Thiệt hơn với tỷ giá

Kết quả kinh doanh đầu năm của nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động tỷ giá. Báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy có những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc định giá tiền đồng cao, ngược lại cũng có những ngành chịu ảnh hưởng tích cực.

Kết quả kinh doanh đầu năm của nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động tỷ giá. Báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy có những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi việc định giá tiền đồng cao, ngược lại cũng có những ngành chịu ảnh hưởng tích cực.

Lãi và lỗ theo biến động tỷ giá

 

Trong quý I-2015, CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 1/7 cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của doanh nghiệp, sở dĩ có sự sụt giảm này do giá thép trên thế giới liên tục giảm mạnh vì vậy giá thép trong nước cũng đồng loạt giảm theo. Trong đó tác động mạnh đến giá do tỷ giá ngoại tệ liên tục tăng từ đầu năm mà nguồn nguyên liệu chính của công ty 100% nhập khẩu đã làm giá thành tăng cao.

Ở những doanh nghiệp thép lớn như Tập đoàn Hòa Phát, Hoa Sen đều cho thấy khoản mục lãi/lỗ từ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện trong chi phí tài chính của Hòa Phát đến 31-3-2015 là 38,8 tỷ đồng, cao hơn 10 lần so quý I-2014. Hiện rất nhiều doanh nghiệp có các hoạt động liên quan đến ngoại tệ đều phải trích lập dự phòng do chênh lệch tỷ giá lên đến hàng chục tỷ đồng đã ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận.

Ngược lại với những doanh nghiệp thiệt hại bởi tỷ giá, cũng có không ít doanh nghiệp lại được lợi. Điển hình của việc hưởng lợi từ tỷ giá biến động tăng là CTCP Xi măng Hà Tiên 1 với mức lợi nhuận trước thuế quý I-2015 là 320 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Hà Tiên 1 cũng giải trình sở dĩ có sự tăng trưởng đột biến trên chủ yếu do tăng chênh lệch tỷ giá và giảm chi phí lãi vay. Đơn cử công ty đang có khoản nợ 70 triệu EUR. Trong quý I-2015, đồng EUR đã giảm hơn 10% so với VNĐ, giúp Hà Tiên 1 có mức lãi chênh lệch tỷ giá hơn 180 tỷ đồng. Như vậy cứ mỗi 1% sụt giảm của đồng EUR so với VNĐ sẽ giúp cho lợi nhuận của Hà Tiên 1 tăng 3%.

Cần lộ trình phù hợp điều chỉnh tỷ giá

Như vậy việc định giá tiền đồng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế. Việt Nam cần có một lộ trình phù hợp điều chỉnh tỷ giá đến mức tỷ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu ở mức tỷ giá cân bằng.

Theo VEPR

Kể từ đầu năm đến nay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh tăng tỷ giá và mức trần tỷ giá mới tăng lên 21.890 đồng/USD sau khi tỷ giá trên thị trường liên tục tăng. Trong bối cảnh đó bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, nhấn mạnh tỷ giá năm 2015 sẽ điều hành trong phạm vi biên độ 2% như đã định hướng đề ra từ đầu năm.

Bà Hồng cho biết định hướng này đã được tính toán, cân nhắc trên cơ sở một loạt yếu tố vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mới đây trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 do VEPR phát hành, chủ đề “Bất ổn đằng sau sự ổn định của tỷ giá danh nghĩa”, đã cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực của tiền đồng đang được định giá cao. Nhóm tác giả trong báo cáo đã tính toán từ đầu năm đến nay tiền đồng được định giá cao hơn giá trị cân bằng 7-11% thời điểm cuối năm 2014.

Báo cáo khẳng định: “Tỷ giá VNĐ/USD tiếp tục được duy trì ổn định về mặt danh nghĩa sẽ làm VNĐ tiếp tục tích lũy sự lên giá. Điều này âm thầm xói mòn sức cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước cũng như các dịch vụ thu hút khách nước ngoài như du lịch”.

Thực tế trong 4 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu lớn trở lại. Xuất khẩu một số ngành như nông sản, thủy sản bị ảnh hưởng rất mạnh. Khách du lịch đến Việt Nam cũng bị sụt giảm. Đặc biệt, nhập siêu đến từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng với tốc độ cao.

Theo nội dung của báo cáo nếu lấy năm 2012 làm gốc, đồng Việt Nam cao giá hơn đồng nhân dân tệ của Trung Quốc 14,5%. Điều này cho thấy xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc bất lợi do hàng từ Việt Nam đắt đỏ hơn. Những tính toán của nhóm tác giả cho thấy nếu tiền đồng được định giá cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành như nông nghiệp, khai khoáng, chế biến nông nghiệp, ngành công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động.

Bằng mô hình cân bằng tổng thể, nhóm tác giả mô phỏng tác động của độ lệch tỷ giá đối với sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu khi tiền đồng định giá cao hoặc thấp. Kết quả nếu tiền đồng định giá thấp 10% sản lượng nông nghiệp tăng 5,58%, chế biến nông nghiệp tăng 5,69%, còn ngành dịch vụ giảm 10,54%. Ngược lại, giả sử tiền đồng được định giá cao 20% sẽ làm nông nghiệp giảm 2,63%, chế biến nông nghiệp giảm 2,64%, ngược lại dịch vụ lại tăng 12,81%. 

Các tin khác