HVG - Đánh mất ngôi vương

(ĐTTCO) - CTCP Hùng Vương (HVG) từng là doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đầu ngành, được mệnh danh là “vua cá tra”. Tuy nhiên, với những quyết định đầu tư thiếu cẩn trọng, HVG đã không giữ được ngôi vị hàng đầu, thậm chí còn đứng trước nguy cơ phá sản. 

“Tay chơi” M&A 
HVG được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất năm 2003 tại Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang), với vốn điều lệ ban đầu 32 tỷ đồng. Năm 2007, HVG chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức CTCP với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Cũng trong năm 2007, HVG nâng vốn điều lệ lên 420 tỷ đồng. Năm 2008 tiếp tục tăng vốn lên 495 tỷ đồng và 600 tỷ đồng năm 2009. Cuối năm 2009, HVG chính thức niêm yết CP trên HOSE, với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP. 
Có thể nói, quyết định đưa CP niêm yết được xem là mốc quan trọng của HVG nhờ nguồn vốn được huy động khá dễ dàng trên TTCK. Năm 2013, HVG phát hành 39,5 triệu CP thưởng tỷ lệ 2:1 cho cổ đông hiện hữu, cùng với 1,2 triệu CP ESOP cho người lao động, nâng vốn lên 1.199 tỷ đồng. Đến năm 2015, HVG tiếp tục chào bán cho cổ đông hiện hữu 43,5 triệu CP, đồng thời phát hành thêm gần 13,2 triệu CP, nâng vốn lên 1.891 tỷ đồng. Năm 2016 phát hành 37,8 triệu CP, nâng vốn lên 2.270 tỷ đồng. 
HVG - Đánh mất ngôi vương ảnh 1 Liệu THADI vào giải cứu HVG có thoát được nạn hay không?
Với tốc độ tăng vốn chóng mặt, HVG đã vung tiền thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) nhằm hoàn thiện quy trình theo chuỗi cung ứng khép kín, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối, nhắm đến mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về lĩnh vực thủy sản. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, HVG có 23 công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết có tên tuổi như CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), CTCP Châu Âu (EUR), Công ty TNHH Châu Á (ASI), CTCP Nuôi trồng thủy sản Hùng Vương Miền Tây (HMT)…

Nợ nần chồng chất
Trong khi tham vọng củng cố ngôi vương thông qua các hoạt động M&A chưa để lại dấu ấn, HVG đã rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất. Nguyên nhân do huy động vốn lớn cho các hoạt động M&A, trong khi hiệu quả đầu tư không như mong đợi. Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán cho năm tài chính 2016-2017 (kết thúc vào ngày 30-9-2017), HVG bất ngờ báo lỗ gần 713 tỷ đồng.
Đặc biệt, tính đến cuối niên độ tài chính 2016-2017, tổng nợ phải trả 11.378 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 10.678 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn 9.868 tỷ đồng. BCTC của HVG nhận được ý kiến tiêu cực từ công ty kiểm toán. Cụ thể, kiểm toán viên đã nêu vấn đề nhấn mạnh với giả định công ty sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh liên tục. Theo đó, sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Với kết quả này, đầu năm 2018, HVG bị HOSE đưa vào diện kiểm soát (chỉ được giao dịch buổi chiều) do thua lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2016 lỗ 49,3 tỷ đồng). Không chỉ kinh doanh bết bát, HVG còn thường xuyên công bố thông tin sai lệch, nhiều lần bị UBCKNN xử phạt và HOSE đưa vào diện cảnh báo. Từ mức giá hơn 10.000 đồng/CP (thời điểm cuối năm 2006), CP HVG xuống chỉ còn hơn 2.000 đồng/CP (giữa năm 2008). Mức giá này tiếp tục duy trì đến năm 2019 khi HVG vẫn ngập trong thua lỗ. 
Theo BCTC sau kiểm toán niên độ 2018-2019, HVG tiếp tục ghi nhận khoản lỗ lên đến 1.075 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.489 tỷ đồng. Bên cạnh khoản lỗ lớn, HVG còn bị kiểm toán đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Theo Kiểm toán viên của Ernst & Young Việt Nam (E&Y), tại thời điểm ngày 30-9-2019, tổng nợ ngắn hạn của HVG đã vượt quá tài sản ngắn hạn 1.170 tỷ đồng, trong đó khoản vay 600,6 tỷ đồng tại Vietcombank đến hạn vào ngày 21-5-2018 hiện vẫn chưa được thanh toán. Chủ nợ cho vay lớn nhất của HVG là BIDV với hơn 2.000 tỷ đồng nợ cho vay ngắn và dài hạn (chiếm xấp xỉ 67% nợ vay).

Tương lai mịt mờ
Khi đang bị đẩy đến sát bờ vực phá sản, HVG bất ngờ nhận được “phao cứu sinh” từ CTCP Sản xuất chế biến và Phân phối nông nghiệp Thadi, một thành viên của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Theo thỏa thuận được 2 bên ký kết vào ngày 9-1-2020, Thadi sẽ đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc tài chính, chuyên gia kỹ thuật.
Song song đó, Thadi sẽ góp 65% vào liên doanh Thadi - HVG sản xuất heo giống (quy mô 45.000 con), với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng tại An Giang và Bình Định. Về lâu dài, Thadi sẽ đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn EFSA, quy mô 1,2 triệu con/năm, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường trong ngoài nước. 
Với quyết dịnh đầu tư này, HVG ngay lập tức thay đổi thời gian tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020, với ngày tổ chức được ấn định 28-2. Đây có thể xem là ĐHCĐ quyết định tương lai của doanh nghiệp này với hàng loạt tờ trình quan trọng, như tờ trình cho Thadi nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% vốn không phải thực hiện chào mua công khai, tờ trình bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021.
Hiện cơ cấu HĐQT của HVG có 5 thành viên, trong đó ông Dương Ngọc Minh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Cuối cùng là tờ trình về chỉ tiêu kinh doanh niên độ tài chính 2019-2020, với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đạt lần lượt 12.524 tỷ đồng và 790 tỷ đồng. Trong đó, mảng chế biến cá đem về doanh thu và lợi nhuận cao nhất, với lần lượt 6.292 tỷ đồng và 315 tỷ đồng, kế đến là mảng thức ăn thủy sản và thức ăn chăn nuôi.
Dù lên kế hoạch khủng nhưng kết quả kinh doanh quý đầu tiên của niên độ 2019-2020 vẫn là những con số đáng thất vọng. Cụ thể, lợi nhuận trong kỳ tiếp tục âm 251 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên đến 1.743 tỷ đồng. Kết quả không mấy tích cực này cùng với những khoản nợ quá hạn của HVG, được dự báo là “khúc xương” đối với khả năng quản trị của Thadi. 
Điều đáng nói, năng lực quản trị của Thadi đang bị giới đầu tư đặt dấu hỏi sau quyết định rót vốn khủng vào CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và công ty con là CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Sau khi Thadi cử đại diện vào HĐQT, cả HAG và HNG gần như không có sự chuyển biến tích cực nào, thậm chí còn đưa 2 doanh nghiệp lên đầu bảng về con số thua lỗ trên TTCK. Theo BCTC soát xét năm 2019, HAG và HNG lỗ lần lượt lượt 1.609 tỷ đồng và 2.308 tỷ đồng. 
 Với quy trình khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu, HVG trở thành doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, nhờ kim ngạch xuất khẩu cá tra dẫn đầu cả nước, năm 2011 HVG được mệnh danh là “vua cá tra”. 

Các tin khác