Lệch pha BCTC trước và sau kiểm toán

Bất thường thành bình thường

Báo cáo tài chính (BCTC) trước và sau kiểm toán có chênh lệch quá lớn là hiện tượng bất thường. Nhưng sự bất thường đang xuất hiện với tần suất dày đặc và trở nên bình thường.

Báo cáo tài chính (BCTC) trước và sau kiểm toán có chênh lệch quá lớn là hiện tượng bất thường. Nhưng sự bất thường đang xuất hiện với tần suất dày đặc và trở nên bình thường.

NĐT bị qua mặt

Thông thường vào khoảng cuối tháng 1, các doanh nghiệp (DN) niêm yết sẽ công bố BCTC quý IV và ngày 31-3 là hạn chót để công bố BCTC năm đã qua kiểm toán. Nếu DN minh bạch, xem qua BCTC quý IV có thể biết được kết quả kinh doanh cả năm, còn nếu không minh bạch, phải chờ đến khi BCTC đã qua kiểm toán.

Cũng vì lẽ đó, nhiều DN chủ đích qua mặt NĐT qua BCTC, vì mãi 2 tháng sau mới bị kiểm toán “lật mặt”. Khoảng thời gian này đủ dài để hàng loạt chiêu trò xuất hiện nhằm “triệt” NĐT và cả thị trường.

Sự minh bạch trên TTCK đang thụt lùi, nhất là khi các DN gặp khó khăn.Ảnh: LÃ ANH

Sự minh bạch trên TTCK đang thụt lùi, nhất là khi các DN
gặp khó khăn.Ảnh: LÃ ANH

Cuối tháng 1-2011, DDM (Hàng hải Đông Đô) công bố năm 2010 lãi gần 500 triệu đồng, nhưng mới đây trong BCTC đã được kiểm toán, con số này chuyển thành lỗ hơn 74 tỷ đồng, chênh lệch quá xa so với con số công bố ban đầu, bằng 60% vốn điều lệ, xấp xỉ vốn hóa thị trường của công ty hiện nay và NĐT có quyền nghĩ đến kịch bản phá sản.

Mặc dù vậy, từ tháng 1 đến nay, DDM vẫn có 2 đợt tăng giá, với tỷ lệ tăng trung bình 10% mỗi đợt. Điều chắc chắn là DDM tăng giá không nằm ở nguyên nhân cơ bản, vì khi chưa công bố ra thị trường số lỗ khủng khiếp đó, nếu như DDM lãi 500 triệu đồng cũng bị NĐT xem là quá sức bèo bọt.

Nói DDM tăng giá theo sóng của thị trường cũng không có nhiều cơ sở. Nhiều NĐT nghi ngờ có động thái đánh lên để “xả hàng” DDM ra bên ngoài, do một số cá nhân đã nắm trước được những thông tin xấu.

Tính từ đầu tháng 1 đến nay, tổng KLGD của DDM đạt khoảng 1,55 triệu CP, với mức giá dao động trong khoảng 0.6-0.7, tổng giá trị số CP này khoảng 10 tỷ đồng. Với thực trạng của DDM, có lẽ chỉ những NĐT cá nhân, vốn nhỏ và một số đội lái mới tham gia giao dịch CP này, không loại trừ họ đang phải ôm 1,55 triệu CP “của nợ” từ những người biết tin sớm xả ra bên ngoài.

 Kiểm toán cũng mất giá

Tại mục “Cơ sở ý kiến kiểm toán” trong báo cáo kiểm toán của Ernst &Young dành cho CTCP Cơ điện lạnh (REE) nhận xét rất khó hiểu: “Trong năm 2009, nhóm công ty đã ghi nhận thu nhập từ cổ tức trị giá 31,31 tỷ đồng là tổng mệnh giá của 3,13 triệu CP nhận từ NHTMCP Sài Gòn Thương Tín dưới hình thức cổ tức bằng CP. Cách ghi nhận khoản thu nhập từ cổ tức này đã không nhất quán với chính sách kế toán về việc hạch toán cổ tức bằng CP đang được áp dụng ở nhóm công ty. Trong năm 2010, nhóm công ty đã bán toàn bộ số CP này. Nếu chính sách kế toán trên được áp dụng một cách nhất quán, khoản lợi nhuận trong năm 2009 sẽ giảm và lợi nhuận năm 2010 sẽ tăng với số tiền tương ứng 31,31 tỷ đồng”.

Một NĐT không am hiểu về kế toán kiểm toán, đọc qua đoạn này chắc chắn sẽ rất thắc mắc vì những từ ngữ và cách diễn đạt đều rất khó hiểu, rốt cuộc BCTC của REE có “vấn đề” gì hay không? REE là một DN có tiếng minh bạch, tại sao lại có cách ghi nhận sổ sách kế toán không nhất quán?

Một chuyên gia kế toán - kiểm toán lâu năm chia sẻ, thoạt nhìn công ty kiểm toán có vẻ như nắm vai trò phán quan trong việc định đoạt chuyện đúng sai trong BCTC của DN. Nhưng thực chất, chỉ những công ty kiểm toán nằm trong nhóm Big Four gồm Ernst &Young, KPMG, Deloitte, Price Waterhouse Cooper mới ở thế kèo trên - vì đây là những tên tuổi lớn.

Khi DN được nhóm Big Four kiểm, giá trị công ty sẽ nâng lên, thương hiệu và sự minh bạch được cải thiện. Còn chất lượng nhóm các công ty kiểm toán còn lại rất vô chừng, điều này xuất phát từ cuộc cạnh tranh giành khách hàng vô cùng quyết liệt. Hệ quả có thể dẫn đến những ý kiến loại trừ theo kiểu nửa vời, một bên muốn tỏ rõ sự thận trọng vốn là tiêu chí được đề cao trong ngành kiểm toán, nhưng một bên lại muốn có sự dễ dãi về phía DN mà đây lại là điều tối kỵ.

Một nhân viên từng làm kiểm soát nội bộ của công ty bảo hiểm trong nước kể lại, cách đây vài năm, một vài sếp muốn tỏ rõ cho cổ đông thấy mình minh bạch nên đã thuê công ty kiểm toán nước ngoài về kiểm. Nhưng sau khi đơn vị này kiểm được vài ngày, đã lộ ra quá nhiều sai sót và lợi nhuận giảm mạnh, sếp đã tá hỏa và phải mời một đơn vị trong nước về kiểm, cuối cùng kết quả trước và sau khi kiểm… giống hệt nhau.

Chế tài ở đâu?

Còn nhớ, vào năm 2008 thị trường đã rộ lên phong trào NĐT tìm hiểu cách đọc, phân tích BCTC của DN. Nhưng từ năm 2008 đến nay, chất lượng BCTC của DN vẫn không có nhiều cải thiện, vẫn đầy rẫy những thủ thuật mà ngay cả chuyên gia kiểm toán cũng gặp khó khăn. Như vậy, sẽ là thừa nếu NĐT tin vào những con số trên BCTC và việc học cách đọc BCTC tưởng như góp phần nâng cao chất lượng của NĐT hóa ra lại là một việc làm thừa.

Sự minh bạch của thị trường đang có dấu hiệu thụt lùi, trách nhiệm ở đây không chỉ nằm ở phía các DN mà còn có cả bên các DN kiểm toán. Nhiều người đã có thâm niên trong ngành kiểm toán chia sẻ, chuyện kiểm toán tư vấn cho DN những thủ thuật “lách” hoặc làm sạch BCTC không phải hiếm. Ngay cả NĐT cũng có thể cảm nhận rất rõ điều này thông qua những từ ngữ cực kỳ khó hiểu trên báo cáo kiểm toán.

Một vấn đề khác cũng cần được nói đến là sự bất cân xứng về thông tin giữa các nhóm NĐT. Những cổ đông lớn, với vị thế của mình, có lẽ không cần phải chờ đến khi DN công bố BCTC đã được kiểm toán mới biết doanh thu, lợi nhuận bao nhiêu. Thậm chí chưa hết năm, họ đã nắm rất rõ. Nhưng tại sao không thấy cổ đông lớn nào lên tiếng về vấn đề này mà chỉ im im cho qua chuyện?

Các tin khác