Nhiều CTCK phất “cờ trắng”

Sau thời gian hoạt động “cầm hơi”, hàng loạt CTCK bắt đầu rời bỏ thị trường do không nhìn thấy khả năng về sự hồi phục của thị trường và điều đặc biệt là các cổ đông không còn lực để “tiếp sức” cho các CTCK.

Sau thời gian hoạt động “cầm hơi”, hàng loạt CTCK bắt đầu rời bỏ thị trường do không nhìn thấy khả năng về sự hồi phục của thị trường và điều đặc biệt là các cổ đông không còn lực để “tiếp sức” cho các CTCK.

Lũ lượt thoái lui

Theo thông báo mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 2 cơ quan này vừa nhận được đơn đề nghị chấm dứt tư cách thành viên của CTCK Sao Việt (VSSC).

Hiện tại, VSSC đang hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục liên quan để chấm dứt tư cách thành viên theo yêu cầu của HOSE và HNX. Trước đó, HOSE đã có công văn chấp nhận cho CTCK Âu Việt (AVS) được tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên tại HOSE và HNX kể từ ngày 28-12.

Thời điểm này nếu CTCK nào chỉ cần hoạt động ổn định, xem như thoát hiểm.

Thời điểm này nếu CTCK nào chỉ cần hoạt động ổn định, xem như thoát hiểm. 

Theo HOSE, để chấm dứt tư cách thành viên, AVS phải công bố thông tin trên trang điện tử, trụ sở và các chi nhánh của mình; làm thủ tục thu hồi thẻ giao dịch của AVS; thanh toán các khoản phí theo quy định; báo cáo kết quả chuyển giao tài sản giao dịch của khách hàng sang CTCK Đông Á; thu hồi máy móc thiết bị của AVS tại HOSE. Sau khi hoàn tất các thủ tục trên, AVS sẽ chính thức chia tay TTCK. 

Trong diễn biến mới nhất, CTCK An Phát (APG) vừa phát thông báo mời cổ đông họp ĐHCĐ bất thường năm 2012 tổ chức ngày 20-12. Nội dung chính của buổi họp sẽ là điều chỉnh đăng ký trụ sở chính, trình ĐHCĐ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên với HOSE, HNX.

Việc chấm dứt tư các thành viên giao dịch với 2 sở, đồng nghĩa với việc CTCK chấm dứt hoạt động chính của một CTCK đúng nghĩa là hoạt động môi giới.

Thực tế, không ngoài các trường hợp tự nguyện rút lui, còn có khá nhiều CTCK bị ép phải ngừng hoạt động vì không đủ tiêu chuẩn. Chẳng hạn, cuối tháng 10 vừa qua, UBCKNN đã có Quyết định 887/QĐ-UBCK đình chỉ hoạt động đối với CTCK Trường Sơn (TSS) kể từ 26-10-2012 đến ngày 26-4-2013.

Theo công bố của UBCKNN, TSS bị đình chỉ hoạt động vì không đáp ứng các điều kiện về chỉ tiêu tài chính. Tương tự là các trường hợp của CTCK Cao su và CTCK Hà Nội. Ngoài các trường hợp này, khá nhiều CTCK bị đình chỉ hoạt động như trường CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBVS) bị đình vì vi phạm giao dịch bù trừ hay CTCK Tràng An bị đình chỉ hoạt động môi giới.

Thực tế, số CTCK nằm trong diện ngắc ngoải còn khá nhiều, bởi theo thống kê  hiện có khoảng 9 CTCK đang nằm trong tình trạng kiểm soát đặc biệt và hàng loạt CTCK đang ngấp nghé ngưỡng an toàn vốn khả dụng. Nếu tình trạng không được cải thiện ở quý IV, những CTCK này cũng sẽ điền tiếp tên mình vào danh sách kiểm soát đặc biệt.

Với những CTCK đang ở trong diện kiểm soát đặc biệt nếu không có những bứt phá, sẽ phải đối diện với án phạt đình chỉ hoạt động. Trong tình cảnh khó khăn như hiện nay, bên cạnh những CTCK bị buộc ngưng hoạt động, danh sách các CTCK tự nguyện rút hẳn khỏi TTCK trong thời gian tới sẽ còn kéo dài.

Chấp nhận co hẹp cũng không ổn

Ngay từ đầu năm 2012, các CTCK xác định đây là năm tiếp tục khó khăn với TTCK nên phần lớn CTCK triệt để áp dụng chính sách co hẹp hoạt động, không chạy đua giữ khách hàng bằng các dịch vụ tài chính, chấp nhận mất thị phần vì không dám tiếp tục hoạt động với những rủi ro vượt tầm kiểm soát.

Với cách làm này, song song với việc rút bớt nghiệp vụ, tinh giảm biên chế, các CTCK cũng mạnh tay đóng cửa chi nhánh và phòng giao dịch. Ngay như trường hợp CTCK Phú Hưng (PHS), dù vừa hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên hơn 347 tỷ đồng, nhưng mới đây PHS đã tuyên bố đóng cửa hàng loạt chi nhánh và phòng giao dịch tại TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Giải pháp đau đớn hơn là “tháo chạy” hẳn khỏi thị trường như cách làm của VSSC. Tuy nhiên, quyết định rút lui của VSSC khiến nhiều cổ đông hết sức bất ngờ, bởi trước đó CTCK này đặt ra mục tiêu hoạt động trong năm 2012 là cắt giảm 30% chi phí quản lý và tìm đối tác cơ cấu lại hoạt động. Chính vì vậy, khả năng không kêu gọi được NĐT góp vốn chính là nguyên nhân khiến VSSC quyết định thoái lui.

Tuy nhiên, các giải pháp này dường như không mang lại các tín hiệu tích cực nào khi dòng tiền vẫn dứng ngoài TTCK, khiến doanh thu của các CTCK không được cải thiện, thậm chí còn đi xuống so với năm 2011.

Lấy dẫn chứng từ AVS, mặc dù mạnh tay đóng cửa chi nhánh và cắt giảm nhân sự xuống chỉ còn hơn 20 người, nhưng theo BCTC quý III-2012 của AVS, lợi nhuận trong kỳ báo cáo vẫn âm hơn 20 tỷ đồng (giảm hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái).

Nguyên nhân là do doanh thu giảm 66% trong khi chi phí hoạt động tăng 121% vì trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hơn 12,5 tỷ đồng. Việc AVS tiếp tục thua lỗ từ hoạt động tự doanh chính khiến các cổ đông hết sức bức xúc, bởi trước đó HĐQT của AVS tuyên bố phương hướng hoạt động của AVS năm 2012 là kinh doanh an toàn để bảo toàn vốn. 

Các tin khác