Lỗ hổng ủy thác đầu tư

Báo cáo tài chính quý II-2011 của các công ty chứng khoán (CTCK) được công bố, những hệ lụy do “hoạt động tín dụng ngầm” thông qua các hợp đồng ủy thác đầu tư của các CTCK  đối với các NĐT đang dần hé lộ.

Báo cáo tài chính quý II-2011 của các công ty chứng khoán (CTCK) được công bố, những hệ lụy do “hoạt động tín dụng ngầm” thông qua các hợp đồng ủy thác đầu tư của các CTCK  đối với các NĐT đang dần hé lộ.

Đủ kiểu né, lách

Trong năm 2010, vì cạnh tranh thị phần môi giới, các CTCK sử dụng phương thức hỗ trợ vốn cho NĐT như là lợi thế cạnh tranh. Công ty nào cho NĐT vay vốn càng nhiều, khả năng chiếm lĩnh thị phần càng cao. Luật Tín dụng hiện hành không cho phép các CTCK cho NĐT vay vốn, nhưng điều này đang diễn ra do các khoản cho vay này được hợp thức hóa bằng hợp đồng hợp tác đầu tư.

Trên bảng cân đối kế toán của CTCK, các khoản phải thu vì thế lớn một cách bất thường. Khi thị trường suy giảm từ đầu năm đến nay, các CTCK đã buộc phải thực hiện bán giải chấp và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ của nhiều CTCK trong quý II-2011.

Nếu thị trường còn diễn biến theo chiều hướng xấu, khả năng nợ xấu tăng lên và việc trích lập dự phòng cho các khoản phải thu của khách hàng có thể sẽ khiến các CTCK rơi vào cảnh thua lỗ trong 6 tháng cuối năm.

NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH
NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LÃ ANH

Hoạt động tín dụng là một nghiệp vụ đầy rủi ro nếu như không có cơ chế quản lý tốt. CTCK không phải là tổ chức tín dụng nên khả năng quản lý rủi ro trong hoạt động cho vay chắc chắn sẽ rất yếu và sự gia tăng nợ xấu hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, những hệ lụy chưa dừng lại ở đây. Thực chất, người đứng đằng sau hoạt động tín dụng này vẫn là các ngân hàng thương mại (NHTM), vì bản thân các CTCK khó có đủ nguồn vốn. Một lần nữa, cũng bằng con đường ủy thác đầu tư, các NHTM đã lách các quy định về dư nợ cho vay chứng khoán.

Các NHTM tất nhiên sẽ không ủy thác vốn qua công ty con trực thuộc (CTCK, công ty đầu tư tài chính, hay công ty cho thuê tài chính) vì các khoản cho vay vẫn được thể hiện trên báo cáo tài chính hợp nhất. Thay vào đó, các NHTM sẽ ủy thác vốn đầu tư cho một công ty liên kết mà cổ đông lớn của ngân hàng đồng thời là cổ đông của công ty này. Công ty liên kết này sẽ cho các CTCK vay tiền.

Do đó, các khoản tín dụng sẽ không được thể hiện trên bảng cân đối kế toán của các NHTM, vì khoản ủy thác vốn cho công ty liên kết sẽ nằm trong mục “tài sản có khác”, hoặc “các khoản phải thu khác”.

Nhìn từ Trung Quốc

Hiện nay, những hệ lụy của dòng vốn tín dụng ngầm đối với nền kinh tế còn chưa bộc phát rõ ràng, nhưng các nhà làm luật Việt Nam cần có sự “nhìn xa, trông rộng” để tránh gây ra sự đổ vỡ cho nền kinh tế. Trung Quốc là một bài học nhãn tiền về vấn đề này.

Cũng giống như Việt Nam, dòng vốn tín dụng ngầm vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc thông qua sản phẩm “hợp tác ngân hàng - ủy thác” (Bank-Trust cooperation products). Đây là một khoản mục ngoại bảng và không hiển thị trên bảng cân đối kế toán của các NHTM. Dòng tín dụng này theo đó chảy vào kênh chứng khoán và bất động sản.

Theo báo cáo của công ty kiểm toán KPMG thực hiện vào tháng 7-2011, sản phẩm này đang phát triển mạnh ở Trung Quốc và đây là cách các NHTM Trung Quốc sử dụng để lách chủ trương hạn chế tăng trưởng tín dụng. Không những thế, KPMG còn cảnh báo các tài sản trong sản phẩm này là các bất động sản có rủi ro cao, do đó nguy cơ trở thành nợ xấu rất cao.

Người đi vay nhiều nhất ở Trung Quốc chính là các chính quyền địa phương nhằm đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế như Moody's đang lên tiếng cảnh báo về khả năng vỡ nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc gần đây đã yêu cầu các NHTM phải đưa khoản mục này lên bảng cân đối vào cuối năm 2011.

Lỗ hổng ủy thác đầu tư ảnh 2Bằng con đường ủy thác đầu tư, nguồn tín dụng này không được tính vào trong dư nợ tín dụng phi sản xuất và tất nhiên cả nguồn vốn tín dụng nói chung. Do đó, chủ trương hạ tỷ lệ dư nợ phi sản xuất xuống còn 16% vào cuối năm 2011 chưa chắc mang lại hiệu quả như mong đợi nếu như trong thời gian tới các NHTM sử dụng phương cách này để lách luật. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy vì số liệu tăng trưởng tín dụng NHNN công bố sẽ không sát với thực tế và việc điều hành chính sách tiền tệ để chống lạm phát sẽ có những sai sót. Không những vậy, khi hoạt động tín dụng không được đặt dưới sự kiểm soát của NHNN, khả năng xảy ra nợ xấu sẽ rất cao.
Lỗ hổng ủy thác đầu tư ảnh 3

Th.S LÊ ĐẠT CHÍ,
Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Do vậy với TTCK Việt Nam, các nhà quản lý cần hướng tới việc xem xét loại bỏ hoạt động ủy thác đầu tư ra khỏi hoạt động của các CTCK, hoặc buộc phải yêu cầu công bố thông tin liên quan đến hoạt động này. Nghiệp vụ ủy thác đầu tư tại Việt Nam đang diễn ra sai lệch so với bản chất của hoạt động ủy thác đầu tư trên thế giới.

Tại các TTCK phát triển như Hoa Kỳ, các công ty môi giới chứng khoán cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư cho khách hàng thông qua hình thức UIT (Unit Investment Trust). Theo đó, UIT phải được thành lập dưới dạng một công ty đầu tư và phát hành cổ phần, có thể mua lại cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ ủy thác đầu tư. UIT chịu sự quản lý theo theo Luật Công ty đầu tư 1940 (Invesment Company Act 1940), Luật Chứng khoán 1933 (Securities Act of 1933). Các UIT phải lập các báo cáo danh mục tài chính, nguyên tắc thành lập trước khi đầu tư, danh mục đầu tư, phí quản lý, kết quả danh mục hàng quý và hàng năm cho những người mua cổ phần UIT.

Rõ ràng, hoạt động ủy thác đầu tư trên thế giới được tổ chức một cách có kỷ luật và chịu sự giám sát của ủy ban chứng khoán. Do vậy về lâu dài, cần phải hướng tới xây dựng văn bản luật điều chỉnh hoạt động này, bởi hiện nay Luật Tín dụng 1997 và 2010 chỉ có vài dòng nói về hoạt động này.

Thời gian qua, cơ quan quản lý chưa thắt chặt việc phát hành tăng vốn của các công ty niêm yết và những nguyên tắc hậu kiểm cho hoạt động này. Điều này dẫn đến tình trạng các công ty niêm yết có được nguồn thặng dư vốn lớn và đầu tư chéo lẫn nhau trên TTCK. Dòng vốn phát hành thêm do đó không được đưa vào sản xuất kinh doanh mà chạy lòng vòng trên TTCK.

Để định hướng cho dòng tiền vào TTCK, tháng 7-2011, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CRSC) đã quy định các công ty niêm yết phát hành cổ phần tăng vốn chỉ được sử dụng 10% nguồn tiền tăng thêm bổ sung dòng tiền (bổ sung vốn lưu động, trả vốn vay ngân hàng) cho công ty thay vì 30% như trước đây.

Quy định này nhằm yêu cầu các công ty sử dụng dòng vốn tăng thêm để tài trợ cho các dự án sản xuất thực. Nếu quy mô dự án không đủ lớn hoặc chỉ sử dụng dòng tiền tăng thêm để làm gia tăng lượng tiền mặt sẽ không được cấp phép phát hành.

Các tin khác