Báo cáo quý của các công ty dịch vụ BĐS như Knight Frank hay CBRE đều cho thấy thị trường BĐS trong quý III-2012 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, giá chào bán trên toàn bộ các phân khúc đều giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi trong quý IV.
Theo CBRE, suy giảm kinh tế khiến người dân có xu hướng tích lũy hơn là đầu tư và suy giảm lòng tin là những yếu tố khiến thị trường BĐS trở nên èo uột trong quý III. Tâm lý “quan sát” và “chờ đợi” tiếp tục hiện hữu.
Phân khúc thị trường nhà ở tăng cung nhưng có đến 75% nguồn cung được chào bán dưới 21 triệu đồng/m2, mức giá phải chăng nhất kể từ năm 2008. Nhà đất trong các khu đô thị cũng đã thiết lập một mặt bằng giá mới với mức giá chào bán thấp hơn khoảng 18% so với cùng kỳ năm 2011.
Đặc biệt, công ty này cũng nhận định, nhiều dự án sẽ vắng người ở cho đến khi giá thị trường sát với khả năng chi trả của người mua hơn.
![]() |
Thị trường BĐS chưa có dấu hiệu hồi phục trong quý IV-2012. |
Việc không đủ tài chính để duy trì sẽ khiến các chủ đầu tư đứng trước 2 lựa chọn: hoặc thoái vốn khỏi thị trường BĐS, hoặc phải thay đổi cơ cấu hàng hóa để bán hàng. Bất lợi này của chủ đầu tư sẽ giúp người dân được hưởng lợi khi có nhiều sự lựa chọn hơn, giá cả phải chăng và được hưởng nhiều tiện ích hơn.
CBRE cũng dự báo xu hướng bán lại dự án sẽ tăng trong quý cuối cùng của năm, và thị trường chỉ hồi phục khi có lại niềm tin và nền kinh tế có những dấu hiệu khởi sắc.
Tương tự, báo cáo của Knight Frank cũng cho thấy thị trường trong quý III có lượng giao dịch thành công giảm đáng kể, doanh số của nhiều sàn giao dịch BĐS thậm chí giảm mạnh so với quý trước đó. Khảo sát của công ty này cho thấy trong quý III thị trường chứng kiến thế tiến thoái lưỡng nan của các chủ đầu tư.
Các chủ đầu tư đang cố gắng bàn giao các căn hộ đã bán của mình trong điều kiện thị trường khó khăn, trong khi phải đối mặt với việc thu nốt đợt thanh toán cuối cùng từ người mua, thường chiếm khoảng 30% tổng giá trị căn hộ.
Nguyên nhân do rất nhiều khách hàng, nhà đầu tư, đầu cơ cũng rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và không có khả năng chi trả những đợt cuối. Để khắc phục khó khăn, một số chủ đầu tư đã quyết định định vị lại sản phẩm của mình, tập trung vào mảng căn hộ trung cấp và bình dân thay vì đầu tư xây dựng các căn hộ cao cấp.
Cũng theo Knight Frank, trong quý III, khách mua chính của thị trường là những người có nhu cầu nhà ở thực sự, và hầu hết đều tập trung vào mảng căn hộ trung bình thấp và bình dân, với mức giá dưới 2 tỷ đồng/căn. Về triển vọng thị trường, Knight Frank cho rằng mảng căn hộ để bán của Hà Nội sẽ ngày càng cạnh tranh với mức giá bán tiếp tục giảm trong quý IV-2012.
Mảng thị trường trung cấp và bình dân được ghi nhận là các mảng chính đáp ứng được nhu cầu thực của khách mua. Người có nhu cầu nhà ở thực sự cũng sẽ là nhân tố chính trong các hoạt động của thị trường căn hộ trong quý tiếp theo.
Để giải cứu chính mình khỏi những khó khăn, một vài chủ đầu tư đã có kế hoạch chào bán dự án của mình trong những quý tới, với các chương trình chào bán chưa chính thức để thử nghiệm thị trường và các đợt chào bán chính thức để tăng tốc độ bán, với nhiều hình thức khuyến mại.
Các tin, bài viết khác
Khu đô thị ‘ma’ ở Hà Nội ngày càng nhiều, làm gì để khống chế?
Hoàn thiện dự báo nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030
Quản lý chặt dự án trước cơn sốt đất
Đổ xô “săn” đất Cần Giờ
Khóc ròng vì mua biệt thự trên đất nông nghiệp
Hà Nội kiểm định, đánh giá chung cư cũ
Nhận diện 5 nguyên nhân gây sốt đất
Xóa ách tắc đền bù, bắt đầu từ đâu?
Hà Nội: Rà soát biệt thự, công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954
Giá bất động sản tăng: Ngân hàng siết chặt tín dụng, tránh rủi ro kép