Dậy sóng cổ phiếu dầu khí

(ĐTTCO) - Trước diễn biến tích cực của giá dầu, từ đầu tháng 6-2021 đến nay nhiều cổ phiếu trong ngành dầu khí đã bứt tốc.
Các cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực trong thời gian qua. Ảnh: TL.
Các cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực trong thời gian qua. Ảnh: TL.

Số liệu thống kê của NCĐT đối với 11 cổ phiếu thuộc ngành dầu khí, các cổ phiếu này đều ghi nhận mức tăng về thị giá vượt trội hơn so với thị trường chung. Tiêu biểu như cổ phiếu của Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí (mã PTV) với mức tăng hơn 30,2% về thị giá kể từ đầu tháng 6 đến nay (22-6).

Hay cổ phiếu của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (mã  PVC) và Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng đạt mức tăng lần lượt là 27,1% và 25% trong thời gian qua. 

Các cổ phiếu còn lại như OIL của Tổng Công ty Dầu Việt Nam; PVS của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam và PVT của Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng về thị giá.

Các quốc gia phát triển với tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng đang dần mở cửa trở lại, xu hướng dịch chuyển đang tăng dần về mức trước dịch. Hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đã phục hồi nhanh qua hàng tháng, khi các quốc gia tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh.

Hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế tại khu vực Châu Âu, Mỹ, Anh, Trung Quốc đã tăng nhanh trở lại khi chỉ số quản trị mua hàng của nhà sản xuất (PMI) thể hiện mức tăng liên tiếp qua các tháng. Tiêu thụ nhiên liệu bay tại Mỹ cũng phục hồi mạnh từ mức đáy hồi tháng 4, 5 năm 2020.

Dậy sóng cổ phiếu dầu khí ảnh 1 Các cổ phiếu trong ngành dầu khí đều tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu ước tính ở mức 100 triệu thùng/ngày vào tháng 12-2021, quay về bằng mới mức trước dịch (tiêu thụ dầu mỏ trung bình theo tháng năm 2019 ở mức 101 thùng/ngày). Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cũng dự báo vào quý IV-2021, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cũng đạt mức trung bình là 99,5 triệu thùng/ngày, so với mức 100 triệu thùng/ngày năm 2019.

Trong khi đó, nguồn cung dầu mỏ ước tính ở mức 99,6 triệu thùng vào tháng 12-2021, thấp hơn dự báo nhu cầu 1,6 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, OPEC+ tiếp tục duy trì cắt giám sản lượng theo đúng kế hoạch, từ mức cắt giảm 8,05 triệu thùng/ngày vào tháng 4 (bao gồm 1 triệu thùng/ngày cắt giảm sản lượng tự nguyện của Arab Saudi), và sau đó đưa dần mức cắt giảm về 5,95 triệu thùng vào tháng 7-2021.

Sắp tới, khả năng về việc Iran gia tăng nguồn cung trên thị trường thế giới nếu thỏa thuận hạt nhân được phục hồi là một sự kiện quan trọng cần phải theo dõi.

Dậy sóng cổ phiếu dầu khí ảnh 2
Theo sát diễn biến của giá dầu, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research nâng giả định giá dầu Brent từ mức 65 USD/thùng lên 68 USD/thùng cho năm 2021, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2020, và lên mức 70 USD/thùng cho năm 2022. Đối với dầu nhiên liệu (FO), năm 2021 SSI Research nâng giả định giá dầu từ mức 330 USD/tấn lên 360 USD/tấn, tăng 48,8% so với năm 2020 và lên mức 380 USD/tấn năm 2022.

Đối với ngành dầu khí ở Việt Nam, SSI Research cho rằng giá dầu duy trì trên mức 60 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác. Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở hạ tầng phát triển điện khí LNG (Liquefied Natural Gas) cũng là một chiến lược được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Nhiều dự án tổ hợp LNG đã được Chính phủ phê duyệt sẽ bổ sung nguồn khí nhập khẩu cho nhu cầu phát điện trong tương lai.

SSI Research ước tính BSR, PLX, PLC, PVS, PVT sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trong quý II-2021. Trong khi đó, GAS, DPM, DCM sẽ chứng kiến lợi nhuận đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.

Các tin khác