Doanh nghiệp niêm yết thiếu quan tâm vấn đề môi trường

(ĐTTCO) - Dòng vốn đầu tư quốc tế thường đòi hỏi doanh nghiệp niêm yết (DNNY) phải nâng cao ý thức, chủ động đầu tư nhiều hơn cho phát triển bền vững. Thế nhưng, mới chỉ 50% DNNY đáp ứng được tiêu chí là có chính sách và thực tiễn bảo vệ môi trường gắn liền với quá trình hoạt động kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. 
Doanh nghiệp niêm yết thiếu quan tâm vấn đề môi trường
Đây là thông tin được Ban tổ chức Cuộc bình chọn DNNY năm 2020 cống bố tại buổi lễ trao giải, tổ chức ngày 4-12 tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Quản trị tốt, giá CP cao
Cuộc bình chọn DNNY năm 2020 diễn ra trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hoạt động quản trị công ty tại các DNNY cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời điểm công bố thông tin trọng yếu của DNNY rơi vào giai đoạn giãn cách xã hội, công tác tổng hợp thông tin, soạn thảo và công bố báo cáo của DN bị ảnh hưởng. Chính vì vậy lượng thông tin và thời điểm công bố thông tin của nhiều DN bị trễ hạn. Diễn biến này phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả đánh giá của DNNY Việt Nam trong năm 2020. 
Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn DNNY đã quyết định chọn 40 DN xuất sắc nhất để vinh danh ở 3 hạng mục: Báo cáo thường niên tốt nhất; Báo cáo phát triển bền vững tốt nhất và Điểm quản trị công ty cao nhất. 
Ngoài ra, ở mỗi hạng mục, Ban tổ chức cũng chọn 1 DN có sự tiến bộ vượt bậc để trao giải “Tiến bộ vượt trội” nhằm ghi nhận sự nỗ lực của các DNNY trong việc minh bạch thông tin. Cụ thể, 3 DNNY đạt giải “tiến bộ vượt trội” của mỗi hạng mục gồm: CTCP Tập đoàn CEO (CEO), CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) và CTCP Điện Gia Lai (GEC). 
Theo Ban tổ chức, bộ tiêu chí đánh giá năm nay được đổi mới, nâng cao dần các tiêu chuẩn quản trị, có thể tác động đến điểm số đánh giá theo hướng làm giảm điểm. Cụ thể, công tác công bố thông tin của DN trong năm 2020 bị giảm điểm so với năm trước khá nhiều (54% năm 2020 so với 69,4% năm 2019). Tuy nhiên, điểm tích cực của năm nay là bộ nguyên tắc quản trị công ty Việt Nam được giới thiệu năm 2019 đã được DNNY áp dụng, sử dụng như là “kim chỉ nam” cho các cải cách quản trị công ty trong năm 2020. 
Theo đó, tỷ lệ DN đã thực hiện tự đánh giá về khả năng tuân thủ các quy tắc quản trị công ty tăng lên đáng kể (37,5% năm 2020 so với 30,5% năm 2019). Trên một số khía cạnh cụ thể, các DNNY đã có những nỗ lực để cải thiện, đặc biệt là các quy định về thời hạn công bố thông tin và tổ chức ĐHCĐ thường niên đã được tuân thủ khá tốt. 
Đáng chú ý, kết quả chấm điểm quản trị công ty năm 2020 cho thấy các DNNY có điểm quản trị tốt có giá CP cao hơn các DN có quản trị kém. Đây cũng cũng là nhóm có hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Đơn cử là CTCP Sữa Việt Nam (VNM) là DN thường xuyên dẫn đầu các hạng mục của cuộc bình chọn DNNY luôn nằm trong Top những mã CP có giá cao nhất trên TTCK.
Hệ lụy môi trường
Trong bối cảnh hiện nay, phát triển bền vững trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh của Việt Nam đã để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Thậm chí, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam nằm trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. 
Áp lực từ cộng đồng và dòng vốn đầu tư quốc tế đang ngày một lớn, đòi hỏi DNNY phải nâng cao ý thức, chủ động đầu tư nhiều hơn cho phát triển bền vững, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nghiêm trọng, đặt ra yêu cầu tự thân cho DN phải vận hành theo xu thế phát triển bền vững. 
Dù đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhưng các DNNY Việt Nam phần lớn vẫn chỉ dừng ở mức tuân thủ các quy định về công bố thông tin đánh giá tác động liên quan đến môi trường, xã hội và cộng đồng theo Thông tư 155/2015/TT-BTC. Điều này cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường chưa được DNNY quan tâm đúng mức. 
Thực tế, kết quả chấm điểm cuộc bình chọn DNNY năm 2020, cho thấy chỉ có 4,2% DN công bố chính sách và các thực hành, mô tả nỗ lực trong việc đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp, sản xuất cung ứng dịch vụ. Đặc biệt, chỉ 50% DNNY có mặt từ những năm trước đáp ứng được tiêu chí là có chính sách và thực tiễn bảo vệ môi trường gắn liền với quá trình hoạt động kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ. 
Nhận thức rõ thách thức trong giai đoạn này, Ban tổ chức cuộc bình chọn DNNY 2020 đưa thêm tiêu chí liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của DN.
“Thông qua cuộc bình chọn này, chúng tôi muốn vận động các DNNY chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Minh bạch, quản trị tốt và phát triển bền vững là nền tảng giúp DN tăng niềm tin của NĐT đối với DN” - ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE), Chủ tịch Hội đồng bình chọn chia sẻ. 
Phát triển bền vững
Dù chưa nhiều DN thật sự quan tâm phát triển bền vững nhưng thực tế cho thấy vẫn có không ít DN coi trọng. Đánh giá về GEC, DNNY lần đầu tham gia hạng mục Báo cáo phát triển bền vững, Hội đồng bình chọn, cho biết DN này đã hoàn toàn hòa hợp chiến lược của mình với xu hướng của xã hội từ đó tạo ra cơ hội phát triển bền vững thật sự. Thực tế, GEC đã kịp thời chuyển đổi trọng tâm đầu tư sản xuất từ thủy điện sang điện mặt trời. Tương tự là trường hợp CTCK Bảo Việt (BVS) đã trình bày Báo cáo phát triển bền vững của mình như một phần Báo cáo thường niên trong nhiều năm qua. Và đây chính là yếu tố giúp cho BVS lần đầu nằm trong Top 10 Báo cáo phát triển bền vững
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá môi trường xã hội và quản trị (ESG) của các DNNY là không dễ dàng. Đây có thể xem là “rào cản” trong việc huy động và giải ngân vốn đầu tư quốc tế đối với các DNNY. Sức ép công bố thông tin càng ngày càng lớn hơn đến từ nhiều phía, NĐT góp vốn, công chúng và từ các cơ quan quản lý. Do vậy, các DN nên có chính sách chiến lược hướng tới nền kinh tế carbon thấp và tài chính xanh, làm sao để hoạt động sản xuất và kinh doanh giảm thiểu các dự án phát thải carbon cao, ảnh hưởng lớn đến môi trường, sự đa dạng sinh học. Các thông tin này cần được công bố công khai để các NĐT công chúng có thể đánh giá được. 
Cũng theo ông Dominic Scriven, các ngân hàng nên là “đầu tàu” trong việc áp dụng tiêu chí ESG. Cụ thể, các ngân hàng nên có chính sách hướng tới tài chính xanh bằng việc xây dựng danh mục các dự án không nhận được tài trợ vốn như: các dự án phát thải carbon cao, các dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nếu các ngân hàng đi đầu trong áp dụng tiêu chí ESG trong việc xem xét danh mục cho vay sẽ có tác dụng lan tỏa lớn và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.
Cuộc bình chọn DNNY (tiền thân là bình chọn Báo cáo thường niên) là hoạt động thường niên do HOSE, HNX, Báo Đầu tư và Dragon Capital phối hợp tổ chức. 

Các tin khác