Lỗ hổng công ty liên doanh, liên kết

Lâu nay, trên báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN), NĐT chỉ chú ý đến những khoản đầu tư CK ngắn hạn, dài hạn, bỏ quên những khoản đầu tư vào công ty liên doanh (LD), liên kết (LK). Trên thực tế, những khoản đầu tư này có khi còn mập mờ hơn cả đầu tư CK.

Lâu nay, trên báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN), NĐT chỉ chú ý đến những khoản đầu tư CK ngắn hạn, dài hạn, bỏ quên những khoản đầu tư vào công ty liên doanh (LD), liên kết (LK). Trên thực tế, những khoản đầu tư này có khi còn mập mờ hơn cả đầu tư CK.

NĐT mù tịt

Trong phần thuyết minh BCTC hợp nhất quý IV của CTCP Gemadept (GMD) có liệt kê danh sách các công ty LK quan trọng được và chưa được phản ánh trong BCTC hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Một NĐT thông thường nhìn vào chắc chắn sẽ thắc mắc: “phương pháp vốn chủ sở hữu” là gì? Nếu DN lập ra công ty con, khi hạch toán hợp nhất kết quả kinh doanh sẽ theo phương pháp cộng ngang, tức doanh thu của công ty con sẽ cộng với doanh thu công ty mẹ, chi phí công ty con cộng với chi phí công ty mẹ. Trong trường hợp DN hợp nhất kết quả kinh doanh với công ty LK (tỷ lệ sở hữu thường ở mức 20-49%) sẽ hạch toán theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Thí dụ: DN A có vốn chủ sở hữu 100 tỷ đồng, sở hữu 40% tại công ty LK B nào đó. Năm nay B làm ăn có lãi 50 tỷ đồng, A sẽ được hưởng phần lãi tương đương theo tỷ lệ sở hữu 40% x 50 tỷ đồng = 20 tỷ đồng.

Khác với phương pháp cộng ngang, trong hợp nhất với công ty con, A chỉ được hạch toán 20 tỷ đồng này vào lợi nhuận của mình, nhưng không được lấy doanh thu của B cộng với doanh thu của mình. Từ đây, công ty sẽ có những khoản lợi nhuận từ các công ty LK nhưng không được hạch toán tăng doanh thu như phương pháp cộng ngang. Lợi nhuận tăng nhưng doanh thu không tăng nên tỷ suất lợi nhuận/doanh thu sẽ tăng lên đáng kể.

Trở lại với thuyết minh BCTC của GMD gồm 4 công ty LK chưa được phản ánh trong BCTC hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu, gồm: Công ty TNHH Thương mại Quả cầu vàng (GMD góp 45%), CTCP Vận tải và DV điện lực (GMD góp 38%), CTCP Du lịch Minh Đạm (GMD thực góp 10,94%), CTCP Dịch vụ hàng hóa SG (GMD góp 23%). Tổng số tiền GMD bỏ ra cho 4 công ty này hơn 170 tỷ đồng, tương đương 50% khoản mục tiền vào thời điểm cuối quý IV-2010 của GMD. Giả sử 4 công ty này có suất sinh lời khoảng 20% vốn điều lệ, việc chưa được phản ánh trong BCTC hợp nhất sẽ khiến lợi nhuận của GMD mất đi một khoản tương đương 34 tỷ đồng, gần bằng 50% lợi nhuận quý IV-2010 của GMD. Vậy vì sao GMD lại chưa hợp nhất kết quả kinh doanh của các DN này?

Theo một chuyên gia kế toán - kiểm toán, có khá nhiều lý do, chẳng hạn các công ty này đang trong quá trình xây dựng, chưa đi vào hoạt động; nhưng cũng có lý do khác, bắt nguồn từ sự thận trọng của DN. Nếu các công ty LK làm ăn có lãi và DN hợp nhất vào kết quả kinh doanh, khi công ty LK lỗ DN cũng phải hợp nhất và lúc này kết quả kinh doanh có thể bị ảnh hưởng. Như vậy chọn cách không hạch toán, giữ nguyên giá trị có vẻ như một giải pháp hay vì lãi chẳng ai hay nhưng lỗ cũng chẳng ai biết.

 Kiểm toán có phát hiện?

Minh họa: QUỐC HOÀNG

Minh họa: QUỐC HOÀNG

Nếu một DN nào đó “bùa chú” kết quả kinh doanh của công ty LK, LD và từ đó tác động đến BCTC hợp nhất, kiểm toán sẽ ứng xử như thế nào? Cách đơn vị kiểm toán ứng xử với các công ty LK, LD phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên chính là sự minh bạch từ phía DN thuê công ty kiểm toán, nếu DN minh bạch và chịu chi, tất nhiên các công ty LK, LD sẽ được kiểm toán đầy đủ. Nếu không thỏa mãn yếu tố trên, năng lực, sự công tâm của công ty kiểm toán và DN sẽ quyết định. Nếu công ty kiểm toán không kiểm các công ty LK, LD, tất nhiên sẽ không chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của các công ty này mà chỉ ghi nhận kết quả kinh doanh và chấp nhận như vậy. Trường hợp công ty LK, LD gian lận, kiểm toán cũng không bị quy kết. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ một cổ đông bình thường, với nguồn thông tin cũng như kiến thức còn hạn chế của mình, gần như không thể xác định được các công ty LK, LD của DN có được kiểm toán hay không. Chính vì vậy, nhìn sơ qua BCTC của DN có thể cổ đông sẽ ngộ nhận kiểm toán đã kiểm toàn bộ hệ thống công ty.

Nếu có sự cố gian lận xảy ra, dù vô can nhưng công ty kiểm toán chắc chắn bị ảnh hưởng ít nhiều về mặt danh tiếng. Rõ ràng, sự lấp lửng này gây hại không chỉ cho cổ đông mà còn cho chính đơn vị kiểm toán. Trong trường hợp DN không yêu cầu kiểm toán công ty LK, LD, nhưng kiểm toán viên nhận định kết quả kinh doanh từ các công ty này có tính trọng yếu, tác động đến BCTC hợp nhất, sẽ yêu cầu DN buộc phải kiểm toán. Nhưng thử đặt câu hỏi, có bao nhiêu công ty kiểm toán “rắn mặt” với DN như vậy, hay để giữ “mối” sẽ du di qua chuyện. Để phát hiện ra hiệu quả các khoản đầu tư của DN thì các khoản đầu tư chứng khoán dễ phát hiện hơn công ty LK, LD rất nhiều. Thông thường NĐT thường nhìn các công ty LK, LD của DN và nghĩ rằng đây là khoản đầu tư lâu dài, nhằm phục vụ cho sự phát triển chung của hệ thống, nhưng thực chất có như vậy hay không lại là chuyện khác.

 Những thủ thuật

Trường hợp SACOM (SAM) có công ty LK là CTCP bất động sản Hiệp Phú là một thí dụ. Đầu năm 2010, phần vốn đầu tư của SAM (tỷ lệ 40%) có giá trị 112,98 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm đã tăng lên 123,38 tỷ đồng. Lấy giá trị cuối năm trừ cho đầu năm sẽ được phần chênh lệch hơn 10 tỷ đồng và NĐT có thể hiểu đây là khoản lợi nhuận của SAM. Nhưng có lẽ không mấy cổ đông hứng thú với khoản lợi nhuận này khi nhìn vào tình hình có phần bi đát của thị trường bất động sản hiện nay. Nếu đến cuối năm, khoản đầu tư của SAM giảm trở lại cũng không mấy ai ngạc nhiên. Cũng phải nói rằng hiện tại nhiều NĐT cũng không biết ngành nghề kinh doanh chính của SAM là gì? Sản xuất dây cáp? Đầu tư bất động sản hay chứng khoán?

Hiện tại, một số DN còn có “bài” đưa những khoản đầu tư trái ngành nghề của mình vào trong khoản mục đầu tư công ty LK, LD. Lấy thí dụ trường hợp của Sudico (SJS) đầu tư 3 triệu CP của CTCK Sao Việt (SVS) rồi hạch toán vào nhóm công ty LK, LD khiến NĐT cảm thấy “chói mắt”, bên cạnh đó là khoản đầu tư 2 triệu CP của CTCP Quản lý quỹ đầu tư tài chính Dầu khí cũng nằm cùng khoản mục với SVS. Nhìn vào 2 khoản mục này, NĐT có thể lập luận SJS đã cùng với các đối tác đồng quản lý SVS và CTCP Quản lý quỹ đầu tư tài chính Dầu khí. Nhưng SVS mới đây bị HNX đưa vào diện cảnh báo do làm ăn thua lỗ, còn hiệu quả của công ty còn lại cũng không biết như thế nào.

Có thể nói việc hạch toán các công ty LK, LD một cách khéo léo sẽ giúp ích rất nhiều cho DN trong việc phù phép BCTC. Có lẽ sau việc theo dõi các khoản đầu tư tài chính được trích lập dự phòng có đầy đủ hay không, NĐT nên bắt đầu nghiên cứu thêm cách thức hạch toán và những thủ thuật đối với công ty LK, LD.

Các tin khác