Mùa đại hội cổ đông

Buồn vui chuyện cổ tức

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay của các NHTM diễn ra trong bối cảnh khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Cổ đông một số NH cổ phần nhỏ càng buồn hơn khi lợi tức nhận được quá ít, thậm chí có NH không chia cổ tức cho cổ đông.

Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay của các NHTM diễn ra trong bối cảnh khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Cổ đông một số NH cổ phần nhỏ càng buồn hơn khi lợi tức nhận được quá ít, thậm chí có NH không chia cổ tức cho cổ đông.

Xoa dịu

Cuối tuần qua, NamABank đã báo cáo kết quả kinh doanh năm 2010 tại ĐHCĐ thường niên với lợi nhuận trước thuế 184,82 tỷ đồng trên vốn điều 2.000 tỷ đồng; tỷ lệ tạm ứng cổ tức 10,5%. Mức lợi nhuận và tỷ lệ cổ tức năm 2010 của NamAbank được xem là khiêm tốn. Tuy nhiên, ở ĐHCĐ năm ngoái, cổ đông NamABank bức xúc chất vấn về tỷ lệ cổ tức quá thấp; năm nay hầu như không cổ đông nào phát biểu về vấn đề này.

Theo một lãnh đạo NH này, năm nay sở dĩ ĐHCĐ diễn ra nhẹ nhàng hơn do cổ tức chia dù chưa cao nhưng vẫn hơn con số 3,5% của năm 2009. Năm 2009 NamABank chỉ đạt 73,96 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.252 tỷ đồng. Năm 2010 điều kiện kinh doanh khó khăn hơn nên cổ đông cũng thông cảm và không gây khó cho hội đồng quản trị và ban điều hành. Năm nay NamABank đặt kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu, đồng thời dự kiến chỉ tiêu tài chính sau khi phát hành của NH: lợi nhuận trước thuế đạt 460 tỷ đồng, tăng 156,98% so với năm 2010; trong đó tốc độ tăng trưởng dư nợ tăng 47,11% và tỷ lệ chia cổ tức 11%.

Dễ nhận thấy các cổ đông NamABank không quá bức xúc về vấn đề cổ tức do hội đồng quản trị NH quyết định chia cổ tức theo chính sách cổ đông lớn chia sẻ cổ tức cho cổ đông nhỏ. Theo đó, cổ tức năm 2010 là 10,5% đối với cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phiếu dưới 10 tỷ đồng, còn cổ đông trên 10 tỷ đồng tỷ lệ cổ tức là 6,05%; năm 2011 tỷ lệ chia cổ tức là 11% áp dụng cho cổ đông nhỏ vốn dưới 10 tỷ đồng, cổ đông lớn dự kiến chỉ nhận được 8,1%.

Đại hội cổ đông của một ngân hàng tại TPHCM. Ảnh: LÃ ANH
Đại hội cổ đông của một ngân hàng tại TPHCM. Ảnh: LÃ ANH

Đầu tuần này (ngày 28-3), TrustBank dự kiến trình ĐHCĐ chính sách chia sẻ cổ tức tương tự NamABank theo hướng chia cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 8,5% cho cổ đông lớn, còn cổ đông nhỏ khoảng 10,5%/năm. Chính sách này nhằm xoa dịu cổ đông nhỏ trong bối cảnh cổ phiếu của NH nhỏ gần như không giao dịch và tỷ lệ cổ tức nhận được không bằng lãi suất tiết kiệm NH 14%/năm hiện nay. Tuy nhiên, với vốn điều lệ của TrustBank trong năm 2011 dự kiến tăng lên 5.000 tỷ đồng, chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế 550 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức năm 2011 là 9%/năm của NH này được đánh giá ở mức bình thường.

Gây sốc

Lợi nhuận trước thuế của GiaDinhBank năm 2010 chỉ đạt 75 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch (tăng 4,3% so với năm 2009), nên tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông chỉ ở mức 4% (bằng 1/2 so với kế hoạch xây dựng cả năm). Với vốn điều lệ vừa tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010 và đang lên kế hoạch tăng lên 3.000 tỷ đồng, GiaDinhBank dự kiến trình ĐHCĐ năm nay (diễn ra ngày 8-4) với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 là 380 tỷ đồng. Mức cổ tức mà GiaDinhBank dự kiến chi trả cho cổ đông năm nay 10%, tăng 6% so với năm 2010. Điều đáng quan tâm, để đạt được chỉ tiêu lợi nhuận 380 tỷ đồng năm 2011, GiaDinhBank phải đạt mức tăng trưởng dư nợ tín dụng 10.600 tỷ đồng, một con số quá lớn so với tổng dư nợ tín dụng 3.663 tỷ đồng của năm 2010. Trong khi đó, theo NHNN kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 20% trong năm 2011 được thực hiện đối với tất cả NHTM, không phân biệt lớn nhỏ.

Tuy vậy, cổ đông của 3 NH nêu trên còn được nhận cổ tức, dù khá khiêm tốn. Trong khi đó không ít cổ đông của SCB tỏ rõ sự thất vọng khi nhận giấy mời ĐHCĐ (sẽ diễn ra ngày 2-4) kèm theo văn kiện đại hội thông báo năm 2010 cổ đông không nhận được đồng nào, dù trước đó kế hoạch đặt ra là 8%. Nguyên nhân do năm 2010 lợi nhuận sau thuế của SCB chỉ đạt 278 tỷ đồng so với kế hoạch 525 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng từ 2% lên tới 11,4%.

Vì thế việc không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cũng dễ hiểu khi năm 2010 SCB phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ nhiều phía, vừa phải khắc phục những tồn tại của năm 2009, vừa phải đảm bảo tăng trưởng trong điều kiện thị trường khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ những năm trước buộc SCB phải trích lập dự phòng rủi ro và tất yếu ăn vào lợi nhuận của NH. Thế nhưng, quyết định không chia cổ tức của SCB đã gây sốc cho không ít cổ đông. Năm ngoái, ĐHCĐ của NH này diễn ra khá căng thẳng, nhiều cổ đông nhận định năm nay dự kiến cũng là một mùa ĐHCĐ không bình yên của SCB. Với kế hoạch kinh doanh năm 2011 của SCB lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 650 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và tỷ lệ cổ tức 8%, nhiều cổ đông tự an ủi, hy vọng vào điều tốt đẹp hơn ở mùa ĐHCĐ năm sau.

Các tin khác