Bán khống

Bán khống (short selling) thường được giới đầu tư gọi tắt là "short". 2-3 năm trước, chỉ những NĐT VIP mới được CTCK cho short, nhưng hiện giờ dịch vụ này đã rất phổ biến.

Bán khống (short selling) thường được giới đầu tư gọi tắt là "short". 2-3 năm trước, chỉ những NĐT VIP mới được CTCK cho short, nhưng hiện giờ dịch vụ này đã rất phổ biến.

Thiên biến vạn hóa

Nếu dựa vào tiêu chí thời gian, sẽ có 2 loại bán khống: Bán khống ngay trong phiên hoặc trong khoảng thời gian 1 tuần trở lên. Bán khống trong phiên chỉ phải ký quỹ khoảng 10% trên tổng giá trị bán kèm theo một số chi phí khác. Nhưng nếu chọn thời hạn dài hơn, tỷ lệ ký quỹ sẽ tăng lên 15 -30% và lãi suất vay dao động trong khoảng 0,9-1,2%/tuần, ký quỹ càng lớn lãi suất càng giảm. Còn một kiểu phân loại khác, nếu NĐT ký hợp đồng mượn CP với CTCK để bán khống sẽ được xem là “chính thống”, còn phi chính thống là mượn hàng từ nhân viên môi giới (broker).

Minh họa: QUỐC HOÀNG

Minh họa: QUỐC HOÀNG

Trong vai một NĐT muốn short, ĐTTC đã đặt câu hỏi với một broker tự do về mức độ an toàn khi ký kết hợp đồng để sử dụng dịch vụ, nhận được câu trả lời như sau: “Nếu anh muốn chơi chính thống thì cứ sang CTCK V., còn nếu ký với tụi em thì sẽ là hợp đồng mượn CP bình thường giữa 2 bên. Sau khi đóng tiền ký quỹ, anh sẽ được short trên tài khoản của tụi em. Mặc dù hợp đồng theo kiểu “giấy tay” nhưng anh yên tâm, tụi em hồi giờ làm việc bằng uy tín, ngành này mà không có uy tín sao có thể tồn tại được”.

Thông thường, đẳng cấp của các broker sẽ được xác định thông qua khả năng chủ động về nguồn hàng có dồi dào và phong phú về chủng loại hay không. Nhiều broker nhỏ chỉ “chạy vạy” kiếm hàng khi có khách yêu cầu trong khi các liên minh lớn dồi dào hơn nhiều. Nhưng có một điểm chung là tất cả đều phải chứa trong kho chính là các CTCK. Làm một phép suy luận đơn giản, CP thường được chọn để bán khống phải là CP có thanh khoản tốt, số lượng CP lớn, sở hữu CP như vậy sẽ là những NĐT lớn hoặc các CTCK lớn. Nói trắng ra cứ đến CTCK có thị phần môi giới lớn, hoặc tự doanh hoạt động mạnh thế nào cũng có hàng để short.

Tính toán để short không dễ

Hiện tại những CP thường được dân đầu tư ưa chuộng để short có thể kể ra như SSI, STB, VND, OGC... nhưng không phải lúc nào cũng có hàng để short. Lấy đơn cử trường hợp một CP nào đó rò rỉ thông tin quý I này làm ăn sẽ bị lỗ, những người nắm giữ CP với số lượng lớn sẽ bán ra ngay để sau đó mua lại (cover) với giá rẻ hơn. Lúc này nhiều người muốn short, broker cũng muốn tìm hàng, nhưng các “chủ hàng” hay “kho hàng” không muốn cũng đành chịu. Muốn short và thắng đậm, phải có những nguồn tin “độc”, đi trước thị trường chứ không phải khi tin đã lan ra rồi mới dáo dác đi tìm hàng. Cách đây 1 năm, khi chứng kiến CTCK Kim Long (KLS) tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 2.025 tỷ đồng, một broker đã “mớm” cho khách hàng trong buổi trò chuyện rằng: Tìm chỗ nào có KLS mượn để short bảo đảm thắng chắc. Không rõ có bao nhiêu khách hàng tin và làm theo chiến lược này, nhưng với broker kể trên hiện giờ vẫn sống rất ung dung, bởi CP KLS liên tục rớt.

Việc bán khống vẫn chưa được phép nên chỉ có một số ít CTCK “liều mạng” đứng ra thương thảo trực tiếp với khách hàng, số còn lại cũng có sản phẩm này nhưng chỉ cho “lính” ra mặt. Cách thức này có phần giống với giai đoạn 2009, một số CTCK thay vì sử dụng tài khoản tự doanh để lướt sóng đã sử dụng tài khoản khách hàng với mục đích ém hoạt động tự doanh và nếu có lỗ cũng không bị “quê”.

Nhưng không phải ai cũng “thần cơ diệu toán” như broker kể trên, muốn short thắng trong tình hình hiện nay không phải dễ dàng. Nguyên nhân chính xuất phát từ diễn biến ảm đạm của thị trường chung hiện nay, kéo theo CP không thể có những biến động mạnh - yếu tố cực kỳ quan trọng để NĐT có thể kiếm tiền nhờ short. Lấy thí dụ như SSI, không dễ để xuất hiện một phiên CP này tăng trần, cuối phiên giảm sàn để đem lại lợi nhuận 10% cho người short. Nhưng nếu short dài hạn liệu có ai đảm bảo CP này sẽ tiếp tục giảm từ 2.2 xuống dưới 2.0 hay không. Vì lẽ đó mà một số broker khi được hỏi đã nói rằng hiện không có hàng SSI do CP này khó short, khách hàng short thua có khi còn mắng lại mình “lừa đảo”.

Thanh khoản cũng là một vấn đề nan giải khác, như việc short ngay trong phiên của STB. CP này thường có biến động khá thấp, chỉ thay đổi vài trăm đồng mỗi phiên, như vậy cần phải short lớn để bù đắp cho phần chênh lệch nhỏ. Thí dụ, NĐT short được 100.000 STB ở giá 14.000 đồng/CP vào đầu phiên và cuối phiên mua vào lại 13.800 đồng/CP, số tiền lời thu về được 20 triệu đồng, trừ đi gần 3 triệu đồng tiền phí còn lãi hơn 17 triệu đồng. Nhưng ai đã chơi STB lên đến con số trăm nghìn đều là NĐT có số má, nên 17 triệu đồng thực chất không thấm vào đâu. Trong thực tế, để có thể bán ra một lúc hàng trăm nghìn STB đúng đỉnh và mua đúng đáy là chuyện quá khó, vì thanh khoản của CP này đã trở nên thất thường, phiên cuối tuần rồi KLGD chưa đạt nổi 500.000 đơn vị. Một CP thanh khoản thấp, chỉ cần một lượng bán ra không lớn đã có thể dìm giá về sàn, trong khi mục tiêu của short phải là bán giá cao.

Khoảng trống thị trường

Sự bất cân xứng về lợi ích, về rủi ro lại là một vấn đề đáng nói hơn. Nhiều CTCK tuyên bố chúng tôi quản trị rủi ro tốt, hệ thống hiện đại, nhưng cuối cùng vẫn dính vào nghi án kẹp hàng AAA do cho NĐT sử dụng đòn bẩy quá đà. Khả năng có thể xảy ra một vụ tương tự AAA liên quan đến bán khống không phải là không có, lúc đó cả thị trường lại phải chịu thiệt.

Theo tiết lộ của một trưởng phòng môi giới lâu năm, không phải bây giờ mới có bán khống mà ngay từ cuối năm 2007 loại hình này đã xuất hiện, nhờ vậy một số ít người vẫn sống khỏe khi thị trường lao dốc vào năm 2008. Rất đơn giản, khi VN Index giảm về 900 điểm, rồi 800 điểm, một số NĐT vẫn cố gắng “ôm hàng” vì tin rằng mức này đã “quá lắm rồi” hoặc “đáy rồi”. Bằng nhiều chiêu trò khác nhau, nhân viên của CTCK có thể lấy hàng đem ra short và sau đó mua trả lại khách hàng. Đây là sản phẩm đã xuất hiện từ rất lâu trên thị trường tài chính. Đặt trong tình hình ảm đạm của TTCK hiện nay cũng có thể thấy được những lợi ích mà người short lẫn bên cung cấp dịch vụ đem lại. Đã từ lâu, nhu cầu có thêm sản phẩm mới của TTCK được nhắc đến như một sự tất yếu. CTCK cũng có cái lý của mình khi nói rằng họ phải tìm mọi cách để giữ chân khách hàng thông qua việc sáng tạo những sản phẩm mới miễn sao không phạm luật.

Công đoạn để CTCK hỗ trợ NĐT short bao gồm: Đầu tiên, CTCK tìm kiếm những NĐT giữ CP với số lượng lớn và thỏa thuận vay lại CP. Ở đây sẽ không có khế ước vay mượn nào hết mà sẽ là hợp đồng hợp tác đầu tư hay ủy thác đầu tư. NĐT hoặc sẽ giao tài khoản của mình cho phía CTCK, hoặc sẽ bán ra lượng CP mà CTCK muốn mượn sang một tài khoản khác. Và sau đó CTCK sẽ đem tài khoản này giao cho những NĐT muốn short. Trong trường hợp bộ phận tự doanh của CTCK có sẵn hàng, công việc sẽ là “chẻ” nhỏ tài khoản tự doanh theo từng số lượng, quy mô khác nhau để phù hợp với yêu cầu của khách. Khi NĐT muốn short sẽ yêu cầu CTCK bán ra và khi nào mua vào thì sẽ thông báo. Có sản phẩm mới, ít nhiều cũng giúp cho thị trường có thanh khoản, broker cũng có thêm việc làm chống lãng phí nguồn lực cho CTCK và đây cũng là điểm tích cực.

Các tin khác