Cổ phiếu ngành đón sóng EVFTA

(ĐTTCO)-Thông tin Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) đã giúp CP của nhiều nhóm ngành giao dịch sôi động hơn trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, vẫn quá sớm để có thể kỳ vọng sự đột phá nếu bản thân doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho cuộc chơi lớn.
Ngành dệt may Việt Nam khó hưởng lợi từ EVFTA, do phần lớn các doanh nghiệp Việt chỉ thực hiện công đoạn may, cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi. Ảnh: LONG THANH
Ngành dệt may Việt Nam khó hưởng lợi từ EVFTA, do phần lớn các doanh nghiệp Việt chỉ thực hiện công đoạn may, cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi. Ảnh: LONG THANH
Chưa khai thác tốt sân chơi lớn
Theo số liệu được công bố từ Eurostat và Ủy ban Liên minh châu Âu (EUCOM), trong năm 2018, tổng giá trị thương mại mậu dịch giữa Việt Nam và EU đạt 49,3 tỷ EUR, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,19 tỷ EUR còn nhập khẩu của Việt Nam từ châu Âu đạt 11,1 tỷ EUR, qua đó thặng dư thương mại của Việt Nam với châu Âu trong năm 2018 đạt 27,08 tỷ EUR.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU năm 2018 đã tăng 310% so với giá trị năm 2008. Như vậy sau 10 năm, điểm khá thuận lợi với Việt Nam là thặng dư thương mại giữa Việt Nam và EU đã được duy trì và tăng 562,75%, từ mức 4,08 tỷ EUR vào năm 2009 lên đến 27,08 tỷ EUR vào năm 2018. 
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thuộc EU chủ yếu là máy móc và đồ gia dụng đạt 20,14 tỷ EUR trong năm 2018 (chiếm 52,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU); giày dép và mũ đạt 4,03 tỷ USD (tương đương với 10,6% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU); dệt may và may mặc đạt 3,73 tỷ EUR (tương đương với 9,8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU); rau củ quả đạt 2,24 tỷ EUR (tương đương với 5,9% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU); và các sản phẩm máy móc khác đạt 1,49 tỷ EUR (tương đương với 3,9% giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU).
Tuy vậy, Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu giao dịch thương mại của EU, khi chỉ đứng thứ 16 và chỉ chiếm 1,3% giá trị giao dịch thương mại toàn cầu của EU.

Gia tăng khả năng cạnh tranh
 Ngoài các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ lộ trình cam kết giảm thuế của EVFTA, những ngành hàng khác cũng được hưởng lợi gián tiếp như: logistics, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp.
Hiện tại hàng hóa của Việt Nam được hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập của EU (Generalized System of Preferences - GSP). Theo đó, các nước đang phát triển phải trả thuế thấp hơn đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, và điều này được xem xét định kỳ.
Đây là mức thuế thấp hơn so với biểu thuế xuất nhập khẩu tối huệ quốc (Most Favoured Nation - MFN) được áp dụng đối với Malaysia, Brunei, giúp hàng hóa của Việt Nam cạnh tranh hơn so với hàng xuất khẩu từ các nước này.
Tuy nhiên, tất cả các loại hàng hóa (trừ vũ khí và chất nổ) từ các nước kém phát triển hơn như Lào, Campuchia và Myanmar được miễn thuế khi vào EU nhờ Hiệp ước Mọi thứ trừ Vũ khí (Everything but Arms - EBA). Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể so với các nước MFN, GSP và giảm chênh lệch với các nước kém phát triển.
Khi EVFTA chính thức có hiệu lực, 50% số sản phẩm nông lâm, thủy sản sẽ lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0%, như mật ong, rau củ quả; 50% còn lại sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm. ô tô và xe máy sẽ được miễn thuế theo lộ trình 9-10 năm.
Đối với các sản phẩm dệt may, hơn 42% dòng sản phẩm được miễn thuế ngay lập tức sau khi hiệp định có hiệu lực, các sản phẩm còn lại sẽ được miễn thuế theo lộ trình từ 3-7 năm. Trong khi đó, các sản phẩm giày dép sẽ có khoảng 37% số sản phẩm sẽ được miễn thuế ngay, các dòng sản phẩm còn lại sẽ được miễn thuế theo lộ trình từ 3-7 năm. 
Muốn hưởng lợi thế giới phải chịu khắc nghiệt
Với những nhận định lạc quan trên, ngay khi thông tin được công bố, nhóm CP được hưởng lợi từ EVFTA đã giao dịch khởi sắc, đơn cử là nhóm CP dệt may, 1 trong những ngành nghề được hưởng lợi nhất từ việc EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), để có thể được giảm thuế theo quy định tại hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ. Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏa mãn 2 điều kiện. Đầu tiên là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU. Điều kiện thứ 2 là việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. 
Mặc dù quy tắc xuất xứ trong EVFTA có lỏng hơn so với CPTPP, nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi.
Thêm vào đó, nguyên liệu (vải) các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc và Đài Loan, là những nước chưa có hiệp định FTA với EU. Do vậy, để có thể tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp may - cắt. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tận dụng khi EVFTA ký kết, nhập khẩu các nguyên vật liệu (đặc biệt là vải) có xuất xứ từ châu Âu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.
Tương tự dệt may, nhóm sản phẩm giày dép được EU cam kết loại bỏ thuế ngay là các sản phẩm mà Việt Nam ít gia công hoặc xuất khẩu vào EU. Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình 3-4% theo GSP. Khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt, các mức thuế nhập khẩu đối với giày dép sẽ giảm dần đều xuống 0% tính từ mức MFN (khoảng 12,4%) theo lộ trình 3-7 năm.
Như vậy, trong vài năm đầu thực hiện EVFTA, phần lớn các sản phẩm giầy da sẽ không được hưởng lợi từ EVFTA, thậm chí là bị ảnh hưởng bất lợi, do mức thuế giảm dần đều từ mức 12,4% vẫn sẽ cao hơn mức 3-4% theo GSP. 

Các tin khác