Phản hồi

Giá của sự bơm thổi

Liên tiếp trong các số báo từ 411 đến 416, ĐTTC đã đăng loạt bài “Đại gia lâm thế” nêu thực trạng dòng vốn của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty chảy vào bất động sản (BĐS), đầu tư trái ngành, lấn sân sang lĩnh vực BĐS, thông qua CP của các “công ty con, công ty cháu” trên sàn CK.

Liên tiếp trong các số báo từ 411 đến 416, ĐTTC đã đăng loạt bài “Đại gia lâm thế” nêu thực trạng dòng vốn của hàng loạt tập đoàn, tổng công ty chảy vào bất động sản (BĐS), đầu tư trái ngành, lấn sân sang lĩnh vực BĐS, thông qua CP của các “công ty con, công ty cháu” trên sàn CK.

Sau loạt bài, tòa soạn đã nhận được nhiều thông tin phản hồi từ các chuyên gia CK và NĐT. Xin trích giới thiệu ý kiến của TS. PHẠM LINH và NĐT BÙI TÂM TÁNH.

TS. PHẠM LINH, Tổng giám đốc CTCK Quốc Tế:

Tập trung hoạt động  kinh doanh cốt lõi

Trong loạt bài “Đại gia lâm thế”, tôi tâm đắc với 2 bài viết về Vneco và Dic Group. Đây là những họ CP có tiềm năng nhất định nhưng lại bị bơm thổi quá mức, dẫn đến hàng loạt hệ quả đáng tiếc. Năm ngoái, VE9 (Vneco9) có những đợt “sóng thần” tại HNX nhưng kết quả kinh doanh cũng không có gì đột biến về mặt bản chất. Hoặc như VES (Mê Ca Vneco) mới đây, lúc đầu công bố có lãi trong năm 2010 nhưng sau kiểm toán lại thành lỗ và bị đưa vào diện cảnh báo. Những điều này tác động ngược lại hoạt động của Vneco mẹ (VNE) cũng như cả hệ thống Vneco. Năm 2009, DIG lên sàn và tăng giá từ hơn 6.0 lên gần 15.0, nhưng từ đó đến giờ giảm nhiều hơn tăng. Sau kỳ vọng thái quá sẽ đến lúc thất vọng cực độ, điều này lý giải vì sao giá những CP trên bây giờ được cho là rẻ nhưng sức cầu vẫn chưa tăng.

Ngoài những rủi ro có thể thấy trước như lãi suất, hoặc ngành diễn biến không thuận lợi, NĐT còn phải đối diện với rủi ro về vấn đề quản trị doanh nghiệp (DN). Rất khó nắm bắt được định hướng tương lai tại nhiều DN có cổ đông nhà nước chi phối. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như khó khăn khách quan, năng lực ban lãnh đạo, hoặc đôi khi là sự trì trệ của các cổ đông lớn. Không thể có kiểu định hướng “xây dựng giữ vai trò nền tảng, BĐS là chủ đạo, tài chính là bước đột phá” được, vì trong thời khắc khó khăn, thường DN phải tập trung vào một hoạt động kinh doanh cốt lõi mà thôi. Giả sử NĐT có đủ tiền để mua CP phát hành thêm, họ cũng sẽ không làm như vậy vì sẽ rất mạo hiểm nếu đầu tư trung, dài hạn mà không dự báo được công ty sẽ đi đâu, về đâu.

Đây là thời điểm các tập đoàn, tổng công ty phải ra quyết định dứt khoát đối với hoạt động BĐS, từ đó rà soát, sáp nhập, thoái vốn tại các công ty con để tinh gọn cả hệ thống. Theo quan điểm của tôi, vẫn có một bộ phận NĐT sẵn sàng tham gia thị trường BĐS nếu họ chọn được mục tiêu phù hợp. Nếu các tập đoàn, tổng công ty đưa ra mức giá hợp lý, thương vụ sẽ thành công. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả 2 bên, bên bán có thể đạt được mục tiêu tái cấu trúc, có thêm nguồn tiền để tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, bên mua có được hàng hóa giá rẻ, tạo cơ hội sinh lời khi thị trường BĐS hồi phục. Thông qua hoạt động thoái vốn, tái cấu trúc, NĐT cũng có thể thấy được năng lực và quyết tâm của các tập đoàn, tổng công ty trong việc tái cấu trúc hoạt động đến đâu. Lấy thí dụ việc Petro Vietnam năm qua đã thoái vốn hàng loạt tại các công ty con trong ngành BĐS, một mặt cho thấy việc đầu tư tràn lan của tập đoàn này nhưng cũng tích cực hơn việc VNPT tỏ ra khá trì trệ tại Sacom (SAM) mặc dù là cổ đông lớn. Điều đó cho thấy cái uy của Petro Vietnam tại các công ty con của mình.

Đối với NĐT, tiếp cận những họ CP thuộc các tổng công ty, tập đoàn lúc này, phải xác định thời gian đầu tư trung, dài hạn, khả năng lướt sóng để thu lợi nhuận trong ngắn hạn rất khó khăn. Ngay chính hoạt động của công ty mẹ cũng có thể gặp khó khăn thì việc hỗ trợ, đèo bồng thêm các công ty con không dễ dàng. Giờ đây, các công ty con sẽ phải bươn chải nhiều hơn thay vì tận dụng lợi thế kinh doanh, vốn từ công ty mẹ. Chính vì vậy, cách tiếp cận hợp lý sẽ là mua vào CP từ từ, theo dõi quá trình tiến bộ của các DN, nếu xu hướng tốt lên tiếp tục mua thêm và nắm giữ dài hạn, nếu không, nên bán ra nhanh chóng.

 NĐT BÙI TÂM TÁNH (TPHCM):

Nâng cao yếu tố cảnh báo

Tôi đặc biệt quan tâm đến 2 bài viết về CP Sông Đà và Vinaconex (VCG). Khoản vay cả ngắn hạn lẫn dài hạn lên đến hơn 10.000 tỷ đồng, xấp xỉ 500 triệu USD của VCG khiến nhiều người không khỏi choáng váng. Thực tế xưa nay có rất ít báo cáo về VCG, nguyên nhân chính do các chuyên gia gần như không thể định giá CP này và NĐT cũng giao dịch theo kiểu thấy lên thì mua, giảm thì bán.

Những con số được nêu ra trong bài “Vinaconex - Lãi vay thổi bay lợi nhuận” đã cảnh báo cho nhiều NĐT biết họ đang nắm giữ một CP có thực chất không “rực rỡ” như tên tuổi, thương hiệu vốn có. NĐT nếu như đã được cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục chạy theo các yếu tố như đầu cơ, đội lái thiếu bền vững, cũng không thể trách cứ DN hay TTCK. Các đội lái cũng phải chùn tay trong việc “kéo, đẩy” CP, vì với CP tốt nếu bị “kẹp hàng” vẫn có thể giữ và hưởng cổ tức để gỡ gạc đôi chút, nhưng đối với những CP gặp quá nhiều vấn đề như Vinaconex, thiệt hại sẽ rất lớn.

Với những họ CP thuộc các tổng công ty, tập đoàn, NĐT khó xác định thời gian đầu tư, khả năng lướt sóng. Ảnh: LÃ ANH

Với những họ CP thuộc các tổng công ty, tập đoàn, NĐT khó xác định
thời gian đầu tư, khả năng lướt sóng. Ảnh: LÃ ANH

Qua bài viết “Sông Đà ngừng chảy”, tôi đã tìm hiểu thêm một số CP trong họ Sông Đà và phát hiện không ít CP “đặc biệt”, tiêu biểu nhất có lẽ là Sông Đà Thăng Long (STL). Cuối năm 2010, tổng tài sản của STL gần 5.600 tỷ đồng nhưng vốn điều lệ chỉ mới có… 150 tỷ đồng.

Đáng ngại nhất là các khoản vay của STL. Tính đến ngày 31-12-2010, khoản mục vay và nợ ngắn hạn của STL xấp xỉ 1.500 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn điều lệ của công ty, khoản mục vay và nợ dài hạn của STL lên đến hơn 2.400 tỷ đồng, gấp 16 lần vốn điều lệ của công ty.

Trong các chủ nợ của STL, ngoài các ngân hàng còn có các công ty tài chính bao gồm Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà và Công ty Tài chính cổ phần Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khoản vay 300 tỷ đồng với thời hạn 3 năm của STL từ Công ty Tài chính cổ phần Điện lực cho thấy nếu STL khó khăn không chỉ ảnh hưởng đối với Tập đoàn Sông Đà mà còn có thể “lây lan” sang cả EVN. Như vậy, khi một đại gia lâm thế, cũng có thể kéo các đại gia khác “vô thế” giống mình.

Vấn đề nợ lớn gấp nhiều lần vốn điều lệ của STL tương đối hiếm gặp. Giả sử tổng các khoản mục vay và nợ ngắn hạn lẫn dài hạn của STL trong năm 2011 giữ nguyên như năm 2010 và lãi suất vay vào khoảng 16%/năm, mỗi tháng, công ty sẽ phải trả hơn 50 tỷ đồng lãi vay, như vậy tiền lãi vay của 1 quý sẽ tương đương với vốn điều lệ của STL. Tỷ lệ nợ/vốn điều lệ cao, dẫn đến áp lực trả nợ rất lớn, không chỉ có con nợ chịu áp lực mà ngay cả chủ nợ cũng “run”. Cũng từ đây, việc thị trường BĐS khó khăn sẽ dẫn đến lo ngại của các cổ đông về việc STL sẽ không thể thuyết phục các chủ nợ cho vay thêm để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

Nhìn vào tổng tài sản của STL với các dự án “hoành tráng”, nhiều NĐT sẽ không khỏi choáng ngợp, nhưng nếu biết sau đó là một núi nợ, có lẽ nhiều người sẽ phải hối tiếc vì đã lỡ chạy theo những yếu tố có phần phù phiếm, thiếu bền vững. Tình trạng của STL không phải là cá biệt mà còn có rất nhiều “anh em” khác cũng giống như vậy, cũng tài sản, dự án “khủng” nhưng bên trong lại không có gì.

Một rủi ro khác của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cần lưu ý là các thương hiệu như Dầu khí, Sông Đà, Vinaconex vẫn còn có uy tín đối với các NĐT, đây là điều không dễ dàng có được và phải xây dựng từ rất lâu. Chính vì vậy, nếu các công ty con trong hệ thống làm ăn không tốt, làm ảnh hưởng đến thương hiệu của công ty, tập đoàn mẹ, sẽ vô cùng đáng tiếc.

Bài 1:  Sông Đà ngừng chảy

Bài 2: Vinaconex - Lãi vay thổi bay lợi nhuận

Bài 3: Dic Group - Áp lực dòng tiền

Bài 4: VNECO - Nỗi lo công nợ

Bài 5: Bai-5-VNPT-va-SAM-Ai-can-ai.aspx

Các tin khác