Tìm cách khai thông nguồn lực từ đất

(ĐTTCO) - Trên các số báo trước, ĐTTC đã có loạt 3 bài phân tích của chuyên gia: “Thu từ đất-nguồn lực chính phát triển đô thị”. Cuối tuần qua, UBND TPHCM tiếp tục tổ chức hội thảo về quản lý đất đai, để tìm ra giải pháp khai thông nguồn lực từ đất đai.

Với những đô thị lớn như TPHCM, nguồn lực tài nguyên đất có vai trò rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang ngày càng khan hiếm, trong khi đó tiềm năng đất đai vẫn chưa được phát huy.

Chưa tận dụng hết lợi thế
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết TP được giao nắm giữ trên 209.000ha đất, gồm hơn 114.000ha đất nông nghiệp và 94.600ha đất phi nông nghiệp. Trong đó hơn 162.300ha đang được sử dụng, 47.300ha đang được giao để quản lý chưa đưa vào sử dụng và đất chưa sử dụng 927ha. Như vậy, hầu hết đất đai của TPHCM đang được sử dụng hoặc sẵn sàng đưa vào sử dụng. 
 Khi cơ chế làm khó cho doanh nghiệp, triển khai dự án chậm, tức đầu tư không hiệu quả, kinh tế đất không hiệu quả, làm trì trệ thị trường BĐS, trì trệ việc đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ của TPHCM.
Ông Võ Văn Hoan,  Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Cùng với Hà Nội, TPHCM có giá đất cao nhất nước, mỗi mét vuông có giá từ vài triệu tới cả tỷ đồng. Điều này cho thấy mật độ kinh tế của TPHCM rất cao, đó là một lợi thế và cũng là thách thức trong phát triển bền vững. Vấn đề là quản lý đất đai sao cho chặt chẽ, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tiếp cận và hưởng dụng đất đai, đồng thời sử dụng phải đạt hiệu quả và hiệu suất cao.
Theo ông Thắng, tài chính đất đai là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý đất đai đô thị, nhất là đại đô thị như TPHCM. Khi giá đất quá cao, nên một quyết định hành chính về đất đai có thể mang lại hoặc làm mất đi lợi ích cả ngàn tỷ đồng. Vì thế, hệ thống tài chính đất đai đô thị hiệu quả phải được xây dựng trên nguyên tắc vốn hóa đất đai, tức đất đai quy đổi được dễ dàng thành vốn tài chính.
Năm 2019 TPHCM dự toán thu từ đất 14.900 tỷ đồng nhưng ước tính thu được 11.000 tỷ đồng, chỉ đạt 73,83%. So với năm 2016 thực thu từ đất 17.100 tỷ đồng, con số thu từ đất năm nay quá khiêm tốn so với tiềm năng của TP.
Theo kinh nghiệm các nước, bên cạnh việc tăng nguồn thu từ đất, vốn hóa đất đai có thể thực hiện bằng nhiều cơ chế khác nhau, như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại việc sử dụng đất công vào mục đích quốc gia, công cộng, quốc phòng, an ninh; thu giá trị đất tăng thêm do đầu tư phát triển hạ tầng và tiện ích công cộng; sử dụng quỹ đất để đổi lấy hạ tầng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT)…
Tìm cách khai thông nguồn lực từ đất ảnh 1
Những cơ chế vốn hóa đất đai này đã được đề cập trong pháp luật đất đai nhưng thiếu cụ thể, không chi tiết, kém đồng bộ, đã tạo thành các điểm nóng trên công luận. Từ đây, nguồn lực đất đai chưa tạo được thế mạnh cho TP trong đầu tư phát triển. 
Trong tương lai gần, thu từ thương mại, dịch vụ sẽ bị thu hẹp do yêu cầu thực hiện thương mại tự do, nếu không tìm cách tăng hợp lý nguồn thu từ đất sẽ không thể tạo được nguồn lực tài chính công đủ cho nhu cầu phát triển bền vững.

Tăng cường các giải pháp
Ông Đặng Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN-MT), cho rằng từ thực tiễn của thị trường BĐS TPHCM thời gian qua, chính sách pháp luật đất đai còn phải tiếp tục hoàn thiện. Bởi lẽ, sự thiếu nhất quán trong pháp luật đất đai và giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã tác động trực tiếp tới việc giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư.
Hàng chục điểm xung đột pháp luật đã được các chuyên gia, tổ chức chuyên ngành chỉ ra. Đây là những rào cản tác động tiêu cực tới quá trình xem xét, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư. Đơn cử, do xung đột trong các quy định pháp luật về đất đai, từ đầu năm đến nay TPHCM chỉ có 5 dự án phát triển nhà ở với diện tích 24,48ha đất được phê duyệt, thấp hơn rất nhiều lần so với các năm trước. 
Để tăng hiệu quả quản lý đất đai về pháp luật, hành chính, quy hoạch và tài chính, việc xây dựng hệ thống quản lý đất đai điện tử hướng tới hệ thống quản lý đất đai thông minh thế hệ 4.0 đang là nhu cầu tất yếu. Theo đó, xây dựng hệ thống quản lý đất đai điện tử để tạo thuận lợi trong quản lý hành chính về đất đai, công khai minh bạch thông tin đất đai, dễ dàng động viên người dân tham gia quản lý, giám sát và cơ quan quản lý thuận tiện trong thực hiện trách nhiệm giải trình. Từ đó, hệ thống quản lý đất đai điện tử sẽ từng bước phát triển thành hệ thống quản lý đất đai thông minh, trong đó nhiều công đoạn quản lý sẽ do trí tuệ nhân tạo thực hiện thay thế cho con người. 
Quản lý đất đai nói chung của cả nước, cũng như quản lý đất đai tại TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức. Trước hết phải sớm vượt qua sự thiếu đồng bộ giữa pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan đang gây ách tắc cho quá trình quản lý các dự án đầu tư phát triển. 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, nguồn lực đất đai đóng góp cho sự phát trên của TP thời gian qua có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản, do đó TP tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, chuyên gia để kiến nghị Trung ương sớm tháo gỡ. Đó cũng là cơ sở để TP xây dựng chính sách quản lý, khai thác nguồn lực này hiệu quả nhất.  

Các tin khác