Ai cứu thị trường?

VN Index và HNX Index giảm nhiều phiên liên tiếp đã kéo theo làn sóng giải chấp CK diễn ra tại nhiều CTCK. Theo nhận định của các CTCK và giới đầu tư, kênh đầu tư CK đang ở mức rủi ro cao khi 2 chỉ số đang quay trở lại trong kênh giảm trung và dài hạn tính từ cuối năm 2009. Chính điều này đã khiến NĐT ngắn hạn đang hết sức thận trọng khi giao dịch trong giai đoạn thị trường đang dò đáy.

VN Index và HNX Index giảm nhiều phiên liên tiếp đã kéo theo làn sóng giải chấp CK diễn ra tại nhiều CTCK. Theo nhận định của các CTCK và giới đầu tư, kênh đầu tư CK đang ở mức rủi ro cao khi 2 chỉ số đang quay trở lại trong kênh giảm trung và dài hạn tính từ cuối năm 2009. Chính điều này đã khiến NĐT ngắn hạn đang hết sức thận trọng khi giao dịch trong giai đoạn thị trường đang dò đáy.

Sự sụt giảm mạnh của VN Index và HNX Index được nhìn nhận: Thứ nhất, do những diễn biến của kinh tế vĩ mô không thuận lợi và chưa có dấu hiệu sáng sủa, khiến chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng thắt chặt.

Thứ hai, áp lực giải chấp ngày càng lớn do chỉ số VN Index giảm mạnh khi hoạt động đòn bẩy tài chính năm 2010 quá lớn. Thứ ba, do thời gian dài chỉ số VN Index diễn biến không theo thực tế thị trường, có những phiên hầu hết các CP giảm điểm nhưng VN Index tăng do một số CP có mức vốn hóa lớn như BVH, VIC, MSN chi phối quá lớn.

Gánh nặng thị trường. Minh họa: QUỐC HOÀNG

Gánh nặng thị trường. Minh họa: QUỐC HOÀNG

Từ góc độ chính sách để hỗ trợ TTCK, một lãnh đạo UBCKNN cho biết, đề án phát triển TTCK giai đoạn 2011-2020 đã được báo cáo lên Bộ Tài chính với những biện pháp dài hạn để phát triển ổn định thị trường. Còn trước mắt, nhiều khả năng chỉ trong vài ngày tới, Bộ Tài chính sẽ ký ban hành Thông tư về giao dịch, trong đó sẽ cho phép NĐT được thực hiện một số quy định mới như: mở nhiều tài khoản, cùng mua cùng bán CK trong phiên…

Hiệp hội Kinh doanh CK Việt Nam (VASB) sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN một số giải pháp hỗ trợ thị trường: miễn thuế thu nhập cá nhân đối với kinh doanh CK; miễn, giảm phí phải nộp của CTCK; sớm áp dụng các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường (như mua bán cùng phiên, mở nhiều tài khoản, giảm chu kỳ thanh toán xuống T+2...).

Tuy nhiên, các kiến nghị giải pháp để hỗ trợ thị trường như trên không mới, thậm chí đã cũ bởi đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể được ban hành. Ngược lại, việc mở nhiều tài khoản CK hay được giao dịch cùng loại CK trong phiên thực tế chỉ là hợp thức hóa tồn tại bấy lâu nay; giảm chu kỳ thanh toán lại khó khả thi.

Còn các giải pháp về miễn giảm thuế nếu qua được “cửa” Chính phủ cũng sẽ phải gặp những trở ngại nhất định khi ra Quốc hội. Trong khi đó, với một nền kinh tế đang lạm phát cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt, “cửa” cho CK phục hồi, đi lên rất khó khăn, thậm chí còn được nhìn nhận khó hơn cả năm 2009 (vì khi đó, kinh tế chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nên trong nước vẫn có gói kích cầu hỗ trợ).

Năm 2010, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, lãi suất ở mức cao nhưng doanh nghiệp cũng tương đối “dễ thở” hơn bởi vẫn có kênh huy động vốn khá hiệu quả là TTCK (năm 2010 huy động vốn qua TTCK khoảng 117.000 tỷ đồng). Song năm nay, việc huy động vốn của doanh nghiệp qua TTCK rất ảm đạm.

Tình trạng này tương tự giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009 khi TTCK cũng đối mặt hàng loạt khó khăn: ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, VN Index rơi về đáy, thanh khoản thấp, doanh nghiệp gặp khó trong huy động vốn… Hàng loạt giải pháp mạnh mẽ đã được đưa ra để chặn đà đi xuống của TTCK: siết biên độ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước tung tiền mua CP thanh khoản cao…

Dù một số giải pháp thời điểm đó khó có thể thực hiện được nhưng NĐT vẫn nhìn về giai đoạn trước và đánh giá cao như một sự quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ TTCK.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, cần có sự nhìn nhận xác đáng để có biện pháp hỗ trợ TTCK, bởi đó cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thay vì chỉ nhìn nhận TTCK chỉ là cuộc chơi của các NĐT.

Các tin khác