Cẩn trọng “bẫy” báo cáo lợi nhuận

(ĐTTCO)-Mùa báo cáo lợi nhuận quý I-2021 đang đi đến thời điểm cao trào, khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) niêm yết tiến hành đại hội cổ đông và công bố kết quả kinh doanh ước tính trước khi có báo cáo chính thức. 
Cẩn trọng “bẫy” báo cáo lợi nhuận
Với đa số nhà đầu tư (NĐT), kết quả kinh doanh là căn cứ để đánh giá cổ phiếu (CP) vì được xem là yếu tố cơ bản quan trọng. Điều này càng đúng với hàng trăm ngàn NĐT mới lần đầu tham gia thị trường chứng khoán (TTCK). Song hãy thận trọng, đó có thể là cái bẫy suy luận.
Tăng sớm dễ mất đà
Thông thường thời điểm để các DN niêm yết công bố chính thức kết quả kinh doanh quý I hàng năm là từ ngày 20-4 trở đi. Dĩ nhiên không có quy định nào cấm DN công bố trước con số ước tính hay công bố sớm hơn thời điểm này.
Chính vì vậy “mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý” thường là một khoảng thời gian linh động trước thời điểm mà pháp luật quy định.
Đối với các NĐT chuyên nghiệp hay có nhiều kinh nghiệm, việc nghiên cứu, sàng lọc và săn lùng các DN có triển vọng đạt con số lợi nhuận cao hoặc tăng trưởng ấn tượng là nhiệm vụ chính trước khi bước vào “mùa báo cáo”.
Điều này không giống với các NĐT mới lần đầu tham gia thị trường, thường trông chờ vào báo cáo chính thức hoặc thông tin rỉ tai của người khác, hoặc “nghĩ rằng” DN sẽ đạt lợi nhuận tốt. 
Chính vì hoạt động sàng lọc nói trên thường xuyên diễn ra đã tạo nên một hiệu ứng mà giới đầu tư gọi là “giá CP phản ánh trước thông tin”. Biểu hiện của hiệu ứng này khá dễ nhận, khi giá một CP nào đó tăng trước khi có báo cáo lợi nhuận và sau khi con số chính thức hoặc được công khai thì giá lại giảm.
ay khi rất ít NĐT bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu về triển vọng lợi nhuận của CP đó thì dòng tiền thông minh đã thực hiện trước và thu gom, do đó giá tăng. Đến khi số đông nhìn thấy biến động đó và càng đến gần thời điểm công bố chính thức, lực mua càng lớn và giá tăng càng mạnh hơn.
Đến khi mọi thông tin được sáng tỏ, đó là lúc tất cả mọi NĐT đều biết và những ai muốn mua sẽ đổ xô vào mua. Khi dòng tiền đổ vào mạnh nhất sẽ là lúc các NĐT thông minh chốt lời. Giá sẽ trở nên khó tăng hơn, đi ngang, thậm chí là giảm vì dòng tiền trở nên bão hòa.
Thị trường vốn dĩ cứ lặp đi lặp lại chu trình này, dù với các NĐT mới sẽ tương đối khó hiểu. Tại sao một CP có rất nhiều thông tin tốt, lợi nhuận cao mà giá CP lại không tăng được hoặc tệ hơn là gây thua lỗ?
Mọi phân tích cơ bản bỗng nhiên trở nên vô tác dụng trong việc lý giải hiện tượng đó. Đối với những NĐT mới thậm chí còn nảy sinh cảm giác bị lừa, TTCK vô lý, hay cờ bạc bịp. 
Diễn biến của CP ngân hàng những ngày qua là một ví dụ tốt. Tuần qua dồn dập các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh, lợi nhuận đều rất “khủng”, chưa kể Ngân hàng Nhà nước còn sửa đổi quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thế nhưng CP ngân hàng không thể tăng thêm được, nhiều mã sụt giảm đáng kể. Nguyên nhân đơn giản là trước đó đã có hàng loạt phân tích dự báo khả năng thay đổi này, dự báo về lợi nhuận.
Giá hầu hết CP ngân hàng đã tăng mạnh từ 2 tháng trước khi bước vào thời điểm báo cáo lợi nhuận. Chẳng hạn TCB đã tăng khoảng 31% từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 4; MBB tăng khoảng 45%, CTG tăng khoảng 35%, VIB tăng 73%, LPB tăng 57%...
CP ngành chứng khoán cũng vậy. Ai cũng biết thanh khoản thị trường gia tăng đột biến, lượng NĐT mới mở tài khoản khổng lồ, thị trường tăng trưởng giúp lợi nhuận các công ty chứng khoán (CTCK) tăng cao.
Vì thế hoạt động đầu cơ sớm đã diễn ra hàng tháng trời. Ví như HCM đã tăng 38% trong 2 tháng qua, SSI tăng 36%, VND tăng 70%, VCI tăng 44%... Mức tăng giá rất mạnh này sẽ khiến cho con số hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận quý I không còn gì bất ngờ nữa. 

Những cái bẫy đầu cơ
Nếu cứ nghĩ có thể dò đoán đường đi của dòng tiền thông minh, nương theo họ, “đu sóng” cùng họ một cách dễ dàng và nhàn nhã khi biết “đứng trên vai người khổng lồ”, thì NĐT mới lại lạc vào vùng đất của cạm bẫy.
Nắm bắt tâm lý con người, hiểu rõ những cảm giác của các NĐT non kinh nghiệm là lợi thế “ăn tiền” của các nhà đầu cơ sành sỏi. Không phải lúc nào hiện tượng đầu cơ sớm cũng đồng nghĩa với “một cái gì đó tích cực sẽ xuất hiện”.
Tham gia giao dịch trên TTCK cũng giống như tham gia một cuộc chiến, nơi không có sự khoan nhượng hay giúp đỡ lẫn nhau. Vì vậy không phải cứ CP nào tăng sớm nghĩa là đang có hoạt động thu gom từ những dòng tiền thông minh. Có vô vàn cách để đánh lạc hướng các NĐT mới ít kinh nghiệm.
Điểm chung là những cạm bẫy này đánh thẳng vào tâm lý lo sợ mình là kẻ ngốc, tâm lý tìm kiếm một lý do để lý giải một hiện tượng. Hiện tượng tốt sẽ đưa đến một lý do tốt và “một CP tăng giá bất ngờ” nghĩa là “sẽ có thông tin tốt mà mình không biết”. 
Trong mùa báo cáo lợi nhuận, trên các diễn đàn chứng khoán thường xuyên có những topic “hé lộ” về triển vọng lợi nhuận, phân tích cơ bản rất thuyết phục.
Thậm chí những DN lỗ đầm đìa vẫn có thể được tạo kỳ vọng giảm lỗ, hòa vốn hay lãi nhẹ, hay những thay đổi mà thời gian tới sẽ giúp DN vực dậy. Kết quả cuối cùng không cần chính xác, miễn sao các NĐT thấy hợp lý đối với diễn biến tăng giá CP.
Không nhiều NĐT - nhất là các NĐT mới, phân định rõ ràng hoạt động đầu tư với đầu cơ. Lỗi thường thấy là sử dụng các yếu tố cơ bản để biện minh cho hoạt động đầu cơ, hay lẫn lộn giữa nguyên nhân và kết quả.
Thông thường một yếu tố cơ bản tốt hỗ trợ giá CP tăng, nhưng không phải lúc nào một CP tăng cũng có nghĩa là cần một yếu tố cơ bản tốt đằng sau nó.

Các tin khác