Dệt may chưa kịp vui với đơn hàng đã lo ‘bể’ hợp đồng

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 khiến cho kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2020 bất ngờ suy giảm sau 10 năm liên tục đạt mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, khi thị trưởng xuất khẩu vừa được “khơi thông” nửa đầu năm nay thì doanh nghiệp lại đối mặt nguy cơ ngừng trệ sản xuất.
Phần lớn doanh nghiệp dệt may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao.
Phần lớn doanh nghiệp dệt may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao.

Bất ngờ đi qua khủng hoảng kép 

Cơn bão Covid-19 tràn sang Mỹ và châu Âu là một cú “nock out” cho phần lớn các nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam, bởi đây là những khách hàng rất quan trọng của ngành. Tác động từ đại dịch lên cả 2 phía cung và cầu đã khiến giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong 2020 lần đầu ghi nhận mức giảm sau 10 năm qua, đạt 35,7 tỷ USD (giảm 9,2% so với năm 2019).

Dù vậy, kết quả này là tốt hơn nhiều so với mức sụt giảm dự kiến ban đầu 15-20% cho cả năm, nhờ tình hình cải thiện dần trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 chỉ giảm 5,3% so với mức giảm đến 14,2% trong 6 tháng đầu năm.

Ngoài yếu tố kể trên, với nguồn nguyên liệu phụ phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, các công ty dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung, và hệ thống vận chuyển trong giai đoạn đầu của dịch bệnh khi dịch bùng phát ở Trung Quốc. Dẫn đến nhiều nhà máy ở quốc gia này tạm thời ngưng hoạt động, đóng cửa biên giới và nhiều biện pháp phòng ngừa trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Khi những lo ngại này không còn là quá lớn nhờ dịch bệnh tại Trung Quốc được kiểm soát tốt hơn sau đó, thì tình trạng đơn hàng bị hoãn/cắt giảm/hủy lại trở thành vấn đề nghiêm trọng, khiến các nhà sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, việc làm và thu nhập của công nhân. 

Sang năm 2021, ngành dệt may ghi nhận khởi đầu tích cực hơn khi giá trị xuất khẩu dệt may trong 5 tháng đầu năm tăng 21,1% (đạt 15,5 tỷ USD). Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ mức tăng mạnh mẽ trong tháng 3 và tháng 4, khi các quốc gia nhập khẩu lớn kiểm soát dịch tốt hơn nhờ đẩy mạnh tiêm chủng.

Kết quả này có thể không được coi là bất ngờ, nếu xem xét nền thấp của năm ngoái nhưng có thể xem là tín hiệu tích cực nếu so với mức trước dịch. Mặc dù đà tăng không được tiếp nối trong tháng 5, nhưng lũy kế 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn tăng 3,4% so với cùng kỳ 2019.

Theo thống kê, xuất khẩu hàng may mặc sang một số thị trường chính như Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Campuchia đều đạt mức tăng trưởng trên 10%. Không chỉ ấn tượng với mức tăng 2 con số, mà còn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2019.

Đơn cử, xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ tăng 24,7%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có thị phần xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ tăng mạnh nhất. Thị trường tiêu thụ dệt may được dự báo sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới, nhờ chính sách thúc đẩy việc tiêm chủng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và một số nước EU.
Dệt may chưa kịp vui với đơn hàng đã lo ‘bể’ hợp đồng ảnh 1 Thách thức của năm 2020 dường như đang quay trở lại với ngành dệt may. Ảnh: VOV
Việc 2 thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp dệt may Việt Nam mở cửa trở lại mang sự kỳ vọng về xu hướng phục hồi mạnh mẽ hơn về đơn hàng. Mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đặt ra cho 2021 là 39 tỷ USD (tăng 9,3%), tương đương với năm 2019.
Thách thức của năm 2020 quay trở lại

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may cũng hưởng lợi đáng kể, nhở sự phục hồi này. Theo thống kê của CTCK VNDirect (VND), 13/19 doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý I-2021, với mức tăng trưởng đạt hơn 38%.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đạt mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn cả thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Đơn cử là CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) và CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng lần lượt là 37% và 121% so với quý I-2019.

Tuy nhiên, theo CTCK ACB (ACBS), ngành dệt may vẫn có rủi ro mục tiêu có thể không đạt, nếu các nước nhập khẩu quan trọng thất bại trong việc mở cửa lại nền kinh tế trong trường hợp dịch bùng phát mạnh trở lại. Bên cạnh đó, chi phí logistic tăng cao, tăng giá thuê container do thiếu container rỗng, cũng có thể gây thêm áp lực đối với ngành.

Đặc biệt, các nhà sản xuất dệt may đang phải nỗ lực nhiều để duy trì sản xuất song song với việc đảm bảo an toàn cho người lao động, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam gia tăng mạnh từ cuối tháng 4, đặc biệt là tại một số nhà máy/khu công nghiệp.

Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên, cho biết đơn hàng nhiều nhưng nếu không làm được thì doanh nghiệp thiệt hại kép cả về doanh thu và hiệu quả sản xuất. Nguyên nhân là doanh phần lớn doanh nghiệp dệt may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều, nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao.

Tại ĐHCĐ thường niên 2021 của Tổng CTCP May Nhà Bè (MNB), đại diện doanh nghiệp thừa nhận hiện chưa có một dự báo chính thức nào về thời điểm thế giới kiểm soát được đại dịch Covid-19, và trở lại các hoạt động kinh tế xã hội bình thường. Do vậy, những thách thức của năm 2020 gần như còn giữ nguyên trong năm 2021.

Đây sẽ là giai đoạn hết sức khó khăn của ngành dệt may nói chung và May Nhà Bè nói riêng. Với lý do này, MNB đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 19,8% và 27% so với kết quả đạt được trong năm 2020.

Không còn dư địa tăng

Diễn biến bất ngờ của dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động tiêu cực lên giá CP trên TTCK. Đơn cử là CP của CTCP Đầu tư - Thương mại - Dệt may Thành Công (TCM).

Sau khi vượt mốc 100.000 đồng/CP giữa tháng 4, TCM liên tục bị bán ra và hiện giao dịch ở mức 82.500 đồng/CP. Không chỉ giảm giá mạnh, thanh khoản của mã CP này cũng sụt giảm đáng kể, với lo ngại của NĐT về khả năng duy trì hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

Đợt bùng phát mạnh của Covid-19 tại TPHCM cũng khiến cho CP của CTCP Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) rơi từ trên mốc 20.000 đồng/CP xuống dưới mốc 15.000 đồng/CP trong tháng 7. Tương tự, CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng có đợt giảm từ 65.000 đồng CP xuống còn 55.000 đồng/CP.

Một điểm yếu của nhóm CP dệt may là vấn đề thanh khoản. Hiện nhiều mã CP trong ngành đều không có thấp thanh khoản thấp, thậm chí không có thanh khoản, như: MNB, STK, Tổng CTCP May Việt Tiến (VGG).

Các tin khác