Chiến lược giao dịch từ tháng 8

(ĐTTCO) - Hai thông điệp đưa ra đầu tháng 8 đã gây ra cú sốc lớn đối với kinh tế thế giới cũng như kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam: giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với NĐT, chiến lược đầu tư nào trong thời gian này, nhất là từ tháng 8?

Việc FED giảm lãi suất 0,25% mà không phải 0,5% như dự kiến, khiến NĐT toàn cầu thất vọng, đồng thời bỏ ngỏ kịch bản giảm tiếp vào giai đoạn cuối năm trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang mạnh lên, cho thấy những bất ổn và khó khăn mà Mỹ đang phải đối mặt.
Thế nhưng, thông điệp khiến NĐT lo lắng là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ đầu tháng 9 tới. Như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bị đẩy lên tầm cao mới và trở lên trầm trọng hơn. Kinh tế vĩ mô toàn cầu đang đứng trước những rủi ro mới.  
Tâm trạng lo âu xen lẫn nỗi thất vọng từ phía NĐT, bởi họ không thể lý giải được việc tại sao kinh tế Việt Nam đang khởi sắc, đang là điểm đến của dòng tiền đầu tư nước ngoài, thị trường lại khó vượt qua mốc 1.000 điểm - ngưỡng kháng cự mạnh - đến như vậy.
Chiến lược giao dịch từ tháng 8 ảnh 1 Ảnh minh họa.
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, 995-1.000 điểm được coi là vùng kháng cự tâm lý rất mạnh, VN Index phải tăng và điều chỉnh rồi kiểm tra lại “cứ điểm” quan trọng này vài nhịp mới có thể vượt qua, tiến đến các mốc cao hơn như 1.080-1.100 điểm. 
Tháng 7 âm lịch mà người Việt ngại đầu tư đã bắt đầu, thị trường điều chỉnh cùng pha với diễn biến điều chỉnh tiêu cực của TTCK toàn cầu. Vậy NĐT cần áp dụng chiến lược giao dịch nào để bảo toàn vốn và kinh doanh cổ phiếu (CP) có lãi?
Động thái đứng ngoài thị trường hay bắt đáy từng phần? Mua trung bình giá xuống hay bán cắt lỗ? Tuân thủ trường phái đầu tư giá trị là mua bán CP theo xu hướng (trend) tăng của các CP khu công nghiệp, tiện ích, cao su? 
Chúng ta cùng đưa ra một số lý do giải thích biến động của thị trường để chỉ ra chiến lược giao dịch tối ưu nhất hiện nay.

Kiên trì cơ hội đầu tư tốt
Nếu theo dõi diễn biến TTCK Mỹ hay bất kỳ TTCK nào đó trên thế giới, chúng ta đều có chung nhận định thị trường luôn có những biến động thăng và trầm. Dao động lên xuống theo chu kỳ kéo dài từ vài tuần cho đến vài năm, hàng chục năm và kể cả trăm năm. TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ khi diễn biến VN Index tăng/giảm liên tục qua các năm và rất khó dự báo chính xác thời điểm biến động của thị trường.
Điều duy nhất chúng ta có thể nhận định, là thị trường luôn tăng trưởng trong dài hạn - khi nền kinh tế còn duy trì tốc độ tăng trưởng và mở rộng quy mô về lượng cũng như chất. 
Trong tháng 8 này, thị trường đang biến động tiêu cực và có vẻ không thuận lợi cho giao dịch chứng khoán, nhưng lại là cơ hội tìm kiếm các khoản đầu tư giá hời, khoản đầu tư bị thị trường bán tháo mỗi khi đại bộ phận NĐT rơi vào trạng thái bi quan. 
Trường phái đầu tư giá trị vốn nổi tiếng với phương châm: Kiên nhẫn nắm giữ các CP đang bị định giá thấp hơn so với tài sản ròng, giá trị sổ sách và giá trị nội tại của doanh nghiệp. Tức mua và nắm giữ CP thị giá thấp hơn nhiều so với mức định giá cơ bản của doanh nghiệp, là chiến lược sáng suốt nhất.
Tư duy cốt yếu ở đây với người đang tham gia TTCK là bỏ qua những biến động thất thường của thị trường, hãy chú ý đến những cơ hội đầu tư riêng lẻ. Nếu tháng 8 không thuận lợi cho giao dịch CP với người đầu cơ ngắn hạn, lại là tháng thuận lợi cho NĐT nhẫn nại đi tìm cơ hội đầu tư tốt để mua vào và nắm giữ dài hơi.

Sàng lọc từng cơ hội
Nhiều NĐT thường mắc những sai lầm cố hữu, đó là mong muốn, cố gắng dự báo được hướng đi của thị trường để đưa ra các quyết định giao dịch ngắn hạn. Ngay những chuyên gia phân tích kỹ thuật vẫn mắc nhiều sai lầm khi đưa ra các dự báo về hướng đi của thị trường. Hoặc các chuyên gia đầu tư, chuyên gia tài chính khi tham gia thị trường đôi khi hiệu quả không cao. Vậy cơ hội nào dành cho NĐT không chuyên? 
Nguyên tắc khi tham gia TTCK là hãy tự mình sàng lọc ra các cơ hội hơn là bám theo thị trường để “đánh quả”. Chiến lược đầu cơ CP luôn được mặc định dành cho các “tay chơi” chuyên nghiệp hơn là các NĐT nghiệp dư.
Để hạn chế được rủi ro ngay cả khi thị trường không thuận lợi, chỉ có cách duy nhất đối với nhà giao dịch CP là chọn lựa kỹ lưỡng CP trước khi giải ngân. Chúng ta có thể không có khả năng dự báo thị trường, nhưng có thể tìm ra những CP đáp ứng những tiêu chuẩn đầu tư khắt khe nhất. Chỉ những CP được chọn lựa kỹ lưỡng mới mang lại cho NĐT giấc ngủ ngon hàng đêm.

Để mắt những CP bị quên lãng
Một trong nhiều sai lầm tệ hại của NĐT là chọn mua vào CP đang có tin tức tốt, CP đang được đồn thổi có nhiều dự án triển vọng, CP đang có doanh thu/lợi nhuận tăng đột biến và tất nhiên CP đang ở mức giá rất cao. Nếu thị trường đang quan tâm đến nhóm CP Viettel như VTP, VGI hay CTR, NĐT cũng rất dễ ấn tượng với đà tăng giá của các CP này.
Việc tham gia các CP đang lên và không hiểu rõ nền tảng cơ bản của các doanh nghiệp này, rõ ràng chúng ta đang mạo hiểm với chính đồng vốn của mình. Cho dù giai đoạn giải ngân có thể hợp lý, nhưng chúng ta không có khái niệm về giá trị của doanh nghiệp và giao dịch mua bán các CP này phụ thuộc vào may rủi nếu không bán chúng đúng thời điểm. 
Như vậy, phương châm của các NĐT cẩn trọng là hãy chọn lựa những CP tốt nhưng chưa tăng giá, hãy chú ý đến những cơ hội đầu tư  khi thị trường ít ai để ý. Đây có lẽ là chiến lược hiệu quả khi chúng ta mua được những CP tốt ở mức giá hời.  

Các tin khác