Cẩn trọng hồi sinh cổ phiếu siêu nhỏ

(ĐTTCO)-Sự xuất hiện dòng tiền từ những NĐT mới đang thổi luồng sinh khí mới vào nhóm CP nhỏ và siêu nhỏ trên TTCK. Nếu mức tăng của những mã CP lớn thường chỉ tính bằng phần trăm, những CP nhỏ này phải tính bằng lần. Tuy nhiên, lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro và NĐT không tỉnh táo mua vào, nếu CP đạt đỉnh nhưng không thể bán cắt lỗ khi CP quay đầu. 
Cẩn trọng hồi sinh cổ phiếu siêu nhỏ
CP nhỏ dậy sóng
Trong thời gian dài, mã PPI (CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương) chỉ giao dịch quanh mức giá 300-500 đồng/CP. Tuy nhiên, chỉ trong 6 phiên giao dịch gần đây, PPI bất ngờ tăng “dựng đứng” từ 300 đồng/CP lên 1.000 đồng.
Đáng chú ý, trong những phiên giao dịch này, thanh khoản của PPI tăng vọt, lệnh đặt mua lên đến hàng triệu CP mỗi phiên. Với mức tăng này, NĐT chỉ cần mua vào ở mức giá 300 đồng/CP, tài khoản đã nhân 3,3 lần trong vòng hơn 1 tuần.
Tương tự, mã NHP (CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu NHP), từ mức giá 300 đồng/CP tăng vọt lên 800 đồng/CP chỉ trong 5 phiên giao dịch, tương đương mức tăng lên đến 2,6 lần. Mã VHG (CTCP Cao su Quảng Nam) cũng ghi nhận mức tăng 2,6 lần sau 8 phiên giao dịch, từ 500 đồng/CP lên 1.300 đồng/CP.
Với nhóm CP có mức giá hơn 1.000 đồng, ITA (CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo) gây ấn tượng mạnh với giới đầu tư, khi tăng mạnh từ dưới 2.000 đồng/CP lên hơn 6.000 đồng/CP (tương đương tăng hơn 3 lần). Mã HQC (CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân) cũng ghi nhận chuỗi tăng giá kéo dài, giúp giá CP tăng gấp đôi từ mức giá 1.000 đồng/CP lên hơn 2.000 đồng/CP.
Chuỗi tăng điểm kéo dài kể từ tháng 4 đến nay cũng giúp SJF (CTCP Đầu tư Sao Thái Dương) ghi nhận mức tăng hơn 3 lần, khi tăng từ đáy chỉ hơn 1.100 đồng/CP lên hơn 3.600 đồng/CP. Hay DRH (CTCP DRH Holdings) tăng từ đáy 2.800 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 1-4) lên gần chạm mốc 9.000 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 11-6).
Đáng chú ý, sóng CP nhỏ thậm chí đi ngược xu hướng chung của thị trường. Đơn cử, trong những phiên lao dốc của VN Index, khi những mã CP lớn giảm mạnh và rơi vào tình trạng dư bán sàn, các mã CP trên vẫn tăng hết biên độ với lượng dư mua trần hàng triệu đơn vị. 
Lợi nhuận khủng
Việc những mã CP nhỏ và siêu nhỏ bất ngờ tăng mạnh trong những phiên giao dịch gần đây, đã khiến giới đầu tư trên TTCK hết sức bất ngờ. Thế nhưng, với những NĐT có kinh nghiệm, đây là hiện tượng bình thường khi chứng kiến dòng vốn bất ngờ đổ mạnh vào thị trường thời gian qua.
Theo chia sẻ của một nhân viên môi giới CK tại TPHCM, lượng NĐT mới đến mở tài khoản trong khoảng 2 tháng trở lại đây tăng mạnh. Tâm lý NĐT mới là mua “bắt đáy” khi sau chuỗi giảm giá của thị trường do lo ngại dịch bệnh Covid-19.
Do đó, họ thường có xu hướng chọn những mã CP có giá thấp, thậm chí giá càng thấp càng kích thích họ mua vào. Đây cũng là nguyên nhân khiến những mã CP có giá thấp nhất trên thị trường hiện nay là 200 đồng, như DPS (CTCP Đầu tư phát triển Sóc Sơn) bất ngờ nhận được lệnh mua giá trần hàng triệu CP.
Một lý do khác để lý giải hiện tượng NĐT đổ tiền vào nhóm CP siêu nhỏ, là biên độ giao dịch có thể lên đến 50%/phiên. Đơn cử, mã DPS do giá CP chỉ còn 200 đồng/CP, nên mỗi phiên tăng/giảm, NĐT có thể lời 50% trong phiên. Thậm chí, mức lãi có thể tính bằng lần nếu NĐT mua được trong phiên với giá sàn 100 đồng/CP, trong khi CP kết phiên với giá trần 300 đồng/CP (tương đương mức tăng 3 lần).
Các mã CP có giá cao hơn biên độ dao động sẽ giảm dần. Nhưng nếu so với các mã CP hiện đang giao dịch ở mức giá cao, những mã CP nhỏ và siêu nhỏ luôn là sự lựa chọn của NĐT ưa mạo hiểm. Đơn giản vì chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ, NĐT có thể sở hữu lượng CP lớn và tỷ lệ lợi nhuận khủng, nếu may mắn mua được ở vùng đáy, bán vùng đỉnh.
 
Nỗi lo thanh khoản 
Trong những phiên tăng giá của HQC, thanh khoản của mã CP này tăng rất mạnh với hàng chục triệu CP khớp lệnh, thậm chí có phiên lên đến 81 triệu CP (phiên giao dịch 12-6). Thế nhưng, sau khi leo lên đỉnh 2.380 đồng/CP (phiên giao dịch 16-6), HQC bất ngờ bị bán tháo và quay đầu giảm sàn từ đầu phiên 17-6.
Càng về cuối phiên, lệnh bán giá sàn được đẩy lên mạnh hơn khiến dư bán giá ATC và giá sàn đạt gần 50 triệu CP. “Với lệnh bán mức giá sàn chất đống như vậy, dù đang có sẵn hàng trong tài khoản muốn bán cắt lỗ cũng không được. Chỉ tội những người vừa mua phiên 16-6, hàng chưa về đến tài khoản nhưng đã cầm chắc thua lỗ” - một nhân viên môi giới CK cho biết. 
VHG sau khi tăng lên mốc 1.300 đồng/CP cũng quay đầu giảm ngay trong phiên đạt đỉnh, tiếp đó là chuỗi 3 phiên giảm sàn xuống chỉ còn 900 đồng/CP. Như vậy, nếu mua vào mức giá 1.300 đồng/CP, khi hàng về tài khoản NĐT sẽ chịu mức lỗ lên đến 30%.
Mã SJF dù luôn nằm trong tình trạng “cháy hàng” trong các phiên tăng, nhưng ngay lập tức rơi vào tình trạng không có người mua trong phiên điều chỉnh, khiến NĐT mua CP ở mức giá đỉnh 3.630 đồng/CP như ngồi trên lửa, vì lo ngại không thể bán cắt lỗ nếu CP vẫn trong tình trạng “trắng bên mua”. Đây là tình trạng chung của những mã CP tăng quá nhanh và cũng là rủi ro lớn nhất đối với NĐT. 
Theo một chuyên gia CK, giá CP xuống thấp do doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thậm chí nhiều doanh nghiệp ngấp nghé phá sản. Do giá thấp, chỉ cần vài tỷ đồng các “đội lái” có thể đẩy giá CP lên theo ý muốn.
Bên cạnh đó, với biên độ biến động rộng, khi dòng tiền đầu cơ rút ra, giá CP sẽ nhanh chóng quay đầu giảm về mức đáy ban đầu. Do vậy, nhóm CP này chỉ thật sự thích hợp với những NĐT “đánh nhanh rút gọn”, nắm bắt tốt thông tin hoặc có kỹ năng lướt sóng chuyên nghiệp. 
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khiến giá CP xuống thấp không đến từ hoạt động kinh doanh yếu kém, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn được đánh giá hiệu quả hơn các doanh nghiệp cùng ngành có mức giá cao hơn. Lý do, hoạt động kinh doanh thiếu yếu tố đột biến đã khiến CP không thu hút dòng tiền đầu cơ ngắn hạn, vốn thường là yếu tố tạo nên đột biến cho giá CP. 

Các tin khác