Chế biến cacao XK: Hướng tới nâng cao giá trị gia tăng

Chế biến cacao xuất khẩu đang mang lại lợi nhuận hấp dẫn, nhưng muốn tham gia chế biến sâu, DN rất cần sự ổn định về nguồn cung để an tâm bỏ tiền đầu tư nhà máy sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng.

Chế biến cacao xuất khẩu đang mang lại lợi nhuận hấp dẫn, nhưng muốn tham gia chế biến sâu, DN rất cần sự ổn định về nguồn cung để an tâm bỏ tiền đầu tư nhà máy sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng.

Sức hút lớn

Cacao là một sản phẩm tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận rất lớn cho các DN. Khi bán ở dạng thô, DN có thể lời khoảng 15%,  đặc biệt khi đầu tư chế biến thành phẩm, con số lợi nhuận đạt được có thể lên đến 400%. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cacao trên thế giới hiện đang ở mức cao.

Hiện Bộ NN-PTNN đang tính đến những chính sách phát triển cacao phù hợp hơn để giải quyết khó khăn cho toàn ngành từ khâu trồng trọt đến chế biến, tiêu thụ, tránh trường hợp xuất khẩu hạt khô làm giảm giá trị thương phẩm mà dòng sản phẩm này mang lại.

Ông LƯƠNG LÊ PHƯƠNG,
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Theo thống kê, tại Thụy Sĩ, nhu cầu tiêu thụ cacao đạt khoảng 14kg/người/năm; tại Hoa Kỳ mỗi năm tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn cacao. Theo ông Nguyễn Vĩnh Thành, chuyên gia phân tích về cacao của Tập đoàn Cargill, trong vòng 5 năm qua giá cacao luôn diễn biến theo chiều hướng tăng nên các nhà chế biến luôn đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung hợp lý.

Khoảng 2 năm trở lại đây, các quốc gia đứng đầu về cacao trên thế giới như Bờ Biển Ngà, Ghana và Indonesia đã có sự sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng, khoảng 20-40%/năm.

Do đó, nếu có thể gia tăng diện tích và sản lượng, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn lên vị trí cao trên thị trường cacao. Thế nhưng, theo thống kê của Ban điều phối phát triển cacao Việt Nam, tính đến hết năm 2011, trong tổng số 20.500ha cacao được trồng trong cả nước chỉ có khoảng 7.000ha đang thu hoạch với sản lượng gần 5.000 tấn/năm.

Do sức hút của thị trường toàn cầu, mức lợi nhuận hấp dẫn và tiềm năng của vùng nguyên liệu tại Việt Nam, từ nhiều năm trước, nhiều tập đoàn nước ngoài như Cargill, Grand Place, Armajaro, Olam, Touton đã thu mua sản phẩm và xây dựng nhà máy chế biến ở nước ta.

Hiện nay, Công ty Cargill Việt Nam đang thu mua đến 80% sản lượng cacao trong nước với các trạm thu mua đặt ở các tỉnh có diện tích trồng cacao lớn như Đắk Lắk, Bến Tre để thu gom sản phẩm. Sự cạnh tranh của các DN quá lớn trong khi nguồn cung trong nước còn khá hạn hẹp nên các DN trong nước vẫn còn ngần ngại trong việc đầu tư nhà máy chế biến.

Một số công ty đã có nhà máy chế biến cho biết để đảm bảo hoạt động, họ phải nhập cacao từ Trung Quốc để chế biến với giá thành cao hơn và đa số sản phẩm chỉ ở mức phổ thông, cung cấp cho thị trường trong nước.

Thiếu nguồn lực

Theo các DN tham gia chế biến cacao, nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới đang tăng mạnh và đặc biệt là cacao Việt Nam đang được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Nhận thấy điều này, một số đơn vị đã đầu tư nhà máy chế biến và có được đơn hàng từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Thí dụ, năm 2011 Vinacacao đã có được hợp đồng cung cấp 80.000 thanh sôcôla cho Tập đoàn siêu thị Lotte Mart (Hàn Quốc).

Dây chuyền đóng gói sản phẩm cacao tại Vinacacao.

Dây chuyền đóng gói sản phẩm cacao tại Vinacacao.

Vinacacao cũng là đơn vị đầu tiên đã đầu tư 37 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến hạt cacao với máy móc và công nghệ của Đức. Đây là quy trình sản xuất khép kín và với quy trình này Vinacacao không phải nhập nguyên liệu nước ngoài, mà còn cung cấp nguyên liệu cho các DN trong nước.

Tuy nhiên, tình trạng hiện nay của ngành chế biến cacao xuất khẩu nước ta là nhiều DN đang rất muốn đầu tư mạnh vào khâu chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước trên thế giới.

Song, vấn đề nguyên liệu đang khiến cho các DN chùn tay bởi để tổ chức chế biến có quy mô lớn, DN phải nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao hơn rất nhiều so với nguồn cung nguyên liệu thô trong nước. Thậm chí một số DN phải vận chuyển hạt khô sang các nước như Malaysia, Indonesia để xay  thành bột vì các cơ sở chế biến trong nước vẫn chưa có nhà máy xay.

Một đại diện của Vinacacao cũng cho biết nếu vận chuyển một lượng cacao trị giá khoảng 1 tỷ đồng sang các nước trên để xay thành bột chỉ mất khoảng vài triệu đồng, còn nếu muốn đầu tư nhà máy phải chi ra khoảng 14 triệu USD cho một máy. Với các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, DN phải đầu tư hệ thống máy móc chế biến công nghệ cao với giá thành gấp 3, 4 lần.

Về vấn đề đầu tư công nghệ, ông Nguyễn Thành Chí, Tổng giám đốc CTCP Hoàng Chí phân tích: Thứ nhất, nếu muốn đầu tư nhà máy phải có vốn lớn nhưng các DN tham gia chế biến cacao vẫn chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Thứ hai, nhà máy phải hoạt động liên tục để đạt hiệu quả cao nhất, nhưng nguyên liệu hạt cacao khô hiện vẫn còn rất hạn chế nên mức độ rủi ro rất cao. Mỗi nhà máy nếu đi vào hoạt động sẽ cần ít nhất khoảng 40-50 tấn nguyên liệu/năm trong khi phần lớn hạt cacao trong nước bị các công ty nước ngoài thu gom.

Và nếu tình trạng này không được khắc phục, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sẽ tiếp tục thiếu hụt trầm trọng. Đây cũng là nguyên nhân khiến các DN không dám đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hiện đại.

Các tin khác