Không ai chịu trách nhiệm về sự cố HoSE, thiệt hại đổ lên nhà đầu tư

(ĐTTCO) - Sự cố hệ thống giao dịch của sàn HoSE đã diễn ra từ tháng 12-2020, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Không ai chịu trách nhiệm về sự cố HoSE, thiệt hại đổ lên nhà đầu tư

Xử lý chậm chạp

Sự cố nghẽn mạng xảy ra từ cuối năm ngoái nhưng đến tháng 3, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý sự cố hệ thống giao dịch, do Lãnh đạo Bộ Tài chính làm Trưởng ban, Lãnh đạo UBCKNN làm Phó ban, cùng với các thành viên từ một số đơn vị thuộc Bộ, HoSE, HNX và Trung tâm Lưu ký CK (VSD) để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giải pháp xử lý tình trạng nghẽn lệnh.

Theo Bộ Tài chính, các giải pháp đều sẽ được cân nhắc kỹ, với sự tham gia ý kiến của các tổ chức, đơn vị liên quan, các chuyên gia đầu ngành trước khi thực hiện, để tránh gây ra hiểu nhầm hoặc ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cụ thể, cơ quan quản lý đã cho phép CTCP Tập đoàn FPT (FPT) thực hiện khảo sát hệ thống giao dịch của HoSE từ ngày 15-3 đến ngày 19-3, trên cơ sở đề xuất của FPT để xây dựng phương án kỹ thuật chi tiết xử lý sự cố, đồng thời cho phép FPT có thể mở rộng khảo sát hệ thống tại HNX và VSD.

Theo đại diện FPT, sau khảo sát, phân tích và đánh giá, thời gian dự kiến để triển khai hệ thống là khoảng 3-4 tháng. Giải pháp mà FPT đưa ra là giảm thiểu việc tác động, thay đổi đối với hệ thống của các CTCK. Mục tiêu đặt ra là hệ thống sẽ xử lý được khoảng từ 3-5 triệu lệnh một ngày.

“Trăm dâu” đổ đầu… nhà đầu tư

Trong khi chờ đợi FPT “vá” lỗi hệ thống giao dịch, HoSE đã chủ động đưa ra một số giải pháp cải tiến về mặt kỹ thuật, giúp hệ thống giao dịch cải thiện về năng lực xử lý lệnh, qua đó phần nào giảm tải và hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.

Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ giải quyết được phần ngọn, và nhanh chóng bị “phá sản” khi dòng tiền bất ngờ được đẩy mạnh vào thị trường giữa những ngày bùng phát dịch Coivd-19 tại TPHCM cuối tháng 5.
Để khắc phục tình trạng, HoSE và các CTCK đã sử dụng giải pháp "gây sốc", là ngắt chức năng hủy/sửa lệnh. Thế nhưng, giải pháp này cũng không giải quyết được sự cố nghẽn mạng, thậm chí, tình trạng còn nghiêm trọng hơn. Đơn cử là phiên giao dịch ngày 1-6, HoSE đã phải “rút phích” để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Từ chỗ chỉ bị nghẽn mạng trong các phiên chiều, thì liên tục trong những phiên giao dịch gần đây, HoSE gần như "đứng hình” cả ngày, khi không thể hiển thị trạng thái của VN Index. Các lệnh giao dịch trên bảng điện dù được cập nhật nhưng luôn có độ trễ khiến cho lệnh đặt của NĐT thường không khớp.

Không ai chịu trách nhiệm về sự cố HoSE, thiệt hại đổ lên nhà đầu tư ảnh 1 Từ chỗ chỉ bị nghẽn mạng trong các phiên chiều, thì liên tục trong những phiên giao dịch gần đây, HoSE gần như "đứng hình” cả ngày. Ảnh minh họa: TT
Tình trạng bảng điện không phản ánh đúng giá thực tế, cộng với việc các CTCK đồng loạt ngắt chức năng hủy/sửa lệnh để “giải cứu” hệ thống HoSE, khiến NĐT không chỉ gặp khó khăn khi giao dịch mà còn thiệt hại rất nặng.

Chị L., một NĐT tại TPHCM, đặt bán 50.000 CP ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 8-6, với giá 39.000 đồng/CP khi giá khớp trên sàn là 39.100 đồng/CP. Tuy nhiên, lệnh đặt bán vào rất chậm, đến khi CTCK xác nhận lệnh đã được gởi đến HoSE, thì giá CP nhà băng chị đặt bán đã giảm về gần mức giá sàn.

Theo chị L., do không thể hủy/sửa lệnh nên lệnh đặt bán cứ treo ở mức giá cao, trong khi giá CP thì lao dốc mạnh. “Tôi đã bị lỗ hơn 100 triệu đồng vì sự cố của HoSE và cả sự chậm chạp các CTCK đang giao dịch. Nếu tình trạng này không được giải quyết sớm thì tôi sẽ rút hết vốn khỏi thị trường”, chị L., bức xúc nói.

Thực tế, ngoài sự cố quá tải của HoSE, hệ thống giao dịch của nhiều CTCK cũng thường xuyên rơi vào tình trạng tê liệt trong những phiên gần đây. Thậm chí, nhiều CTCK lớn với lời quảng cáo “có cánh” về công nghệ cũng rơi vào tình trạng không thể đăng nhập, hoặc không thể giao dịch, như: SSI, VND, VPS, TCB, FPTS.

NĐT kêu cứu

Giải thích về sự cố trong những phiên giao dịch vừa qua, ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE, cho biết lượng lệnh và thanh khoản của thị trường đã tăng rất mạnh. Chỉ trong tháng 5, tính bình quân phiên, giá trị giao dịch trên HoSE đã đạt khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên. Trong khi từ tháng 1 đến tháng 4, con số này là 16.600 tỷ đồng/phiên, còn tháng 12-2020, giá trị giao dịch bình quân phiên là 12.700 tỷ đồng/phiên.

Từ chỗ chỉ bị nghẽn mạng trong các phiên chiều, thì liên tục trong những phiên giao dịch gần đây, HoSE gần như "đứng hình” cả ngày, khi không thể hiển thị trạng thái của VN Index. 

Cũng theo ông Trà, nếu không có rủi ro quá lớn xảy ra, thì FPT có thể bàn giao hệ thống cho HoSE vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Sau đó, HoSE sẽ có báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đưa hệ thống này vào vận hành.

Khẳng định không quá chắc chắn của ông Trà khiến cho NĐT càng có lý do để lo lắng. Ngay phương án sửa chữa mà FPT đang thực hiện, cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng của đơn vị này. Nguyên nhân là do hệ thống giao dịch của FPTS cũng là một trong những CTCK thường xuyên bị sự cố.

Những sự cố liên tục trong thời gian gần đây khiến cho NĐT bị thua lỗ và phản ứng khá tiêu cực trên các diễn đàn CK. Rất nhiều ý kiến kêu gọi lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN và HoSE từ chức. Thậm chí, nhiều NĐT còn hô hào nhau làm đơn gởi lên cơ quan quản lý điều tra hành vi thao túng trên thị trường, vì nghi ngờ có sự “bắt tay” giữa các đội lái và cơ quan quản lý để tạo nên sự cố.  

Điều đáng nói là cơn “phẫn nộ” của NĐT không chỉ diễn ra trong những ngày vừa qua mà xuất hiện từ cuối năm 2020. Thế nhưng, cho đến hiện tại, vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm hoặc đứng ra xin lỗi về sự cố.

Theo ghi nhận ĐTTC, VN Index tiếp tục bị treo trong phiên sáng nay. Chỉ số này đang tăng 4,77 điểm, lên 1.324,65 điểm. Trong khi đó, VN30 Index đang giảm hơn 4 điểm với 19/30 mã giảm.

Các tin khác