thương của các các CTCK tại thời điểm này là nhìn thấy được. Nhưng ở các CTCK lớn, có điều kiện kiểm soát rủi ro tốt hơn, mức tổn thất theo đó cũng giảm. Hơn nữa, đây cũng là quá trình thanh lọc, giúp thị trường giảm bớt sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Trước những trường hợp các công ty rơi vào tình trạng tài chính yếu kém, không có khả năng củng cố lại hoạt động, theo ông Sơn, SSC sẽ khuyến khích hoạt động sát nhập và hợp nhất. Trên thực tế đang có khoảng 15 NHTM trong nước và gần 20 tổ chức tài chính nước ngoài đang nắm giữ, sở hữu các CTCK trong nước.

Ông Sơn cũng cho hay SSC đã xây dựng phương án tái cấu trúc các CTCK, giảm số lượng, thu hẹp nghiệp vụ và ban hành Hệ thống quản lý an toàn tài chính và quản lý rủi ro mới.

SSC ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi không đáp ứng một trong các trường hợp sau:

a/ Tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120%

b/ Tổ chức kinh doanh chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời gian quy định.

Thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá 6 tháng.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt và vượt 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong vòng 3 tháng liên tục.

Sau khi hết thời hạn kiểm soát được biệt, tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt, có lỗ gộp vượt mức 50% trở lên so với vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động.

Các tin khác