Coteccons chưa hết sóng gió 

(ĐTTCO) - Sau sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, tưởng chừng CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới với bộ máy lãnh đạo mới. Thế nhưng, việc một thành viên HĐQT bất ngờ tung bức tâm thư trước khi từ nhiệm cho thấy CTD vẫn chưa hết sóng gió, thậm chí còn rất nhiều bất ổn. 
Coteccons chưa hết sóng gió 
Kết thúc “triều đại”
Ngày 2-10, ông Nguyễn Bá Dương bất ngờ công bố đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT với nguyện vọng cá nhân. Cùng lúc, HĐQT CTD thống nhất bầu ông Bolat Duisenov thay thế vị trí của ông Dương kể từ ngày 5-10. Như vậy, HĐQT và Tiểu ban chiến lược cùng với sự phối hợp của Ban điều hành và các quản lý cấp cao trong CTD sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động kinh doanh. Trước đó, ngày 25-9, CTD đã công bố quyết định thành lập Tiểu ban chiến lược và ông Bolat Duisenov đảm nhiệm vị trí Trưởng tiểu ban. 
Ngay sau khi từ nhiệm, ông Dương đã bán ra hơn 1,13 triệu CP CTD, giảm lượng sở hữu từ hơn 4,35 triệu đơn vị (tương đương 5,7% vốn điều lệ) xuống còn hơn 3,22 triệu đơn vị (tương đương 4,2%) và không còn là cổ đông lớn của CTD. Động thái bán bớt cổ phần này cho thấy “triều đại” Nguyễn Bá Dương tại CTD đã chính thức sụp đổ sau 17 năm, từ doanh nghiệp bình thường trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng. 
Trong bức tâm thư gửi CTD, ông Dương không quên nhắc lại những yếu tố làm nên vị trí số 1 của CTD. Theo ông Dương, cách đây khoảng 20 năm, hầu như các dự án cao tầng ở Việt Nam đều được thi công bởi nhà thầu ngoại. Trong mắt chủ đầu tư, các công ty xây dựng trong nước chỉ có thể triển khai một số công trình đơn giản từ 7 tầng trở xuống. Phần lớn nhà thầu không gây được thiện cảm với xã hội vì thi công kém chất lượng, mất an toàn, không đảm bảo vệ sinh môi trường và hay “rút ruột”. 

Phải chăng do xung đột lợi ích?
Trong bức tâm thư, ông Dương nhắc đến 2 cụm từ “rút ruột” và “minh bạch”. Theo ông Dương, sự xuất hiện của CTD đã phần nào làm giảm tình trạng “rút ruột” ở các công trình xây dựng và sự “minh bạch” tạo nên thương hiệu cho CTD. Thế nhưng, khi CTD đạt đến đỉnh cao của sự thành công, những vấn đề này lại xảy ra ngay tại công ty. 
Theo cổ đông lớn Kustocem Pte. Ltd (Kusto), một số thành viên của HĐQT và Ban giám đốc (BGĐ) của CTD hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tại CTCP Đầu tư xây dựng Ricons, bao gồm cả vị trí Chủ tịch HĐQT và đại diện theo pháp luật. Chính họ và những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons, trong khi đồng thời là những người có quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại CTD. Đây là lý do Kusto không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và BGĐ của CTD, gồm ông Dương, ông Nguyễn Sỹ Công (Tổng giám đốc) và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng giám đốc).
Những năm qua, Kusto đã nhiều lần đặt câu hỏi cho HĐQT và BGĐ về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, việc sử dụng tài nguyên và uy tín của CTD cho lợi ích của các công ty khác trong Coteccons Group. Tuy nhiên, đã không có câu trả lời thỏa đáng nào được đưa ra bởi HĐQT và BGĐ. 
Trên thực tế, trước khi Kusto có quyết định “đảo chính”, giới đầu tư đã đặt nhiều nghi vấn Ricons là “sân sau” của một số thành viên HĐQT CTD. Tiền thân của Ricons là Công ty Phú Hưng Gia (thành lập năm 2004). Giai đoạn 2010-2014, Ricons tiến hành tái cấu trúc cơ cấu lãnh đạo với sự xuất hiện của hàng loạt nhân lực chủ chốt từ CTD. Đơn cử, ông Dương, ông Công và ông Quân là 3/5 thành viên HĐQT của Ricons. Trong đó, ông Quân hiện là Chủ tịch HĐQT và bà Hà Tiểu Anh, Kế toán trưởng của CTD, kiêm nhiệm chức Trưởng BKS của Ricons. Với sự hậu thuẫn này, Ricons đã có bước phát triển ấn tượng. 
Cụ thể, năm đầu tiên sau tái cấu trúc, Ricons ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 78% (đạt 2.825 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế tăng 97% (đạt 81 tỷ đồng). Theo thống kê, Ricons duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân giai đoạn 2014-2018 lên đến 50% và 76%. Đặc biệt, so sánh với lợi nhuận sau thuế của CTD tăng chưa đến 5 lần trong 5 năm qua, lãi ròng của Ricons tăng hơn 10 lần cho cùng giai đoạn.

Sóng gió mới
Tưởng chừng sau khi ông Dương từ nhiệm và bán bớt cổ phần, CTD sẽ bước vào trạng thái “bình thường mới”, bất ngờ ông Nguyễn Quốc Hiệp, thành viên HĐQT, lại có tâm thư gửi tới CTD trước khi chính thức từ nhiệm. Bày tỏ quan điểm của mình, ông Hiệp cho biết ngay từ đầu vào CTD đã rất trăn trở về những bất đồng giữa ban lãnh đạo cũ và Kusto dù phía HĐQT (cũ) của Coteccons đã cố gắng đối thoại. Tại ĐHCĐ thường niên 2020, dù 2 bên đã có những thỏa thuận mới, nhưng theo ông Hiệp cách làm của Kusto sau khi nắm được quyền điều hành đã đẩy ông Dương phải từ nhiệm sau khi bị vô hiệu hóa.
Tâm thư của ông Hiệp được công bố trong bối cảnh nhạy cảm khi CTD vừa công bố hàng loạt chức danh mới sau sự ra đi của ông Dương (từ ngày 2-10). Cụ thể, HĐQT CTD thống nhất bầu ông Bolat Duisenov đảm nhiệm vị trí ông Dương vừa từ nhiệm kể từ ngày 5-10. Tiếp đó, HĐQT của CTD bổ nhiệm 2 vị trí Phó Tổng giám đốc mới với ông Phạm Quân Lực và ông Trần Trí Gia Nguyên. Được biết, ông Lực hiện đang là Giám đốc khối kỹ thuật CTD, còn ông Nguyên từng là Phó Tổng giám đốc tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC). Đáng chú ý, Kusto đề cử người đại diện mới của mình tại CTD là ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Theo nhận định của TS. Đinh Thế Hiển, việc ông Dương rời khỏi CTD được xem là kết cục của thương vụ thâu tóm gây nhiều tranh cãi nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trên thế giới các nhà sáng lập danh tiếng phải rời ghế nóng khi doanh nghiệp đi xuống là bình thường, như Jerry Yang của Yahoo hay Steve Jobs của Apple.
Trong khi tại Việt Nam nhiều người nhìn nhận với cặp mắt thiếu thiện cảm, khi gọi những thương vụ này là “thâu tóm thù địch”. Trường hợp của CTD cũng là bài học cho doanh nghiệp Việt hiện nay. Thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi khẳng định được vị thế, thay vì tiếp tục củng cố vị trí, lại thường có tâm lý thu vén cho cá nhân bằng cách bắt đầu lập công ty sân sau để chuyển giá trị, hoặc nhảy vào những lĩnh vực thu lời nhanh như tài chính hay bất động sản. 
 Những biến cố gần đây khiến NĐT mất niềm tin vào sự hồi phục của CTD và liên tục bị bán ra. Từ mức giá hơn 70.000 đồng/CP cuối tháng 9, CTD hiện đang giao dịch quanh mốc 54.400 đồng/CP (giảm 25%). 

Các tin khác