Cổ phiếu chứng khoán đang trong giai đoạn 'bong bóng'

(ĐTTCO)- So với những năm trước, việc phát hành cổ phiếu (CP) tăng vốn của các công ty chứng khoán (CTCK) đã dễ thở hơn rất nhiều, thậm chí còn nhận được sự đồng thuận từ các cổ đông. Tuy nhiên, trào lưu tăng vốn như hiện nay dễ dẫn đến những hệ lụy không chỉ với bản thân CTCK, mà còn tác động xấu đến thị trường chung.
Cổ phiếu chứng khoán đang trong giai đoạn 'bong bóng'
Quá nhanh, quá nóng
Phiên giao dịch ngày 15-6, mã VCI (CTCK Bản Việt) bất ngờ tăng vượt mốc 100.000 đồng/CP. Ở mức giá này, VCI trở thành CTCK đầu tiên trên thị trường có thị giá vượt mốc 3 con số. Nếu lấy điểm xuất phát là 46.100 đồng/CP thời điểm đầu tháng 2, thì VCI đã ghi nhận mức tăng lên đến 120%.
Động lực tăng giá của VCI bao gồm 2 đợt sóng: đợt sóng trong tháng 5 nhờ thông tin về kết quả kinh doanh quý II, và đợt sóng gần đây liên quan đến thông tin CTCK này sẽ phát hành 166,5 triệu CP để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 1:1.
Trước đó, CTCK VNDirect (VND) cũng có đợt sóng tăng đến sát ngày giao dịch không hưởng quyền (ngày 10-6) lên mức 57.600 đồng/CP. Với mức giá này, VND cũng ghi nhận mức tăng hơn 100% so với thời điểm đầu năm.
Lý do nhà đầu tư (NĐT) tranh mua VND cũng đến từ kế hoạch chào bán 214,5 triệu CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá bán 14.500 đồng/CP. Ông lớn của ngành là CTCK Sài Gòn (SSI) cũng ghi nhận đỉnh cao lịch sử 53.000 đồng/CP ở phiên giao dịch ngày 14-6.
Tương tự các trường hợp trên, SSI ghi nhận mức tăng 100% so với thời điểm đầu năm, với động lực chính cũng xuất phát từ thông tin phát hành CP. Cụ thể, SSI lên kế hoạch phát hành 329 triệu CP thưởng (tỷ lệ 6:2) và chào bán 110 triệu CP với giá 10.000 đồng/CP (tỷ lệ 6:1).

Tăng vốn để phục vụ margin
Theo VND, mục đích chào bán tăng vốn điều lệ 5.300 tỷ đồng nhằm bổ sung cho hoạt động đầu tư vào các giấy tờ có giá trên thị trường, bổ sung cho hoạt động bảo lãnh phát hành CK và bổ sung cho hoạt động phát hành và phân phối chứng quyền có bảo đảm.
Tuy nhiên, mục đích chính là bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Đây cũng là mục đích chính của đợt tăng vốn lên gấp đôi với trường hợp của VCI.
Tương tự, đợt phát hành CP tăng vốn lên 11.000 tỷ đồng sắp tới của SSI sẽ giúp doanh nghiệp này trở thành CTCK có vốn điều lệ lớn nhất, gấp đôi vốn điều lệ của CTCK ở vị trí thứ 2 là Mirae Asset (5.455 tỷ đồng).
Mục đích chính của SSI trong đợt tăng vốn sắp tới là bổ sung nguồn vốn hoạt động cho vay margin. Ở chiều ngược lại, những CTCK nhỏ cũng đua nhau tăng vốn để bổ sung vốn cho vay margin, thậm chí tăng vốn “khủng” từ con số vài chục tỷ đồng lên mốc 1.000 tỷ đồng để đáp ứng tiêu chí cho vay margin.
Đơn cử là CTCK Đà Nẵng (DSC) lên kế hoạch tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. CTCK APG (APG) phát hành CP tăng vốn hơn 340 tỷ đồng cùng với 140 tỷ đồng và dành 41% số vốn phát hành mới này để cho vay margin.
Theo giới phân tích, động lực giúp cho các CTCK mạnh tay tăng vốn để phục vụ hoạt động cho vay margin là tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh này rất lớn. Nguồn thu nhập từ cho vay margin cũng là yếu tố góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực cho các CTCK trong quý đầu của năm.
Theo thống kê, 31/35 CTCK niêm yết có lợi nhuận trước thuế đạt tổng cộng 3.716 tỷ đồng, tăng gần 46 lần so với mức 81,4 tỷ đồng đạt được trong quý I-2020. 
Với mức lãi suất cho vay margin tại các CTCK thường vào khoảng 12-14%/năm, trong khi huy động đầu vào thường khoảng 8%/năm đã giúp các CTCK thu về khoản lợi nhuận không nhỏ từ hoạt động cho vay.
Thậm chí, một số CTCK đã tung ra các hình thức huy động từ việc "hợp tác đầu tư", tận dụng nguồn tiền chưa giao dịch của khách hàng với lãi suất huy động thấp để cho vay margin. Với các CTCK ngoại, lợi nhuận từ cho vay margin còn cao hơn do nhận được nguồn vốn tài trợ thấp hơn so với các CTCK nội.

Rủi ro “bong bóng”
Sự bùng nổ về thanh khoản thị trường thời gian qua không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền margin. Theo ước tính, dư nợ cho vay margin trên toàn thị trường tính tới cuối quý I-2021 vào khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương 4,8 tỷ USD) và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam.
So với quý trước đó, dư nợ cho vay của các CTCK trên thị trường đã tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh cho vay margin thời gian qua khiến không ít CTCK đã ở ngưỡng giới hạn và khó có thể cho vay được nữa khi quy định hiện chỉ cho phép CTCK cho vay tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu.
Theo các chuyên gia CK, hoạt động cho vay margin đang ở mức kịch trần và thậm chí đang được đẩy lên ngưỡng cao hơn khiến cho nhóm CP của CTCK nói riêng và thị trường chung bước vào giai đoạn rủi ro. Đây là nhận định hoàn toàn có cơ sở nếu nhìn vào diễn biến của thị trường trong phiên giao dịch tuần vừa qua.
Trong những phiên giao dịch này, phần lớn các mã CP của các CTCK đều lao dốc mạnh, từ 3-10% với những mã trên sàn HoSE và HNX và gần 15% với những mã đang niêm yết trên UPCoM. Dự báo, những phiên “đổ đèo” như thế này với nhóm CP của CTCK sẽ còn diễn ra thường xuyên hơn.
Những phiên giảm mạnh như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch phát hành CP của các CTCK, đặc biệt là các CTCK nhỏ đang giao dịch quanh mệnh giá. Giả sử, nếu phát hành thành công thì các CTCK cũng đứng trước áp lực lớn. Đó là làm sao duy trì kết quả kinh doanh tương ứng với phần vốn tăng theo như: phương án tăng vốn, doanh thu, lợi nhuận, cổ tức và hơn thế là tác động đến giá của CP đang giao dịch. 
“Nếu không đảm bảo được mức độ lợi nhuận sau khi tăng vốn thì sẽ gây nên áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp, bởi khả năng chi trả cổ tức sẽ khó khăn hơn. Còn đối với thị trường, rất có thể sẽ rơi vào trạng thái hụt hơi trong ngắn hạn do có sự dịch chuyển của dòng tiền và đặc biệt là khả năng “bội thực” nguồn cung khi số CP này về ồ ạt đổ về tài khoản NĐT” - một chuyên gia CK cảnh báo.

Các tin khác