Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

TTCK đang trong hoàn cảnh hết sức nguy ngập khi VN Index và cả HNX liên tục “đổ đèo” với tốc độ kinh hoàng trong những phiên giao dịch gần đây.

TTCK đang trong hoàn cảnh hết sức nguy ngập khi VN Index và cả HNX liên tục “đổ đèo” với tốc độ kinh hoàng trong những phiên giao dịch gần đây.

Đến phiên giao dịch ngày hôm qua 25-5, thị trường tiếp tục chứng kiến cảnh bán tháo không ngừng nghỉ trong phiên thứ 10 liên tiếp và VN Index mất gần 100 điểm trong 10 phiên giao dịch này. HNX còn thê thảm hơn khi liên tục phá đáy và hiện đứng dưới ngưỡng 70 điểm. Điều đáng lo ngại là các NĐTNN cũng quay đầu bán ròng như NĐT trong nước, khiến cho thị trường không còn động lực tăng điểm.

Có thể đúc kết diễn biến của TTCK trong những ngày gần đây qua các động thái: các NĐT chuyên nghiệp bán tháo CP; CTCK đẩy mạnh bán giải chấp CP; sức ép tâm lý khá nặng nề lên NĐT. Thông thường, NĐT hy vọng khi thị trường giảm sâu và tâm lý bán tháo bao trùm thì lực cầu bắt đáy sẽ gia nhập thị trường, đẩy thanh khoản gia tăng và dần dần đưa thị trường đảo chiều phục hồi. Thế nhưng, thực tế lại đang diễn theo hướng ngược lại. Dù thanh khoản của thị trường đang có dấu hiệu được cải thiện nhưng con số 600-700 tỷ đồng vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng cũng như chưa đủ lực để tạo kỳ vọng cho thị trường trong giai đoạn u ám này.

Trong khi mặt bằng giá mới cao hơn trong nền kinh tế dần được người dân chấp nhận và làm quen, một mặt bằng giá mới thấp hơn cũng đang hình thành trên TTCK Việt Nam. Theo thống kê của StoxPlus, tính từ thời điểm 11-5 (trước khi quá trình lao dốc của VN Index được khởi động) cho tới phiên đóng cửa ngày hôm qua, tổng vốn hóa thị trường trên sàn HOSE đã bốc hơi trên 94.000 tỷ đồng. Con số tương ứng trên sàn HNX là 11.470 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng trong 2 tuần nay, các NĐT tham gia thị trường đã chứng kiến tổng số tiền là khoảng 105.479 tỷ đồng bị tan chảy.

Một điều nghịch lý đang xảy ra là khi đà tăng của giá cả hàng hóa đang có dấu hiệu bị chặn lại, đà giảm của TTCK vẫn tiếp diễn theo chiều hướng xấu hơn. Đà giảm này đang đẩy NĐT chìm sâu trong cơn ác mộng giải chấp. Áp lực giải chấp xuất phát một mặt từ diễn biến tiêu cực của giá CP và mặt khác từ áp lực thu hồi vốn của các NHTM đã hạn chế đáng kể nguồn vốn đòn bẩy của các CTCK. Cơn ác mộng này sẽ còn tiếp tục hiện hữu vì hiện tại các chỉ báo như RSI, Momentum, Stochastic Oscillator đều đang biến động sâu dưới mức quá bán như hiện nay, chiều hướng suy giảm của thị trường có lẽ sẽ còn kéo dài thêm vài phiên nữa. Thậm chí, nhiều ý kiến bi quan cho rằng VN Index là cái "thùng không đáy” vì hoạt động giải chấp thường gây ra việc tăng đột biến của lượng cung CP ở các vùng giá thấp.

Với đà bán tháo CP như hiện nay, thị trường đang thuộc về người mua. Thế nhưng, theo phân tích của một chuyên gia, rủi ro đang thuộc về những người mua nếu xét trong ngắn hạn. Thực tế, thị trường thường giảm sâu về cuối phiên khiến cho đa số NĐT mất phương hướng ngay cả với quyết định mua bắt đáy.

Đứng trên quy luật tự nhiên, VN Index sẽ giảm tới một mức giới hạn nào đó rồi lại có thể đảo chiều tăng trở lại. Thế nhưng, viễn cảnh này cũng chỉ là hy vọng mong manh cho sự khởi sắc của TTCK. Sự thật, với một NĐT chưa có nhiều kinh nghiệm cũng có thể nhận ra rằng TTCK sẽ khó có cơ hội tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay. Mới đây, một chuyên gia phân tích ngoại có nhiều năm kinh nghiệm tại TTCK Việt Nam khi đưa ra dự báo về TTCK cũng chỉ dám tiên đoán thị trường sẽ cải thiện nhẹ từ quý III. Rõ ràng TTCK đang trong giai đoạn hết sức ảm đạm và cần thời gian dài để đi hết đường hầm không ánh mặt trời.

Các tin khác