Dự thảo thay thế Thông tư 09

Chặt chẽ nhưng khó khả thi

Việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư 09 về công bố thông tin (CBTT) trên TTCK là cần thiết, nhất là khi sửa đổi, bổ sung Luật CK đã đưa ra nhiều quy định mới.

Việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư 09 về công bố thông tin (CBTT) trên TTCK là cần thiết, nhất là khi sửa đổi, bổ sung Luật CK đã đưa ra nhiều quy định mới.

Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), Thông tư 09 cũng có một số bất cập, do quy định về CBTT dựa trên đối tượng (công ty đại chúng, công ty niêm yết…) nên không đảm bảo về quyền được cung cấp thông tin đầy đủ đối với công ty đại chúng có quy mô vốn và số lượng cổ đông lớn. Rủi ro sẽ đến với các cổ đông, NĐT khi những doanh nghiệp lớn này chưa niêm yết và cũng không phát hành thêm CP trong khi cổ đông vẫn có nhu cầu chuyển nhượng.

Hay như quy định về báo cáo trước ngày giao dịch của cổ đông lớn hiện nay chưa theo thông lệ chung và cũng không thực sự hiệu quả. Bởi trên thực tế nhiều cổ đông lớn dù đăng ký nhưng gặp nhiều khó khăn trong mua bán nên không thực hiện được và cũng không có quy định ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc mua bán. Thậm chí có những cổ đông lớn còn lách quy định này bằng cách vừa đăng ký mua vừa đăng ký bán. Điều này đã dẫn đến những tín hiệu thông tin không rõ ràng đối với NĐT nhỏ.

Để khắc phục những tồn tại trong Thông tư 09, dự thảo mới đã phân đối tượng CBTT theo quy mô và số lượng cổ đông. Lớp 1 bao gồm công ty đại chúng quy mô lớn có vốn 120 tỷ đồng và 300 cổ đông trở lên. Đối tượng này sẽ phải chịu các quy định về CBTT khá chặt chẽ như: báo cáo tài chính (BCTC) năm được kiểm toán bởi công ty kiểm toán được chấp thuận; BCTC bán niên có sự soát xét của tổ chức kiểm toán được chấp thuận; bổ sung báo cáo vốn chủ sở hữu trong BCTC năm; BCTC phải thể hiện song ngữ…

Đối với lớp 2 gồm các công ty có vốn trên 30 tỷ đồng và dưới 300 cổ đông, quy định về CBTT sẽ nhẹ hơn, như không phải CBTT về BCTC bán niên; không yêu cầu báo cáo bằng tiếng Anh. Lớp 3 sẽ bao gồm các công ty đại chúng khác (không phải công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn) BCTC năm chỉ cần có sự tham gia của kiểm toán độc lập.

Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD), quy định cứng số lượng cổ đông 300 người trong phân lớp 1 về CBTT là khó thực hiện. Trong xử lý thực hiện quyền cho cổ đông VSD nhận thấy số lượng cổ đông tương đối biến động.

Chẳng hạn, có những doanh nghiệp số lượng cổ đông tại một thời điểm dưới 100 người nhưng chỉ sau vài phiên giao dịch lại lên trên 100 người. Do đó, quy định số lượng cụ thể như trên chỉ nên đặt vào từng thời điểm. Đại diện HNX cũng cho rằng quy định CBTT theo quy mô doanh nghiệp dựa trên kinh nghiệm quốc tế, tuy nhiên, để triển khai tại Việt Nam sẽ gặp phải một số khó khăn cho cơ quan quản lý trong giám sát việc thực hiện nghĩa vụ CBTT của công ty đại chúng.

Đối với công ty đại chúng chưa đăng ký với VSD, cơ quan quản lý chưa có cơ chế giám sát hiệu quả trong khi số lượng tương đối lớn (1.000 doanh nghiệp) và phải hoàn toàn dựa trên báo cáo của doanh nghiệp (có thể doanh nghiệp báo cáo sai).

Đại diện HNX cho rằng thực hiện phân lớp CBTT nên theo vốn điều lệ, không căn cứ theo số lượng cổ đông. Sau khi có hệ thống quản lý giám sát hiệu quả sẽ thực hiện theo những quy định về vốn và số lượng cổ đông.

Các tin khác