Giá nguyên liệu đầu vào tăng, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu VNM

(ĐTTCO) - Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh là nguyên nhân khiến cho CTCP Sữa Việt Nam (VNM) có thể ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Đây cũng chính là yếu tố kéo giá VNM xuống mức thấp kỷ lục nhưng lại không có động lực tăng giá.

 Giá CP về mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, nhưng dư địa tăng của VNM gần như không còn, do triển vọng đầu tư kém hấp dẫn trong năm tài chính 2021. Ảnh: VNM
Giá CP về mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, nhưng dư địa tăng của VNM gần như không còn, do triển vọng đầu tư kém hấp dẫn trong năm tài chính 2021. Ảnh: VNM

Báo cáo tài chính quý I-2021 vừa được VNM công bố tiếp tục là gam màu tối, với doanh thu giảm đến 6,8% (đạt 13.190 tỷ đồng). Nguyên nhân do doanh thu thị trường nội địa giảm 9,4% (chỉ đạt 9.884 tỷ đồng).

Doanh thu nội địa giảm sút xuất phát từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời điểm sau Tết Nguyên đán, dẫn đến sự suy yếu của chi tiêu bán lẻ và nhu cầu sữa của Việt Nam. Theo Nielsen, giá trị sữa Việt Nam giảm 7% và giá trị bán lẻ ngành hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam giảm 4% trong quý I.

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), làn sóng thứ 3 của Covid-19 có tác động nghiêm trọng hơn lên thị trường nội địa trong quý I, do chính sách giãn cách xã hội sớm vào tháng 2-2021, so với việc áp đặt giãn cách muộn hơn vào quý I-2020 (bắt đầu từ cuối tháng 3-2020), và sự phản ánh rõ ràng hơn của suy yếu sức mua, đến từ tác động tiêu cực bị dồn nén qua 2 đợt Covid-19 xảy ra vào năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế trong quý I của VNM giảm 6,5%, đạt 2.597 tỷ đồng, do giá nguyên vật liệu tăng. Theo Global Dairy Trade, giá sữa bột nguyên kem (giá WMP) và giá sữa bột tách béo (giá SMP) lần lượt tăng 22,4% và 16,2% trong quý đầu năm 2021.

Theo dự báo của VDSC, trong cả năm 2021, giá WMP trung bình có thể tăng 34%, và thiết lập một mặt bằng giá cao hơn đáng kể so với năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sữa phục hồi mạnh mẽ hơn trên toàn thế giới, nhờ vào sự hồi phục kinh tế và nhập khẩu sữa nguyên liệu của Trung Quốc gia tăng mạnh, xuất phát từ quá trình cơ cấu lại chuỗi cung ứng nội địa.

Hơn nữa, giá sữa WMP có thể được thúc đẩy bởi sự gián đoạn nguồn cung WMP tiềm tàng từ Úc, do quan hệ thương mại căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc. Tuy nhiên, VDSC chưa đánh giá cao tác động của kịch bản này, vì khối lượng xuất khẩu WMP của Úc sang Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ.

Do giá nguyên vật liệu gia tăng sẽ thúc đẩy giá bán cao hơn, nên tỷ suất lợi nhuận gộp của VNM dự báo ở mức 43,8% trong năm 2021, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, và mức thấp nhất trong vòng 6 năm gần đây.

Tác động tiêu cực cộng hưởng từ sự suy giảm nhu cầu sữa trong nước và xu hướng gia tăng giá nguyên liệu, khiến cho giá VNM giảm 20% so với đầu năm. Dù giá CP về mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, nhưng dư địa tăng của VNM gần như không còn, do triển vọng đầu tư kém hấp dẫn trong năm tài chính 2021.

Theo dự báo của VDSC, doanh thu cả năm của VNM ước đạt 59.694 tỷ đồng (giảm 0,1%) và lợi nhuận sau thuế đạt 11.487 tỷ đồng (tăng 2,2%). Dù tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ, nhưng con số này cho thấy sự giảm tốc tăng trưởng đáng kể so với giai đoạn 2019-2020.

Ở mức giá khoảng 90.000 đồng/CP, hệ số P/E của VNM đang dao động khoảng 19 lần, thấp hơn 13% so với hệ số P/E trung bình trong 5 năm, và thấp hơn 31% so với hệ số P/E của các công ty cùng ngành ở châu Á.

"Mặc dù chiết khấu thị giá đã đạt mức cao giúp VNM có vẻ hấp dẫn hơn, nhưng chúng tôi vẫn giữ thận trọng về triển vọng tăng trưởng giá CP trong năm 2021" - theo VDSC.

Các tin khác