Triển khai thu phí không dừng - Đừng tạo thêm barie

(ĐTTCO) - Như các số báo trước chúng tôi đề cập, mặc dù được độc quyền khai thác nhưng Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cho rằng số lượng chủ xe dán thẻ và nộp tiền sử dụng thu phí tự động (ETC) chỉ chiếm khoảng 15%, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư, nên đơn vị thu phí tự động gặp khó khăn về tài chính trong việc nhập thiết bị và thuê nhân lực thu phí. 
Dán thẻ ETC: Không mặn mà
Khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh ĐBSCL, hiện số điểm dán thẻ thu phí không dừng còn rất ít, gây khó khăn cho nhiều chủ ô tô, xe tải. Anh Võ Văn Trí (ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh; gia đình anh có 2 ô tô thường xuyên đi về các tỉnh miền Tây) cho biết, lên mạng tìm hiểu thấy hướng dẫn ngay trạm thu phí có lắp làn thu phí ETC đều có dịch vụ dán thẻ và hướng dẫn tải app mở tài khoản. Tuy nhiên, mỗi lần qua trạm, điểm dán thẻ lại không thuận đường, rất bất tiện cho tài xế (trung tâm điều khiển thường cách xa do phải đi vòng). Nếu không thì phải đến thời hạn đăng kiểm xe mới dán được, nhưng việc đem xe đi đăng kiểm thường được thực hiện bởi những người không có khả năng quyết định, không phải chủ xe, mà là lái xe, hoặc nhân viên giúp việc. “Đã là dịch vụ thì tại sao không tạo điều kiện mở nhiều điểm dịch vụ dán thẻ, như tại các garage sửa chữa, trung tâm bán xe, dịch vụ dán tại nhà… mà chỉ có một vài điểm như hiện nay”, anh Trí nói.  
Triển khai thu phí không dừng - Đừng tạo thêm barie ảnh 1 Ô tô qua làn thu phí tự động trên quốc lộ 51. Ảnh: THÀNH TRÍ
Còn nhiều lý do khiến người dân không mặn mà với việc dán tem thu phí ETC khi tham gia giao thông. Đó là thu phí ETC chưa mang tính cấp thiết đối với người sử dụng. Bởi nhiều trạm thu phí chưa triển khai thu phí ETC, hoặc nếu có thì chỉ có một làn mỗi bên (ít hơn các làn thu phí bằng tiền mặt) nên trả tiền mặt thuận tiện hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao người dân không mặn mà với việc dán tem một lần để trừ tiền dần mỗi lần qua trạm, dù việc đó giúp họ đỡ mất công thao tác mỗi lần qua trạm? Câu trả lời là lợi ích. Bởi việc dán tem đó không giúp người dân tiết kiệm được đồng nào, trong khi họ phải để một khoản tiền “chết” trong tài khoản. 
Một vấn đề khác, đó là có sự “chần chừ” trong việc triển khai thu phí ETC của chủ trạm BOT. Vì thường xuyên đi lại trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Dầu Giây, mới đây chúng tôi đến trạm quản lý An Phú - TPHCM để làm thủ tục mua vé đi vào làn thu phí ETC để rút ngắn thời gian lưu thông. Bộ thu phí ETC gồm có một thẻ và ổ thiết bị để gắn thẻ vào, đặt trên đầu xe, mua thẻ 200.000 đồng, mua ổ thiết bị 2,3 triệu đồng/năm. “Tất cả khách đến mua chúng em đều khuyên, nếu sang năm triển khai thu phí không dừng theo quyết định của Thủ tướng thì có thể bỏ thiết bị này. Mà anh cũng nên cân nhắc, bởi vì mua hệ thống thu phí ETC của tuyến này thì chỉ có giá trị trên tuyến đường này thôi, còn sang những tuyến khác thì không sử dụng được”, cô nhân viên giải thích. Tất nhiên, nghe xong chúng tôi cũng rơi vào tâm trạng “chờ sang năm”, bởi dại gì bỏ ra mấy triệu đồng mà chỉ sử dụng vài ba tháng, rất lãng phí!
Cần liên thông tất cả ngân hàng
Ghi nhận từ “khách hàng lớn” tham gia giao thông là các doanh nghiệp vận tải chúng tôi đều thấy họ đồng ý việc thu phí tự động, nhưng yêu cầu phải đơn giản, minh bạch. Giám đốc Công ty Vận tải Thành Công, ông Phạm Ngọc Công, chia sẻ, phải mở một tài khoản giao thông cho VETC là việc bất hợp lý. Công ty có hơn 30 đầu xe vận tải, mỗi ngày phí đường bộ có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu chuyển một lần 100 triệu đồng thì chỉ đủ trả phí giao thông trong vòng 1 tuần đến 10 ngày, nhưng nếu chuyển vào tài khoản giao thông quá nhiều thì doanh nghiệp bị đọng vốn. Đồng quan điểm này, một doanh nghiệp vận tải (xin giấu tên) bày tỏ, có nhiều đầu xe sẽ phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản trước, nhưng không được tính lãi suất. Hơn nữa tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng nên khi chuyển khoản phải mất phí, rất phi lý.
Một số chủ đầu tư BOT cũng đặt câu hỏi, tại sao lại không sử dụng ngay tài khoản giao dịch ngân hàng của chủ phương tiện để trừ phí giao thông? Nếu làm được như vậy, tiền sẽ đi thẳng từ tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện vào tài khoản của chủ đầu tư BOT; vừa có lợi cho khách hàng vừa có lợi cho chủ đầu tư. Khi muốn kiểm tra, chỉ cần in sao kê ngân hàng là biết được nguồn thu như thế nào. 
Dưới góc nhìn chuyên gia về giao thông,  TS Phạm Sanh phân tích, với trên 3 triệu ô tô và các phương tiện cơ giới đường bộ hiện có, sắp tới triển khai thu phí ETC sẽ phải đóng một khoản tiền vào tài khoản giao thông, thì số tiền do VETC quản lý sẽ lớn như thế nào? Liệu việc thanh toán và sử dụng số tiền trong tài khoản giao thông của khách hàng có được đảm bảo an toàn và minh bạch hay không? Không cần thiết phải đẻ thêm bộ máy, con người cũng như đơn vị vận hành thu phí ETC mang tính chất thâu tóm, mà nên sử dụng bộ máy thu phí hiện tại và lắp ráp thêm công nghệ nữa là xong.
Đến đây chúng ta có thể thấy câu chuyện triển khai thu phí ETC chậm vì đâu. Thứ nhất, thiếu sự đảm bảo phương án để thu phí ETC được đưa vào hợp đồng như một sự ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Thứ hai, thói quen áp đặt lựa chọn của các chủ đầu tư đối với người sử dụng dịch vụ, khi mà đường bộ chưa thực sự được nhìn nhận như một dịch vụ. Thứ ba, triển khai một cách vội vàng, thiếu nền tảng công nghệ để liên thông tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, thiếu sự liên thông của hệ thống ngân hàng đối với dịch vụ này. Thứ tư, thiếu sự tổ chức đấu thầu rộng rãi công khai để tìm đối tác đã triển khai tốt nhất tại một số nước tiên tiến trên thế giới… Tất cả những khiếm khuyết đó đã làm nên một bức tranh thu phí ETC rối rắm! Hẳn nhiên, chỉ khi người dân nhìn thấy lợi ích của mình từ một chính sách thì chính sách ấy mới có thể đi vào cuộc sống.

Các tin khác