Mùa đại hội cổ đông

“Tra khảo” lợi nhuận và cổ tức

Như mọi năm, trong mùa ĐHCĐ năm 2011, vấn đề lợi nhuận và cổ tức tiếp tục nóng, được nhiều cổ đông mang ra chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp (DN).

Như mọi năm, trong mùa ĐHCĐ năm 2011, vấn đề lợi nhuận và cổ tức tiếp tục nóng, được nhiều cổ đông mang ra chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp (DN).

Theo Nghị quyết ĐHCĐ CTCP Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển DN (IDJ), do đánh giá năm nay tình hình kinh tế sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn nên ban lãnh đạo IDJ chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn là 10%/vốn điều lệ (vốn điều lệ của IDJ hiện nay là 326 tỷ đồng), tương ứng với lợi nhuận sau thuế 32,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ của IDJ vừa được tổ chức vào ngày 20-3 vừa qua, đã có nhiều ý kiến không đồng tình từ phía cổ đông về mục tiêu này. Theo ý kiến của cổ đông, mặc dù năm 2010 doanh thu và lợi nhuận của IDJ giảm so với năm 2009 nhưng số tiền lợi nhuận còn lại sau khi phân phối quá lớn (hơn 21,6 tỷ đồng). Trong khi đó, cổ đông chỉ được nhận mức cổ tức 4% là chưa tương xứng. 

Do đó cần điều chỉnh mức cổ tức năm 2010 lên 8%. Tổng giám đốc IDJ Trần Trọng Hiếu cho rằng nếu chi trả mức cổ tức quá cao, không giữ lại lợi nhuận thặng dư để tái đầu tư, sẽ khiến DN gặp khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và lãi suất vay ngân hàng cao như hiện nay. Dù vậy, sau hàng loạt ý kiến tranh luận khá gay gắt của cổ đông, lãnh đạo IDJ đã phải đi đến quyết định điều chỉnh gia tăng lợi nhuận thêm 5%, để kế hoạch lợi nhuận sau thuế của IDJ năm 2011 là 15%, tương ứng với 48,9 tỷ đồng. Về cổ tức, ĐHCĐ đã thông qua mức chi trả cổ tức dung hòa cho cả cổ đông và DN là 6%.

Theo kế hoạch, CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) sẽ tiến hành ĐHCĐ năm 2011 vào ngày 22-3. Tuy nhiên, số cổ đông tham dự có quyền biểu quyết lại không đủ theo luật định nên SAM không thể tổ chức ĐHCĐ. Đây là năm thứ ba liên tiếp SAM không thể tổ chức ĐHCĐ ngay trong lần triệu tập đầu tiên. Tương tự 2 năm trước, ĐHCĐ bất thành lần này trở thành buổi trò chuyện giữa ban lãnh đạo SAM với cổ đông tham dự. Thế nhưng, không khí của buổi trò chuyện này cũng rất nóng với vấn đề chưa chia CP thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 1:1 đã được ĐHCĐ thông qua năm ngoái.

Theo ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc SAM, lý do chưa chia vì vẫn còn hơn 1 triệu CP quỹ chưa bán được. Tất nhiên, câu trả lời này không nhận được sự hài lòng của cổ đông. Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc xử lý phần CP thưởng này, có cổ đông cho rằng SAM nên bán lượng CP này cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá hoặc để thưởng cho cổ đông. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên bán theo giá thị trường và chấp nhận lỗ.

Cổ đông IDJ phát biểu ý kiến tại Đại hội cổ đông 2011.

Cổ đông IDJ  phát biểu ý kiến tại Đại hội cổ đông 2011.

Tương tự, theo kế hoạch, ĐHCĐ thường niên của CTCK Kim Long (KLS) sẽ diễn ra ngày 19-3 nhưng với số lượng cổ đông tham dự chỉ đạt 33% nên ĐHCĐ đã không thể tiến hành. Dù vậy, đây cũng là cơ hội hiếm hoi để cổ đông gặp và bày tỏ quan điểm với cách điều hành của lãnh đạo KLS. Hầu hết cổ đông có mặt đều không tán thành kế hoạch chuyển đổi hoạt động kinh doanh do HĐQT đề xuất. Một số cổ đông cho rằng điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của họ.

NĐT đã tin tưởng đầu tư vào KLS vì đây là một CTCK lớn, chứ không phải một tổ chức đầu tư tài chính. Thậm chí, nhiều NĐT còn lớn tiếng cho rằng lãnh đạo KLS cố ý tổ chức ĐHCĐ lần 2 hoặc lần 3 để có thể dễ dàng thông qua tờ trình chuyển đổi hoạt động, vì các đợt sau quy định về tỷ lệ cổ đông tham dự sẽ giảm bớt. Khi đó, tỷ lệ biểu quyết của cổ đông lớn và ban lãnh đạo sẽ chiếm áp đảo.

Đối với các DN có kế hoạch tổ chức ĐHCĐ trong những ngày sắp tới, vấn đề lợi nhuận và cổ tức cũng được dự báo sẽ rất nóng. Theo kế hoạch, tại ĐHCĐ của NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (STB), lãnh đạo sẽ xin ý kiến cổ đông trả cổ tức 15% bằng tiền mặt, thay vì trả bằng CP như từ năm 2006 đến nay. Song song với kế hoạch này, STB sẽ tiếp tục chào bán CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% và phát hành CP cho cán bộ - nhân viên với lượng CP tương đương 2% vốn điều lệ trước khi phát hành thêm.

Tương tự, CTCK Hòa Bình (HBS) thông báo tờ trình ĐHCĐ thường niên 2011 với chỉ tiêu tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 330 tỷ đồng. Tuy chưa hé lộ phương án cụ thể để tăng vốn điều lệ, nhưng đây cũng là vấn đề rất nhạy cảm và khó khăn khi đưa ra xét thông qua tại ĐHCĐ.

Các tin khác