CK Hoa Kỳ 2-8: Giảm 6 ngày liên tiếp

(ĐTTC) - Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, CK Hoa Kỳ tiếp tục giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn chưa yên tâm về cách giải quyết trần nợ công của các nhà chức trách, trong khi báo cáo của ngành sản xuất không được như mong đợi.

Chỉ số Standard & Poor’s 500 giảm 6 ngày liên tiếp, với mức giảm 0,4%, còn 1.286,94 điểm. Vào đầu phiên giao dịch, chỉ số này tăng 1,2%, nhưng sau đó giảm tới 1,4% và cuối cùng phục hồi đôi chút sau khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner lên tiếng ủng hộ kế hoạch về trần nợ của lưỡng đảng. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 10,75 điểm (0,1%) sau khi tăng 139 điểm và giảm 145 điểm.

“Thị trường diễn biến đầy kịch tính. Giới đầu tư hoàn toàn thất vọng với dữ liệu kinh tế yếu kém” - theo John Carey, một giám đốc tiền tệ của Pioneer Investments – công ty đang quản lý 250 tỷ USD.

Tuần trước, chỉ số S&P 500 có một tuần giảm điểm sâu nhất trong vòng 1 năm, do những tác động tiêu cực từ thái độ chần chừ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ công của Chính phủ và Quốc hội. Chỉ số này giảm 3 tháng liên tiếp vào tháng 7 do quan ngại đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể đạt được một thỏa thuận về việc nâng trần nợ trước hạn chót 2-8.

Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu về dự luật thỏa hiệp giữa 2 đảng vào khuya ngày 1-8 (giờ Hoa Kỳ). Hiện chưa có kết quả được công bố, nhưng theo tiết lộ của các nhân vật chủ chốt trong 2 đảng, nhiều khả năng dự luật sẽ được thông qua. Lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện Eric Cantor nói Hạ viện sẽ thu thập đủ số phiếu để thông qua dự luật, trong khi Chủ tịch Hạ viện Boehner nói các mục tiêu của ông đã đạt được và dự luật là một “cú bắn tốt nhất” để cân bằng ngân sách.

Đà tăng điểm vào đầu phiên của CK Hoa Kỳ bị chặn lại sau khi một báo cáo cho biết hoạt động sản xuất của nước này trong tháng 7 tăng chậm nhất 2 năm, cho thấy động lực kéo nền kinh tế bắt đầu bị mất sức. Chỉ số Quản lý cung ứng (SMI) giảm còn 50,9 điểm vào tháng 7, sau khi đạt 55,3 điểm hồi tháng 6.

Trước đó, các nhà phân tích chỉ dự báo mức giảm 54,5 điểm. Chỉ số sản xuất của châu Á và châu Âu cũng giảm trong tháng 7 do nhu cầu yếu đi.

Các tin khác