Hết thời kỳ mua gì cũng lãi, thị trường 6 tháng cuối năm nhiều rủi ro khó lường

(ĐTTCO) - Sau suốt một thời gian dài cứ mua là thắng, ở thời điểm hiện tại, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán có còn nữa không là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Các chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2021 được thúc đẩy bởi triển vọng tươi sáng của nền kinh tế sau đại dịch,  môi trường lãi suất thấp giúp thị trường chứng khoán tăng sức hút đối với nhà đầu tư cá nhân trong nước. Giá trị giao dịch trên HoSE, HNX và UPCOM đạt trung bình 1 tỷ USD/phiên trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sau suốt một thời gian dài cứ mua là thắng, ở thời điểm hiện tại, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán có còn nữa không là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất. Bởi những thông tin về lãi suất ngân hàng rục rịch tăng, lạm phát tăng trở lại, Fed chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ, kinh tế phục hồi khi nhiều quốc gia đã tiêm vaccin tương đối đầy đủ… làm dấy lên lo ngại dòng tiền sẽ quay trở lại sản xuất, kênh tiết kiệm. 

Đã tới lúc chọn mặt gửi vàng

Nhận định về điều này, trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm, chứng khoán VnDirect cho rằng, đã xuất hiện nhiều rủi ro tiềm ẩn với thị trường.

Cụ thể, Fed có quan điểm thận trọng hơn trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC) hồi trung tuần tháng 6 và bắt đầu chú ý hơn đến những lo ngại về lạm phát tăng cao. FED có khả năng tăng 2 lần lãi suất điều hành trong năm 2023. Việc FED chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ làm dấy lên lo ngại về việc dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Hết thời kỳ mua gì cũng lãi, thị trường 6 tháng cuối năm nhiều rủi ro khó lường ảnh 1
Lãi suất tiền gửi của Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn, qua đó giảm bớt sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với kênh tiền gửi tiết kiệm.

Nguồn cung cổ phiếu tăng lên do doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn. Trong nửa đầu năm 2021, đã có hàng loạt công ty niêm yết lên kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2021. Tổng mệnh giá cổ phiếu đã hoàn thành tăng vốn và đang trong kế hoạch lên tới 25.617 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mức thực hiện trong cả năm 2020.

Với mức thanh khoản thị trường bình quân hiện nay vào khoảng 1 tỷ USD/phiên, nguồn cung cổ phiếu này chưa gây sức ép lớn lên thị trường như trong giai đoạn 2014-2019, tuy nhiên rủi ro này vẫn cần phải được theo sát sao.

“Giai đoạn dễ dàng đã qua, đã tới lúc “Chọn mặt gửi vàng”. Nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những cái tên chất lượng với đặc điểm: Tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh; Có vị thế tốt để nắm bắt được các cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu thế giới và đòn bẩy tài chính thấp và có khả năng chống chịu tốt với lãi suất.

VN-INdex sẽ chạm mốc 1.500 điểm?

Mặc dù vậy thì theo VnDirect, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong 6 tháng tới. Hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ) và dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân giúp duy trì xu thế tăng điểm của thị trường. Tâm lý sợ bỏ lỡ tăng lên khi các chỉ số chứng khoán vượt đỉnh lịch sử và thu hút sự chú ý lớn của nhà đầu tư.

Môi trường lãi suất thấp: Hiện lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại ở mức 5,7%/năm, thấp hơn mặt bằng lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm giai đoạn 2017-2019 (trước dịch COVID-19) ở mức 7,0%/năm. Việc mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp đã kích thích dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào thị trường chứng khoán.
Hết thời kỳ mua gì cũng lãi, thị trường 6 tháng cuối năm nhiều rủi ro khó lường ảnh 2

Hệ thống giao dịch nâng cấp của HoSE dự kiến hoạt động từ giữa tháng 7 năm 2021 và sẽ giúp giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh hiện tại, qua đó tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư.

Nút thắt về tình trạng dư nợ cho vay ký quỹ cao sẽ được giải quyết nhờ việc các công ty chứng khoán đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng các quy định về cho vay ký quỹ của các cơ quan quản lý.

Quan trọng nhất, kết quả kinh doanh ấn tượng của các công ty niêm yết nâng đỡ đà tăng của thị trường chứng khoán. VnDirect nâng dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong năm 2021 lên mức 30%, từ dự báo 23% trước đó.

Dự báo lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HOSE tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 27%/năm trong giai đoạn 2021-2022, vượt trội so với mức 12% trong giai đoạn 2017-2020.

Chỉ số VN-INDEX hiện đang giao dịch tại mức P/E dự phóng 2021 là 16,5 lần, tương đối hấp dẫn so với mặc bằng chung trong khu vực. Xét trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam, Singapore và Indonesia nổi lên là những thị trường có định giá hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023.

Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được đưa vào danh sách rút gọn xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI, cơ hội vẫn còn đó. Theo nghiên cứu, một số thị trường được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể được định giá tăng thêm từ 25-45% tại thời điểm chính thức nâng hạng so với P/E trung bình lịch sử 3 năm trước đó.

Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam xứng đáng được định giá cao hơn so với mức P/E bình quân 5 năm là 16,5 lần. "Chúng tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ giao dịch ở mức P/E 17,5-18 lần vào cuối năm 2021, tương đương với VN-Index là 1.400-1.450 điểm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index sẽ có thời điểm chạm mức 1.500 điểm trong nửa cuối năm 2021", VnDirect nhấn mạnh. 

Các tin khác