Cổ phiếu Mỹ có giá quá cao, liệu có lao dốc?

(ĐTTCO) - Theo tính toán của một số tổ chức đầu tư ở Mỹ, chỉ số P/E của Mỹ đang ở mức 26, cao so với mức 15 của mặt bằng trung bình cổ phiếu ở nước khác. Deutsche Bank vừa đưa ra một báo cáo cho rằng, với việc chỉ số ISM (Institute for Supply Management) đi vào mức thu hẹp, chỉ số S&P 500 phải giảm xuống 2.600 thay vì ở mức 3.000 hiện tại. Một mức giảm khoảng 13%.

Lần đầu tiên cảnh báo kiểu này về cổ phiếu Mỹ vào năm 2017, khi mà một loạt báo đài và công ty cho rằng cổ phiếu Mỹ giá quá cao. Khi đó chỉ số Dow Jones là khoảng 23.000 (nay nó đã trên 27.000). Rất tiếc cho những người dự báo vào năm 2017 về một đợt sụt giảm mạnh của thị trường, họ đã sai. Bởi cho đến nay nếu không có chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cổ phiếu Mỹ có lẽ còn có giá cao hơn.
Vì sao lại cảnh báo như vậy? Đơn giản là vì dòng tiền. Nhà đầu tư vào cổ phiếu Mỹ hiện nay không có nhiều lựa chọn tốt hơn. Trái phiếu đã không còn thật sự là điểm đến an toàn tạo ra lợi nhuận, khi mà những trái phiếu an toàn truyền thống như trái phiếu chính phủ Nhật và Đức có lợi suất âm, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn từ 3 tháng đến 10 năm đều dưới 2%, ngay cả kỳ hạn 30 năm cũng chỉ hơn 2% một chút. 
Cổ phiếu Mỹ có giá quá cao, liệu có lao dốc? ảnh 1 Diễn biến chỉ số VIX trong năm 2019 (Nguồn: CBOE).
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ lại vận hành không tệ. Lạm phát vẫn dưới mục tiêu 2% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và tình hình việc làm ở Mỹ vẫn khá tốt, thất nghiệp thấp, việc làm mới gia tăng - dù tốc độ có chậm lại. Có thể nói kinh tế Mỹ đang là một trong những nền kinh tế có nền tảng cơ bản tốt nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Và nó còn có thể tốt hơn nữa nếu tổng thống Trump không gây chiến thương mại.
Các công ty lớn của Mỹ vẫn làm ăn tốt và có tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu. Đây là yếu tố cơ bản quan trọng nhất để nhà đầu tư Mỹ yên tâm. Một số công ty lớn như Microsoft, gần đây đã tăng chi cổ tức cho cổ đông đến 11% và tiếp tục chính sách mua lại cổ phiếu (một dạng khác của chia tiền lời cho nhà đầu tư). Nhận định rằng cổ phiếu Mỹ tăng nhờ các chính sách mua lại cổ phiếu là đúng phần nào, nhưng mua lại cổ phiếu trong bối cảnh lợi nhuận tăng thì cũng chỉ là một dạng khác của việc chi tiền mặt trả cổ tức cho nhà đầu tư. 
Những diễn biến vĩ mô gần đây ở Mỹ như FED cắt lãi suất thêm 0,25% càng giúp thị trường Mỹ bình tâm hơn. Chỉ số đo lường nỗi sợ và tham lam của CNBC đang ở mức 63 (tương đối “tham lam”), phản ánh tâm lý lạc quan, “chịu chơi” của nhà đầu tư Mỹ. Mặt khác, chỉ số VIX - thước đo độ bất ổn của cổ phiếu Mỹ, đang hướng xuống khu vực thấp nhất trong năm, khẳng định lại sự ổn định của dòng tiền.
Vậy chẳng lẽ giá cổ phiếu Mỹ cứ lên cao hoài hay sao? Chắc chắn là không. Một ngày nào đó nó phải giảm và giảm mạnh. Bản thân trong nội bộ nền kinh tế Mỹ cũng đang có phân hóa. Các tập đoàn lớn của Mỹ vẫn đang có lợi nhuận tăng bình quân khoảng 1%, trong khi đó các cổ phiếu nhỏ có lợi nhuận sụt giảm khoảng 3,5% trong năm nay. Biên lợi nhuận (profit margin) tốt của các tập đoàn lớn ở Mỹ là nguyên nhân quan trọng đằng sau việc nhà đầu tư cổ phiếu Mỹ vẫn vững tin. Và họ cũng cho rằng thương chiến Mỹ-Trung sẽ phải đi đến một điểm dừng bắn ở đâu đó trong năm nay khi mà bầu cử Mỹ đến gần. 
Khi biên lợi nhuận thu hẹp hay bất ổn chính trị gia tăng ngoài tầm kiểm soát của tổng thống Trump, thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng khi nào những điều đó diễn ra thì không thể dự đoán được. Cho nên, trong một thị trường mà dòng tiền đang đổ vào, giá cổ phiếu đang lên, không biết khi nào nó sẽ dừng lại. 
Thị trường cổ phiếu nhìn chung chỉ là câu chuyện về dòng tiền. Mọi lý lẽ dự báo một đợt sụt giảm mạnh của cổ phiếu Mỹ đều có cơ sở, nhưng dự đoán được thời điểm chính xác của những sự kiện này trong tương lai là một điều gần như không thể. Hơn nữa, nếu đúng như dự đoán của Deutsche Bank, một mức sụt giảm 13% cũng không phải là khủng khiếp. Trong lúc không biết khi nào cổ phiếu Mỹ sẽ giảm thì nó cứ đi lên nếu tiền tiếp tục đổ vào đây.
Thế nhưng, cổ phiếu Mỹ tăng không có nghĩa cổ phiếu các nước khác sẽ tăng. Đơn giản vì diễn biến dòng tiền, lợi nhuận doanh nghiệp và tâm lý nhà đầu tư mỗi nước mỗi khác. Trong khi kinh tế Mỹ vững mạnh thì kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với nợ xấu ngân hàng (thêm một vài ngân hàng đã được Nhà nước hỗ trợ) và nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan cũng có vẻ đang đi thẳng vào một đợt suy thoái với số doanh nghiệp vỡ nợ gia tăng. Tình hình kinh tế châu Âu, một đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam cũng không mấy sáng sủa. 
Vì vậy, dòng tiền và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp của mỗi nước sẽ có một câu chuyện khác nhau. Hãy đừng chỉ nhìn sang Mỹ mà quyết định đầu tư ở Việt Nam. Hãy nhìn vào xu thế dòng tiền và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp ở Việt Nam. 

Các tin khác