Công ty chứng khoán đua nhau tăng vốn thêm ngàn tỷ

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh thị giá cổ phiếu tính đến ngày 7-6 đã tăng 58,8% kể từ đầu năm, các công ty chứng khoán cũng đồng thời đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn điều lệ để đón đầu “sóng” tăng trưởng tiếp theo của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán tăng mạnh tạo cơ hội cho các công ty chứng khoán tăng năng lực tài chính. Ảnh minh họa: T.H.
Thị trường chứng khoán tăng mạnh tạo cơ hội cho các công ty chứng khoán tăng năng lực tài chính. Ảnh minh họa: T.H.

Đồng loạt tăng vốn

Sau kỳ đại hội cổ đông vừa qua, nhiều công ty chứng khoán bắt đầu ráo riết thực hiện kế hoạch tăng vốn.

Chẳng hạn như Chứng khoán Bản Việt (mã chứng khoán VCI) công bố chốt danh sách cổ đông vào ngày 21-6 tới, để phát hành 166,5 triệu cổ phiếu thưởng, thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu một cổ phiếu nhận về một cổ phiếu mới).

Sau đợt phát hành này, VCI sẽ tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, lên mức 3.330 tỷ đồng.

Chứng khoán VNDirect ngày 11-6 vừa qua đã chốt danh sách cổ đông có thể thực hiện quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành 214,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá phát hành là 14.500 đồng/cổ phiếu (thị giá hiện đạt 39.800 đồng/cổ phiếu) với tỷ lệ 1:1.

Với phương án này, VNDirect cũng dự kiến tăng vốn điều lệ lên gấp đôi (hiện ở mức 2.204 tỷ đồng).

Tương tự, ngân hàng ACB gần đây đã đồng ý rót thêm 1.500 tỷ đồng vào công ty chứng khoán ACBS (công ty con), tăng vốn gấp đôi lên mức 3.000 tỉ đồng.

Dễ nhận thấy trong làn sóng tăng vốn điều lệ lần này, đa phần các công ty chứng khoán trong nước đặt tham vọng tăng vốn lên đến cả ngàn tỷ đồng. Hàng loạt bản kế hoạch tăng vốn vẫn đang tiếp tục được đẩy nhanh, như Chứng khoán MBS cũng có kế hoạch tăng vốn thêm 1.032 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty này hiện ở mức 1.643 tỷ đồng. Hay HSC dự kiến tăng vốn lên thêm 50%, tương đương khoảng 1.525 tỷ đồng.

Trong số này, tham vọng lớn nhất có lẽ là Chứng khoán SSI, với quy mô vốn dự kiến tăng lên đến 4.796 tỷ đồng (từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 36,3% và phát hành cổ phiếu 43,2%, ESOP 1,7%). Nếu thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ lên mức 11.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán có quy mô nhỏ hơn cũng không nằm ngoài guồng quay tăng vốn.

Như đại hội cổ đông thường niên của Chứng khoán Thành Công (mã TCI) mới đây, đã thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ mức 495 tỷ đồng lên 1.009,8 tỷ đồng. Hay Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ mức 1.080 tỉ đồng lên 1.458 tỷ đồng.

Theo thống kê của Fiin Pro, ước tính có 14 công ty chứng khoán quy mô nhỏ đến lớn đã thông báo kế hoạch chào bán 1,25 tỷ cổ phiếu, bao gồm phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu, để huy động vốn với tổng giá trị ước tính hơn 10.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong làn sóng tăng vốn hiện nay cũng có công ty chứng khoán ngoại. Mới đây, Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) thông báo tăng vốn từ 1.056 tỷ đồng lên 1.745 tỷ đồng, được bổ sung từ công ty mẹ là Maybank Kim Eng Holdings Limited (Malaysia). Lần tăng vốn gần đây nhất của MBKE là vào năm 2018, cũng là thời điểm mà các công ty chứng khoán ngoại đua nhau tăng vốn, mua bán sáp nhập để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

VN-Index phá kỷ lục, cổ phiếu chứng khoán hưởng lợi

Giống như nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu ngành chứng khoán cũng tăng trưởng mạnh trong tháng 5 vừa qua và có xu hướng đi lên mạnh mẽ kể từ năm 2020 đến nay.

Điển hình như trường hợp của chứng khoán Bản Việt, thị giá VCI hiện ở mức 91.800 đồng/cổ phiếu, tăng gần 48% kể từ đầu tháng 5 tới nay và tăng gần bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với công ty thuộc nhóm đầu ngành khác là SSI, thị giá ở mức 50.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 54% so với đầu tháng 5 và 233% so với cùng kỳ.

Không chỉ có nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu khác cũng có mức tăng trưởng mạnh đáng kể. Thống kê của FiinGroup cho thấy giá cổ phiếu các công ty chứng khoán niêm yết tính đến ngày 7-6 đã tăng 58,8% kể từ đầu năm.

Việc tranh thủ huy động vốn trong thời gian này để tăng cường năng lực tài chính được các chuyên gia đánh giá là “đúng thời điểm”, nhằm phục vụ cho câu chuyện tăng trưởng của thị trường vốn, bao gồm cả thị trường chứng khoán và cuộc chơi trái phiếu doanh nghiệp.

Trên thực tế, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong thời gian qua cũng tăng vọt, nhờ sự tham gia tích cực của dòng tiền mới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

“Sống dựa” vào sự phát triển của thị trường chứng khoán, riêng trong quí I vừa qua, thống kê của SSI cho thấy 31/35 công ty chứng khoán niêm yết có lợi nhuận quí I đạt tổng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với cùng kỳ.

Theo SSI, tăng trưởng lợi nhuận ở mức rất cao không chỉ nhờ nền tăng trưởng thấp trong cùng kỳ khi dịch Covid-19 vừa mới xuất hiện, mà còn được ghi nhận đến từ doanh số giao dịch tăng mạnh do có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường từ nửa cuối năm 2020, nhờ mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sâu.

Bên cạnh đó, các yếu tố giúp lợi nhuận tăng mạnh là nhờ số dư cho vay ký quỹ tăng mạnh (vì tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân ngày càng tăng trong tổng giao dịch), doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư gia tăng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp và thu nhập tự doanh cũng được cải thiện đáng kể nhờ thị trường tăng điểm mạnh.

Theo công ty chứng khoán Mirae Assets, thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh trong ngắn hạn, do áp lực chốt lời sau nhiều tháng liên tiếp, ghi nhận các mức đỉnh lịch sử.

Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng vẫn còn lớn và thanh khoản thị trường tiếp tục dồi dào, bao gồm sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính phủ, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư vẫn chảy vào vì lãi suất thấp và xa hơn nữa là câu chuyện thoái vốn, nâng hạng thị trường.

Các tin khác