Khi nào thanh khoản tạo đáy?

Cả 3 phiên giao dịch đầu tuần, VN Index đều tăng điểm, thêm 10,44 điểm, lên mức 483,15 điểm. HNX Index sau phiên tăng đầu tuần đã có 2 phiên giảm, chỉ nhích thêm được 0,02 điểm, lên mức 82,71 điểm.

Cả 3 phiên giao dịch đầu tuần, VN Index đều tăng điểm, thêm 10,44 điểm, lên mức 483,15 điểm. HNX Index sau phiên tăng đầu tuần đã có 2 phiên giảm, chỉ nhích thêm được 0,02 điểm, lên mức 82,71 điểm.

Phiên đầu tuần, VN Index tăng 4,76 điểm nhưng NĐT không khỏi thất vọng khi KLGD chỉ đạt gần 19 triệu đơn vị. Phiên ngày 10-5, cũng chẳng khá hơn khi VN Index tiếp tục tăng 3,82 điểm nhưng KLGD chỉ còn gần 18 triệu đơn vị. Phiên hôm qua, mặc dù KLGD đã vượt mốc 20 triệu đơn vị/phiên trở lại, nhưng vẫn không loại trừ thanh khoản có thể tiếp tục tạo các mức thấp kỷ lục khác. Việc KLGD tại HOSE lần lượt rớt khỏi các ngưỡng 30 triệu đơn vị/phiên, rồi 20 triệu đơn vị/phiên khiến NĐT không khỏi lo ngại, vấn đề đáy của thanh khoản giờ đây được quan tâm nhiều hơn đáy của chứng khoán. VN Index điều chỉnh giảm trong 2 phiên ngày 5 và 6-5 trong khi thanh khoản không thể cải thiện có thể xem là dấu hiệu báo trước cho sự nghèo nàn của thanh khoản trong tuần này. Chỉ số này đã được đẩy vượt ngưỡng 480 điểm quá đà thông qua một số blue chip đã gây ra tác dụng ngược. Khi NĐT chưa nhận thấy dòng tiền tăng lên, nhất là nhóm CP tầm trung có nền tảng kinh doanh tốt, niềm tin vẫn chưa trở lại.

Khi bên đánh lên xả hàng nhưng bên bán vẫn chưa ra tay, việc phải đánh lên trở lại đã được lựa chọn. Phiên cuối tuần trước, NĐTNN gia tăng giá trị mua tại HOSE lên gần 360 tỷ đồng, gấp 4 lần phiên trước đó, nhưng lượng bán cũng tăng lên 350 tỷ đồng. Đây có thể hiểu là động thái bán ra của khối ngoại nhưng thành phần NĐT còn lại vẫn dửng dưng, nên cuối cùng khối này đành phải mua trở lại. Thêm một vấn đề nữa nảy sinh là liệu khối này có thể đẩy giá CP tăng mãi hay không, chi phí mua qua bán lại trong một lần có thể nhỏ nhưng nhiều lần lại là vấn đề khác. Cũng cần nói thêm, các ETF đã mua vào những blue chip trên TTCK Việt Nam với giá không rẻ, nếu tiến hành xả hàng lúc này, nhiều khả năng sẽ lỗ, nên vẫn phải tiếp tục nắm giữ và đánh lên để nâng giá, nhưng giá cao lại không thể bán ra được. Bên đánh lên thị trường đã rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, thị trường lên hay xuống đều mệt mỏi, bán ra hay mua vào đều gặp thách thức.

GÓC CHUYÊN GIA

Thanh khoản tại HNX thấp kỷ lục từ khi chuyển sang giao dịch trực tuyến. Điều này không có gì bất thường khi so sánh với thanh khoản tại HOSE, có thể thanh khoản được trả về giá trị thực do xu hướng kém tích cực khiến hoạt động vừa mua vừa bán không thể sôi động. Trong một số phiên gần đây, số mã tăng tại HOSE thường cải thiện về cuối phiên, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy nhiều mã tăng nhưng dư mua kém tích cực. Kết quả tăng đó có thể xuất phát từ thanh khoản quá kém chứ không từ sự tích cực của thị trường. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm nên chờ đợi cơ hội rõ ràng hơn khi chưa có lý do phải vội vàng. Khi tình hình vĩ mô vẫn chưa có tín hiệu đáng kể nào, xu hướng giảm vẫn là chính, việc bắt đáy chỉ nên áp dụng nếu thị trường giảm mạnh tới vùng giá an toàn cho việc kỳ vọng một đợt hồi phục. Chúng tôi chưa nhận thấy một cơ hội đáng kể trong ngắn hạn với các diễn biến chậm rãi trong thời gian qua. NĐT nên kiên nhẫn với biến động ngắn hạn để lựa chọn vị thế tốt nhất khi tham gia thị trường. Với lợi nhuận kỳ vọng không lớn so với rủi ro, chúng tôi cho rằng nên chờ đợi một cơ hội rõ ràng hơn.

Bộ phận phân tích CTCK BIDV-BSC

Thực tế, thị trường vẫn có một số blue chip khi tăng giá có thể kích thích được dòng tiền của NĐT cá nhân, có thể kể ra đây như SSI, STB hay REE. Nhưng tại sao NĐTNN lại không chọn những CP này để lặp lại những kịch bản như BVH hay MSN? Nguyên nhân đầu tiên nằm ở việc thanh khoản của những CP trên mặc dù không cao nhưng vẫn vượt trội so với BVH, MSN. Chẳng hạn, phiên giao dịch hôm qua, STB khớp gần 1,2 triệu CP, gấp hơn 25 lần so với khối lượng khớp của MSN chỉ đạt 46.000 CP. Như vậy, lượng tiền để có thể đẩy SSI, STB hay REE tăng giá sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Nhưng vẫn còn một vấn đề tiếp theo là “độ rộng” của cơ cấu cổ đông. Đánh lên một CP có số lượng cũng như thành phần cổ đông đa dạng là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, và hệ quả rất dễ thấy là có thể trở thành mục tiêu để những cổ đông khác xả hàng lên đầu. Theo một số NĐT dày dạn kinh nghiệm, có những blue chip trên thị trường hiện nay vẫn có thể đánh lên được nhưng tác giả phải là “người nhà” chứ không phải “người ngoài”. Bản thân NĐTNN cũng đã hiểu được điều này nên dù có muốn cũng không thể làm được.

Hiện tại, những nhận định cũng như đồn đoán về CPI tháng 5, yếu tố tác động mạnh đến TTCK, đã xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Phần đông các NĐT - những người còn quan tâm đến TTCK Việt Nam - cũng đã dự cảm được một mức CPI nào đó cho riêng mình. Trên thế giới, mặc dù một số mặt hàng có chiều hướng giảm nhưng nhìn chung những thay đổi mang tính bước ngoặt vẫn chưa xuất hiện. Nhiều khả năng, đợt tăng lần này của VN Index có thể sẽ sớm kết thúc giống như lần trước tại khu vực 485-490 điểm nếu thanh khoản vẫn không cải thiện. Xét về mặt bằng giá CP, trừ nhóm blue chip nằm trong mục tiêu của ETF, dù VN Index ở mức 450 điểm hay 480 điểm cũng không thay đổi mấy. Nhưng để NĐT tự tin mua vào, họ sẽ chọn thời điểm thị trường có điểm số về mức thấp hơn là mức cao để đề phòng rủi ro từ thị trường chung. Như vậy, việc VN Index tăng điểm quá mạnh có thể vô hình nâng giá mặt bằng CP lên mặc dù thực chất không như vậy.

Các tin khác