Nhận định thị trường chứng khoán ngày 26-7

Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường ngày 26-7. Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo.

Giới thiệu nhận định của một số công ty chứng khoán về khả năng diễn biến thị trường ngày 26-7. Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - SSI:
Áp lực bán có thể tăng mạnh

“Số mã giảm giá ở phiên ngày 25-7 vẫn chiếm chủ đạo trên thị trường. Tuy vậy, MSN và VIC tăng giá vào cuối phiên giúp cho chỉ số đóng cửa không mất điểm. Khối lượng giao dịch ở mức hơn 14,93 triệu đơn vị, giảm 21% so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Một phiên giao dịch khá ảm đạm với tốc độ giao dịch chậm dẫn đến tính thanh khoản của thị trường thụt giảm.

Dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức thấp, dường như các nhà đầu tư lướt sóng đều không có nhiều cơ hội đầu tư có lãi và khá hạn chế giao dịch khiến cho thanh khoản thị trường càng thụt giảm. Chúng tôi cho rằng vẫn nên ưu tiên cho tỷ trọng tiền mặt cao vào thời điểm hiện tại, khả năng bên nắm giữ cổ phiếu có thể mất kiên nhẫn và áp lực bán có khả năng tăng lên mạnh trong một vài phiên giao dịch”.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt - BVSC:
Khó thu hút được dòng tiền mới

“Thị trường mở cửa tuần giao dịch với khá nhiều thông tin bất lợi liên quan đến tình hình lạm phát và sự bất ổn của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhà đầu tư không phản ứng quá tiêu cực trước những thông tin này, giá cổ phiếu tiếp nối xu hướng giảm nhẹ đi kèm thanh khoản thấp. Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm, thị trường sẽ khó thu hút được dòng tiền mới và khó phục hồi mạnh nếu giao dịch lình xình tiếp tục tái diễn.

Trên phương diện kinh tế vĩ mô, chỉ số CPI cả nước trong tháng 7 đã được chính thức công bố với mức tăng 1,17%. Con số này khá sát với dự báo của BVSC (quanh mức 1,2%) và thực chất không gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Như vậy, lạm phát YoY hiện đã lên mức 22,16% và so với tháng 12/2010 thì chỉ số CPI đã tăng tới 14,61%.

So với mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 17% của Chính phủ thì dư địa còn lại cho 5 tháng cuối năm là khá eo hẹp (chỉ còn khoảng 2,5%). Do vậy, trong kịch bản tích cực, nếu Chính phủ tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý giá cả một cách quyết liệt thì nhiều khả năng lạm phát sẽ đạt đỉnh trong tháng 8 và dần hạ nhiệt kể từ tháng 9. Như vậy, hi vọng về việc giảm lãi suất có thể sẽ chỉ thực sự diễn ra kể từ quý 4 năm nay”.

CTCP Chứng khoán ACB - ACBS:
Chưa thoát khỏi xu thế giảm điểm

“Thị trường không có một chuyển biến tích cực nào trước khi Thông tư 74 có hiệu lực vào ngày 1-8 tới và việc khối ngoại mua ròng gần 9 tỷ đồng. Nhà đầu tư không còn kỳ vọng nhiều hiệu quả tích cực từ Thông tư 74 do một số điều khoản trong quy chế giao dịch ký quỹ chưa sát với thực tế. Việc khối ngoại mua ròng chỉ hỗ trợ một số cổ phiếu nhất định. Lạm phát cao làm xói mòn lòng tin của nhà đầu tư.

Thêm vào đó, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp quý 2 mới công bố không thuận lợi và sự lên của giá vàng, giảm điểm của chứng khoán châu Á đã tác động tiêu cực đến thị trường.

ACBS cho rằng, thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu thế giảm điểm. Giai đoạn giao dịch ảm đạm của thị trường có thể còn tiếp diễn trong một số phiên tới”.

CTCP Chứng khoán BIDV - BSC:
Nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn

“Khối lượng giao dịch ngày càng thấp, chưa có cơ sở để kì vọng một sự thay đổi đáng kể. Áp lực bán không mạnh nhưng bên mua không có lý do phải cạnh tranh giá cao. Thị trường có cơ hội khi HNX-Index quanh mức 70 điểm, tuy nhiên chúng tôi cho rằng không đủ tin cậy để tham gia. Khi các cơ sở vẫn chưa có được độ an toàn cần thiết, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn nên kiên nhẫn chờ đợi, kể cả nếu có những phản ứng nhất thời”.

CTCP Chứng khoán VNDirect:
Kỳ vọng “hút” được dòng tiền mới

“Đồ thị hai sàn tiếp tục bám sát dải Bollinger band dưới, đi kèm với thanh khoản cạn kiệt. Nhiều cổ phiếu trụ cột của HNX vẫn giữ mặt bằng giá đi ngang kể từ đầu tháng 7 nhưng một khi mặt bằng này bị phá vỡ thì khả năng cao thị trường sẽ rơi vào đợt giảm mạnh, chỉ số cả hai sàn sẽ rơi về gần mức đáy cũ.

Chúng tôi kỳ vọng thị trường giảm mạnh một vài phiên sẽ thu hút thêm dòng tiền mới vào thị trường, thanh khoản sẽ được cải thiện hơn và sẽ xem xét sức mạnh dòng tiền lúc đó để nhận diện cơ hội kiếm lợi nhuận ngắn hạn tại nhịp nảy lại này. Cho đến lúc đó, nhà đầu tư vẫn nên giữ tâm lý thận trọng và hạn chế giải ngân.

Nhà đầu tư nên chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường mới có quyết định giải ngân. Nếu thị trường tiếp tục biến động nhẹ với tình trạng thanh khoản thấp, nên ưu tiên giữ tỷ lệ tiền mặt cao”.

CTCP Chứng khoán Woori CBV:
Duy trì xu hướng giảm ngắn hạn

“Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giao dịch yếu trên hai sàn nên cũng góp phần ảnh hưởng đến mức độ thanh khoản cchung của thị trường. Xu hướng giảm điểm vẫn chiếm ưu thế khiến bên mua trở nên vô cùng thận trọng với tình hình hiện nay.

Sự suy giảm lực cầu là điều hoàn toàn dễ hiểu khi cùng lúc đó thị trường đón nhận thông tin không tích cực về CPI tháng 7 tăng tốc trở lại. Những tín hiệu tích cực chưa thể sớm xuất hiện và hiện tại thị trường vẫn duy trì xu hướng giảm trong ngắn hạn”.

CTCP Chứng khoán FPT - FPTS:
Thanh khoản tiếp tục ở mức thấp

“Như đã nhận định từ phiên giao dịch trước, tâm lý chán nản của phần lớn các nhà đầu tư vẫn đang đè nặng lên diễn biến thị trường. Thêm vào đó, những thông tin từ phiên họp thường kỳ tháng 7 của chính phủ đã không mang đến tín hiệu tích cực cho xu hướng của các chỉ số.

Chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được tiếp tục duy trì nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, việc thu hút dòng vào thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến lình xình giảm điểm trong những phiên giao dịch tiếp theo.

Dự báo, phiên giao dịch ngày 26-7, các chỉ số sẽ tiếp tục duy trì đà suy giảm với thanh khoản vẫn ở mức thấp”.

Các tin khác