'Cá mập' thao túng giá cổ phiếu

(ĐTTCO) - 'Đội lái' và chủ doanh nghiệp tham gia tạo cung cầu giả tạo, đẩy giá cổ phiếu... là những chiêu trò đã và đang tồn tại trên thị trường chứng khoán.
'Cá mập' thao túng giá cổ phiếu

Những cú "kéo" - "xả" bất thường

Mới đây trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) kiến nghị cơ quan này cùng lúc thanh tra tình hình nghẽn lệnh tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cũng cần thanh tra tình trạng các cổ phiếu (CP) “rác”, có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá nhưng không bị phát hiện.
Dù không chỉ thẳng CP nào, nhưng VAFI nhấn mạnh hầu như tất cả nhà đầu tư (NĐT) tham gia thị trường đều biết đến các loại CP “rác” này.
Theo nhiều NĐT chuyên nghiệp, một số dấu hiệu có thể xem là giao dịch bất thường, nghi vấn có bàn tay của “đội lái”.
Chẳng hạn như mã RIC của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia - đơn vị cung cấp dịch vụ casino tại Hải Phòng - liên tục thua lỗ, CP giao dịch dưới 5.000 đồng, thì bỗng dưng từ ngày 11-1 - 4-3 đổi chiều, với 34 phiên tăng trần, đạt đỉnh 46.150 đồng/CP, mức tăng gấp 10 lần. Sau đó, RIC quay đầu với chuỗi giảm sàn 14 phiên, rồi lại tăng trần 8 phiên liên tiếp...
Chuỗi tăng trần và giảm sàn của RIC diễn ra liên tục đến tận ngày 22-4 là điều không bình thường, với những cú kéo và xả hết biên độ cho phép. Hiện CP này xoay quanh giá 18.000 - 19.000 đồng, vẫn cao hơn 4 lần so với đầu năm.
Đáng nói, không chỉ có những cá nhân bên ngoài mà chính những ông chủ doanh nghiệp (DN) cũng tham gia làm giá CP, khiến NĐT khó trở tay.
Ví dụ, có lãnh đạo DN sử dụng các biện pháp để tác động vào diễn biến giá CP, như đăng ký mua bán với lượng lớn CP (nhưng thực chất chỉ mua một lượng nhỏ), đưa ra liên tục các phát biểu về DN, hay chia, tách, phát hành thêm CP.
Lại có khi chủ tịch HĐQT âm thầm “bán chui” CP mà không báo cáo... Điển hình như cuối tháng 5-2019, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) công bố xử phạt bà Hoàng Thị Hoài (Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần PIV, 600 triệu đồng, về tội làm giá CP vì đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá CP PIV.

Liên kết công ty chứng khoán thao túng giá

Phó chủ tịch VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng có tình trạng giá CP thấp hơn nhiều so với mệnh giá CP (dưới 10.000 đồng) trong khoảng thời gian dài, nhưng chủ DN vẫn tiến hành nhiều đợt bán CP mới bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường 40 - 50%.
"Chiêu đẩy giá thông qua việc phát hành thêm CP mới khi giá trên sàn giao dịch ở mức thấp, như trường hợp KSA còn được gọi là “chiêu cho thuê tiền”.
Những ông chủ DN sẽ “thuê” tiền từ DN khác hay các cá nhân có thân quen để sử dụng trong việc mua CP phát hành thêm; sử dụng mua bán tạo cung cầu ảo, đẩy giá lên cao gấp nhiều lần và sau đó thoát hàng", Giám đốc đầu tư một công ty chứng khoán lớn ở TPHCM.
Những thương vụ này NĐT nhỏ lẻ trên thị trường không mua, NĐT giá trị cũng không mua, vậy ai mua, ai tài trợ hay chỉ là vấn đề được tăng vốn điều lệ để bán giấy? Ai có lợi, ai bị thiệt hại và chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm?
Tại sao họ mua cao rồi bán thấp? Chẳng lẽ “NĐT chiến lược” chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỉ đồng hay đó chỉ là thủ thuật mua, sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và DN phát hành có cơ sở bán giấy thu tiền thực?
Ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh: Có DN mua lại công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ giao dịch. Có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong DN, người thân nhưng giao dịch hằng ngày đều do công ty chứng khoán thực hiện.
Điều này có thể dễ dàng xác định với những tài khoản thường xuyên có giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong khi chủ tài khoản chỉ là người lao động có thu nhập bình thường.
Việc DN bắt tay với công ty chứng khoán để làm giá CP cũng không phải là mới.
Điển hình như vụ của Công ty CP công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA). Quá trình điều tra cho thấy vào tháng 9-2015, KSA chào bán hơn 66 triệu CP cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, để tăng vốn điều lệ. Lúc đó giá KSA trên sàn đang giao dịch là 4.300 đồng/CP, nhưng giá bán là 10.000 đồng/CP nên không có cổ đông nào đăng ký mua.
Chỉ có bà Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch HĐQT KSA, đăng ký mua 1,2 triệu CP, số còn lại được phân phối cho 10 DN, cá nhân là người thân, người quen. Để có 560 tỷ đồng nộp vào tài khoản tương ứng với số CP đăng ký mua, ngoài trực tiếp vay tiền ngân hàng, bà Hinh còn nhờ thêm một số cá nhân đứng tên vay tiền.
Sau khi báo cáo và được UBCKNN công nhận kết quả chào bán CP ra công chúng, bà rút tiền trả nợ ngân hàng. Bước tiếp theo là tiến hành giao dịch lượng lớn CP thông qua nhiều tài khoản, để đẩy giá. Bà Hinh và các đồng phạm đã sử dụng 69 tài khoản chứng khoán để giao dịch chéo, tạo cung cầu giả, đẩy tăng giá cổ phiếu KSA, dụ các NĐT nhỏ lẻ “đua theo sóng”.
Cơ quan điều tra cũng xác định trong giai đoạn tháng 12-2015 - 7-2016, có 1.490 NĐT tham gia giao dịch CP KSA và mua, bán hơn 29,7 triệu CP, với chênh lệch giá bán thấp hơn giá mua là 8,1 tỷ đồng, và đây cũng là thiệt hại của các NĐT.
Trong quá trình thao túng giá, bị cáo Hinh đã giao cho Nguyễn Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Môi giới Công ty chứng khoán Maritime Bank - MSI (sau được bán lại cho đối tác Hàn Quốc  và đổi tên thành Công ty chứng khoán KB Việt Nam - KBSV) 34 tài khoản, hằng ngày thực hiện giao dịch chéo giữa các tài khoản để tăng thanh khoản và giá CP KSA...
Tháng 5-2015, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Hinh cùng các đồng phạm về tội thao túng thị trường chứng khoán và tuyên phạt Hinh 18 tháng tù.
Giám đốc đầu tư một công ty chứng khoán lớn ở TPHCM nhận định: Những chiêu trò như KSA đã diễn ra 4 - 5 năm, sau đó mới bị cơ quan điều tra phát hiện thì bản thân NĐT cũng đã mất tiền. Vì vậy, các NĐT cá nhân cần tỉnh táo, không nên để lòng tham dẫn dắt với tâm lý muốn làm giàu nhanh hay chỉ thích lao vào đầu tư những CP tăng trần liên tục với các thông tin ảo bên lề...

Các tin khác