Bóng đá cho ta điều gì?

(ĐTTCO) - Tôi viết bài báo Xuân cho ĐTTC ngay sau cảm xúc ngất ngây đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam đoạt huy chương vàng SEA Games 2019. Cho đến nay tôi có đến hàng trăm bài báo, nhưng đây là lần đầu tiên viết về bóng đá vì cảm xúc mãnh liệt giống như cảm xúc bùng nổ của 100 triệu người dân cả nước ăn mừng chức vô địch SEA Games 2019. Hồi ức đưa tôi về khoảng thời gian thập niên 1970.
Từ 40 năm trước đến kỳ tích Thường Châu tuyết trắng
Cách nay 4 thập niên, tôi đã từng tìm mọi cách leo lên dàn đèn của sân vận động Thống Nhất từ vài giờ đồng hồ trước đó để chờ xem các trận bóng đá của các đội bóng đá Cảng Sài Gòn-Hải Quan, Thể Công-Cảng Sài Gòn, Tổng Cục Đường Sắt-Hải Quan… Mỗi trận cầu thuở xưa để lại cho tôi dư vị không thể nào quên. Nó tạo ra những vẻ đẹp không môn thể thao nào sánh được ngoài bóng đá. Tinh thần chiến đấu đến tận cùng của sức lực và ý chí, với việc các cầu thủ băng đầu, quấn tay, bó chân chiến đấu đến khi kiệt sức là chuyện thường thấy trong các trận cầu đầy cống hiến thời ấy.
Không phải chỉ có tôi, mà phần nhiều các bạn bè cùng thế hệ mỗi khi trà dư tửu hậu bàn về bóng đá 4 thập niên trước đều có  chung hoài niệm. Tuổi bây giờ cũng đã lớn, cứ tưởng cảm xúc bóng đá phần nào nhạt phai. Lại chứng kiến những câu chuyện tiêu cực bóng đá từ thượng tầng cho đến việc các cầu thủ bán độ, ứng xử kém văn hóa, cùng với lối đá “chém đinh chặt sắt” thịnh hành từ trong nước ra đến sân chơi quốc tế, tôi cứ ngỡ bóng đá Việt đã chết trong lòng tôi thực sự rồi.
Bóng đá cho ta điều gì? ảnh 1
Nhưng mọi thứ đã dần bắt đầu thay đổi vài năm gần đây. Cách đây 2 năm, ắt hẳn không ai quên được bản thiên anh hùng ca tráng lệ mà các chàng trai Việt Nam đã tạo ra trong trận chung kết lịch sử giải vô địch bóng đá U23 năm 2018 tại xứ Thường Châu tuyết trắng-Trung Quốc. Tiếp sau đó là các cảm xúc vỡ oà tại bán kết ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2018 và vô địch AFF Cup 2018. Trong những ngày ấy, tại các công sở, quán xá, trên các chuyến xe, trên khắp các nẻo đường, không có câu chuyện nào khác ngoài bóng đá. Bóng đá thật kỳ diệu. Chỉ có khoảnh khắc đó, một trăm triệu trái tim Việt thật sự có chung cùng một nhịp đập. 
Thành công của đội bóng đá U23 tại Thường Châu đã tạo cảm hứng cho biết bao câu chuyện người Việt có thể làm được bất kỳ điều gì, cho dù đó là điều không thể tin được. Tôi cứ tự hỏi, ước gì ngoài những phút giây liên quan đến các sự kiện bóng đá, một trăm triệu trái tim và khối óc Việt đều có tinh thần chiến đấu mãnh liệt để dân tộc được hùng cường, thịnh vượng, có được niềm vui bất tận chứ không chỉ là một vài ngày sau chiến thắng bóng đá. 
Bóng đá cho ta điều gì? ảnh 2 Với tinh thần dân tộc cùng niềm say mê bóng đá Việt lên cao trào, một doanh nghiệp đã bỏ ra hàng tỷ đồng trao thưởng cho hai đội bóng đá nam và nữ,  lo kinh phí toàn bộ cho 80 cán bộ nhân viên sang Philippines xem trận chung kết bóng đá nam. Ảnh: Minh Tuấn
Một năm sau đó, bóng đá cả nam lẫn nữ liên tiếp gặt hái được những thành công vang dội trên đấu trường quốc tế. Bóng đá nữ vô địch bóng đá Đông Nam Á và SEA Games 2019, bóng đá nam vô địch SEA Games 2019. Không ai không nghẹn ngào khi nhìn thấy cảnh các cô gái Việt Nam nhỏ nhắn liên tục nằm sân vì kiệt sức và chấn thương. Vậy mà họ vẫn chiến đấu đến cùng. Không ai không tự hào và kiêu hãnh khi nhìn các chàng trai bóng đá Việt mưu trí, dũng cảm mang về chiếc huy chương vàng bóng đá lịch sử lần đầu tiên trong 60 năm chờ đợi mỏi mòn.

Vài tản mạn từ những thành công của bóng đá
Tôi tin mỗi người trong chúng ta đều rút ra điều gì đó thiết thực trong cuộc sống từ câu chuyện bóng đá Việt. Đối với người viết, câu chuyện thành công của bóng đá Việt cũng bắt đầu từ sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Cách đây 2 thập niên, sự phát triển của khối kinh tế tư nhân như Hoàng Anh-Gia Lai, Gạch Đồng Tâm-Long An đã tạo nên một cách làm và suy nghĩ mới trong bóng đá. Các đội bóng tư nhân bắt đầu từ nền tảng cơ bản nhất của nó là đào tạo bóng đá trẻ. Thay cho cách làm “xây nhà từ nóc” như của khối doanh nghiệp nhà nước trước đó.
Như là một tất yếu, sớm muộn sự thành công cũng đến với cách làm bóng đá chuyên nghiệp của các ông bầu tư nhân. Bóng đá Việt thành danh trên đấu trường quốc tế ngày nay cũng nhờ vào lứa cầu thủ như Quang Hải, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Công Phượng, Xuân Trường,Tuấn Anh, Tiến Linh, Đức Chinh, Văn Hậu, Thành Chung... Hầu hết trong số họ được đào tạo bài bản ở các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tư nhân của nhiều đội bóng tham dự giải vô địch quốc gia.
Các câu lạc bộ bóng đá tư nhân gặt hái nhiều thành công nhất không chỉ dựa vào cầu thủ ngoại, mà còn dựa vào nòng cốt là các cầu thủ trẻ được đào tạo vô cùng bài bản. Ở các câu lạc bộ bóng đá, các tiền đạo như Tiến Linh, Đức Chinh chỉ mới thỉnh thoảng được tung vào sân thay cho cầu thủ ngoại bị chấn thương mà họ đã đá hay như thế. Nếu được tạo điều kiện nhiều hơn và dựa vào nội lực nhiều hơn, bóng đá Việt sẽ còn sản sinh biết bao tài năng. Nhìn sang láng giềng, mấy ông Tây nhập tịch đá bóng ở Singapore, Philippines là thí dụ của căn bệnh thành tích xây nhà từ nóc.
Kinh tế Việt Nam ngày nay phần nào cũng phảng phất hình ảnh của bóng đá dựa vào mấy ông Tây. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam đã được nhận thấy trong các đổi thay từ cuộc sống người dân. Nhưng cứ hỏi bất kỳ người dân bình thường nào, họ cũng đều thấy nền kinh tế nước nhà giờ cũng không khác gì các quốc gia khu vực nhập tịch mấy ông Tây “chân gỗ” về đá bóng.
Các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI hầu như nắm trọn những ngành nghề trọng yếu mang lại ngoại tệ cho nước nhà. Họ xuất khẩu hàng hóa đem ngoại tệ về nhưng đó là của họ chứ đâu phải của người Việt. Bóng đá Việt nếu chỉ biết dựa vào cầu thủ ngoại, kinh tế Việt nếu chỉ biết dựa vào các doanh nghiệp FDI, thì thôi cũng đừng mơ mộng nhiều đến các khát vọng hay tầm nhìn đến 2030 hay 2045 như các vị lãnh đạo khơi gợi. Tất cả cũng chỉ là những niềm vui phút chốc. Nếu cứ lạm dụng mãi niềm tin của công chúng trong các cảm hứng ngắn hạn, thì một vài thành công mỏng manh của bóng đá cũng như của kinh tế Việt Nam cũng chỉ càng là dấu hiệu báo trước cho những hụt hẫng và thất bại trong tương lai.
Nói đến bóng đá không thể không nhắc đến huấn luyện viên Park Hang Seo với rất nhiều điều để nói. Ông Park có lẽ là ẩn dụ thú vị về câu chuyện Việt Nam thời mở cửa, nhất là trong việc chọn bạn mà chơi. Không ít các nước bạn láng giềng gần xa có những lời khen có cánh cho những thành công của kinh tế Việt Nam. Nhưng bụng dạ họ nghĩ thế nào thì khó biết. Với thầy Park, tình yêu của ông dành cho Việt Nam là điều không thể bàn cãi. 
Vì sao như thế? Đơn giản, ông Park luôn biết cách biến tình yêu ấy thành hành động cụ thể và mang lại thành quả. Ông dùng mọi cách căn cơ nhất để bóng đá Việt đạt thành tích chói lọi trên trường quốc tế. Ông hoàn toàn tin tưởng vào lớp cầu thủ trẻ và cầu thủ nội địa. Đó mới là tình yêu thật sự. Bằng hành động chứ không phải chỉ lời nói đãi bôi. Cũng có những lời nói ngoài miệng của đối tác láng giềng tuy toàn các chữ vàng đấy, nhưng tất cả người dân Việt thì biết rõ lòng dạ người nói muốn gì.

Bóng đá Việt dự World cup - Tại sao không?
Cách đây khoảng 2 thập niên, có một vị lãnh đạo trong làng bóng đá đã từng nhận định “mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng chung của xã hội”. Cho dù có hơi nặng lời, nhưng về nội hàm tôi cho rằng nhận định này hoàn toàn chính xác. Đến nay, tuy vẫn còn nhiều bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện, nhưng cơ cấu tổ chức của bóng đá và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có những thay đổi theo xu hướng hội nhập quốc tế. Bóng đá dần được xã hội hóa. Những can thiệp mang tính hành chính của Liên đoàn Bóng đá vào hoạt động bóng đá và đội tuyển ngày càng giảm hẳn. Với đà này, ước mơ bóng đá Việt tham dự World Cup tương lai không xa và hoàn toàn có cơ sở.
Trong khi đó, cấu trúc quản lý trong thể chế kinh tế Việt Nam dường như không theo kịp những xu thế tất yếu của thời đại. Thể chế kinh tế tuy có nhiều cải cách đáng khích lệ, nhưng về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh”. Nếu không sớm khắc phục, mặt bằng thể chế kinh tế hiện tại sớm muộn cũng hoán đổi với mặt bằng bóng đá của 2 thập niên trước. 
Kỳ tích bóng đá mang đến người dân Việt lòng tự hào. Nhưng quan trọng nhất là mang đến niềm tin. Nếu có tầm nhìn vượt thời đại và cách làm đúng, công chúng ngày càng tin chắc, tương lai không xa bóng đá Việt chắc chắn sẽ góp mặt ở sân chơi World Cup. Ắt hẳn cũng dựa trên những kỳ tích bóng đá tại Thường Châu ngày nào đã khơi gợi về tầm nhìn Việt Nam đến 2045 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển; dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, và khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác”.
Tại sao Việt Nam không thể trở thành quốc gia phát triển và bóng đá Việt không thể tham dự vòng chung kết World Cup? Một dân tộc không có khát vọng mãi sẽ trở thành một quốc gia nhược tiểu. Các cầu thủ bóng đá vừa chứng minh cho ta thấy khát vọng này. Từng người dân, từng doanh nghiệp trong công cuộc mưu sinh của mình đã tự nhiên đem đến sự thịnh vượng cho bản thân, gia đình và xã hội hàng ngàn năm nay.
Điều quan trọng hơn cả, các công bộc của dân mới phải là những người tiên phong biến khát vọng thịnh vượng của dân tộc thành hiện thực. Đó phải là một sứ mệnh cao cả bậc nhất của họ, thậm chí họ còn phải hy sinh nhiều thứ để được gọi là công bộc của dân. Thái độ thờ ơ, vô cảm sẽ đắc tội vô vàn với lịch sử.
 Bóng đá Việt nếu chỉ biết dựa vào cầu thủ ngoại, kinh tế Việt nếu chỉ biết dựa vào các doanh nghiệp FDI, thì thôi cũng đừng mơ mộng nhiều đến các khát vọng hay tầm nhìn đến 2030 hay 2045.
 Không ai không tự hào và kiêu hãnh khi nhìn các chàng trai bóng đá Việt mưu trí, dũng cảm mang về chiếc huy chương vàng bóng đá lịch sử lần đầu tiên trong 60 năm chờ đợi mỏi mòn.

Các tin khác