Xây nhà để chờ đền bù tiền tỷ ở Cần Thơ

(ĐTTCO) - Nhiều người dân xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) bất bình khi chứng kiến một căn nhà mọc lên ngay cạnh cầu vượt đường T3 của tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. 
Người dân cho biết, chủ căn nhà này là người có “vai vế”, xây dựng sai quy định, vi phạm hành lang lộ giới, nhằm mục đích chờ đền bù. 
Biến đất lúa thành đất ở?
Ngày 6-11, chúng tôi tìm đến xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), người dân ở đây xì xào về căn nhà “kỳ quặc” mọc lên cạnh cầu vượt đường T3 (tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) nhưng không có người ở. Ông Nguyễn Ngọc Chẩn (chủ cũ phần đất này) cho biết: “Đây là đất lúa của gia đình canh tác nhiều năm. Sau khi đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đi qua thì phần đất này còn lại khoảng 2 công, nằm gần hành lang lộ giới, do đó gia đình bỏ trống không sử dụng.
Xây nhà để chờ đền bù tiền tỷ ở Cần Thơ ảnh 1 Căn nhà bà Nguyễn Thị Duyên đứng tên xây dựng nằm sát cầu vượt đường T3 
(tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).
Năm 2017, có một người xưng là cán bộ làm trong lĩnh vực đất đai của TP Cần Thơ tìm tới hỏi mua với giá 270 triệu đồng, nên tôi bán…”. Theo ông Chẩn, từ năm 2017 về trước, một số hộ ở đây từng liên hệ ngành chức năng xin phép chuyển đổi đất trồng lúa sang đất ở nhưng không được. Thế nhưng, “vị lạ mặt” này mới mua đất của ông xong thì được ngành chức năng cho chuyển thành đất ở. Sau đó mọc lên căn nhà như cái hộp, cột tạm bợ, tường mỏng manh, xung quanh toàn cửa nhôm… 
Một cán bộ địa phương cho biết: “Lúc đầu tụi tui cứ tưởng anh em công nhân làm cầu vượt đường T3 cất lán trại ở tạm phục vụ thi công công trình, nhưng sau đó, nhìn lại không phải lán trại mà là căn nhà tạm bợ, nhìn rất chướng mắt. Người dân quả quyết, nhà  xây để “chờ” đền bù. Người chủ căn nhà này không phải ở đây, không ai biết mặt, chỉ nghe nói là người có “vai vế” mới dám xây nhà nơi hành lang lộ giới của cầu vượt”. 
Ngành chức năng vào cuộc xử lý
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, phân bua: “UBND xã có biết việc này, nhưng ngoài tầm của cấp xã. Ngoài ra, còn vấn đề tế nhị là liên quan đến cán bộ, khổ lắm. Do đó, muốn tìm hiểu hãy lên cấp huyện”. Khi hỏi, các ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh từ chối trả lời, vì cho rằng đang trong giai đoạn kiểm tra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đứng tên căn nhà trên là bà Nguyễn Thị Duyên (SN 1977, ngụ ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Vào tháng 6-2017, UBND huyện Vĩnh Thanh cho phép bà Nguyễn Thị Duyên chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất ở, với diện tích 150m2 (thửa 1339, tờ bản đồ 06, ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh). Đến ngày 4-10-2017, UBND huyện Vĩnh Thạnh cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở cho bà Duyên, dạng nhà kiên cố 1 trệt, 1 lầu, cột bê tông cốt thép, tổng diện tích sàn 246m2… 
Tuy nhiên, thực tế bà Duyên đã xây dựng 1 trệt, 2 lầu (vượt 1 lầu), ngoài ra còn vi phạm lộ giới đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và hàng loạt sai phạm khác so với giấy phép xây dựng như: cốt nền thiếu 0,85m; chiều cao vượt 2,06m; sàn lầu 1 không cốt thép, đà bằng sắt hộp; tầng trệt xây không vách ngăn, không có nhà vệ sinh, không có cầu thang lên lầu; vi phạm đất công cộng khoảng 2m2 (đất bồi hoàn đường T3)…
Có thể thấy, bà Duyên xây dựng căn nhà trên với nhiều hạng mục không đúng giấy phép và không phải sử dụng làm nhà ở. Nếu tính toán đền bù khi thi công cầu vượt đường T3 và tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thì nhà nước phải chi tiền đền bù hàng tỷ đồng. Đây là điều vô lý, khiến dư luận bức xúc. 
Ông Đặng Ngọc Tính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Vĩnh Thạnh, cho biết: “Khi căn nhà kỳ lạ này mọc lên và dư luận phản ứng, Ủy ban Kiểm tra huyện đã nắm thông tin và đang yêu cầu các ngành liên quan báo cáo cụ thể. Chúng tôi sẽ kiểm tra việc chuyển đổi từ đất trồng lúa lên đất ở có đúng quy định không, quá trình thẩm định cấp phép xây dựng, việc xây dựng căn nhà này nhằm mục đích gì, có hay không việc dự kiến đền bù mấy tỷ đồng…
Quan điểm của Huyện ủy là làm sáng tỏ và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nếu có vi phạm”. Ông Đặng Ngọc Tính còn cho hay đây là công trình nhà ở đầu tiên trên địa bàn huyện xây dựng kiểu “đón gió đền bù” và theo phản ánh của dư luận có thể liên quan đến cán bộ. 
“Không để ngân sách nhà nước xuất ra đền bù một công trình vi phạm. Chủ nhà chỉ bỏ ra vài trăm triệu đồng mua đất, xây nhà sai phép… rồi chờ đền bù tiền tỷ. Điều này không thể chấp nhận”, ông Tính nói.

Các tin khác