Thành phố hiện đại với những điểm nhấn mới

(ĐTTCO) - Bộ mặt đô thị TPHCM đổi thay từng ngày nhờ sự đóng góp của những thế hệ nối tiếp. Tầm nhìn của lớp người đi trước đã đặt nền móng, thế hệ đi sau thực hiện và vun đắp thêm, ngày càng nhiều khu đô thị mới mọc lên tạo thêm những điểm nhấn mới của một thành phố hiện đại.
Đổi thay tại huyện Nhà Bè, khu Nam TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Đổi thay tại huyện Nhà Bè, khu Nam TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Động lực phía Đông
Đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vừa cập cảng và đưa về depot quận 9 làm nhiều người dân thành phố háo hức. Chú Tư, nhà ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, đã theo dõi thật kỹ trên thông tin báo đài về “hành trình” của đoàn tàu. “Tôi mong sớm được đi trên con tàu đó vô chợ Bến Thành ăn một tô bún bò, rồi về nhà kể cho “mẹ nó” nghe, vì bả đau bệnh đi lại khó khăn, mà nghe tàu điện chạy là háo hức lắm.
Mình già rồi, chỉ ước mơ nhỏ nhoi vậy thôi. Nhưng đối với tụi nhỏ, nhờ cái tàu điện mà đi học, đi làm không phải chạy xe máy, bớt rủi ro là mừng lắm”, chú Tư bộc bạch. Mừng cũng phải! Chú Tư nay đã 80 tuổi, ông bà, anh chị em sinh ra rồi lớn lên từ mảnh đất này. Chú đã chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương, từ cái ngày ngã tư Thủ Đức còn thưa thớt người, cho đến khi “người ta tới định cư quá chừng”, rồi cầu vượt bắc lên để giảm ùn xe, cho tới nay tàu metro đã về, một sự đổi thay vượt bậc!
Với những công việc đang làm, tuyến metro số 1 coi như gần về đích: đường nổi, đường ngầm đã gần xong; tàu đã chạy thử hoàn tất. Như vậy, một mảnh ghép lớn cho bộ mặt đô thị khu Đông thành phố thành hình hài, liền lạc. Đầu tiên, xuất phát từ quy hoạch từ vài chục năm trước, đến năm 2010, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội khởi công xây dựng, đã định hình một “xa lộ” từ 12-16 làn xe, xóa đi những khu nhà lụp xụp hai bên đường.
Hiện nay, nếu từ trên cao nhìn xuống sẽ thấy một bức tranh thật khác, bên dưới là đường ô tô nối đuôi nhau chạy, bên trên là tuyến metro, còn dọc theo tuyến metro là nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Tất cả uốn lượn, nhấp nhô cao thấp, như một bức tranh, thật đẹp, không khác gì những thành phố lớn trên thế giới.
Nhưng khu Đông đâu chỉ có mỗi tuyến đường này. Một mảnh ghép khác thuộc tuyến đường Phạm Văn Đồng, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất, xuống Thủ Đức rồi đi về Biên Hòa. Vì sao “nói xa” như vậy? Tôi có những người bạn công tác tại các cơ quan nhà nước đang định cư tại Biên Hòa, mỗi khi đi công tác cùng nhau, hầu như khi chuyến bay hạ cánh, họ sẽ về nhà nhanh hơn so với những người đi về quận 4, quận 7.
Từ khi đưa vào vận hành, đường Phạm Văn Đồng có 6-12 làn xe tùy theo đoạn, đã mở ra cơ hội cho cả khu vực phát triển, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên, dân cư sắp lại, thuận tiện hơn cho công việc cũng như cuộc sống.
Mới mẻ khu Nam
Hơn 15 năm trước, khi bỏ ra gần 500 tỷ đồng để trúng đấu giá khu đất 45ha chạy dọc theo đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, người ta bảo bà chủ Công ty Địa ốc Phú Long “điên rồ”, bởi vì lúc đó, đường đi xuống khu vực này còn hẻo lánh khó khăn, hệ thống cầu đường chưa liền lạc như bây giờ.
Tất nhiên, cái nhìn của nhà phát triển địa ốc đã cảm nhận được sự mới mẻ từ chủ trương phát triển đô thị của chính quyền thành phố, biến vùng sình lầy thành một con đường hiện đại, hai bên sẽ phát triển đô thị song hành cùng khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Ở đây cần phải nói thêm cái hay của tầm nhìn phát triển đô thị lúc đó. Từ điểm khởi đầu đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ chạy đến khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, dài 7,5km, được giải tỏa rộng 210m suốt tuyến. Quỹ đất có được sau khi giải tỏa mở rộng, thành phố đem bán đấu giá, thu về một số tiền lớn, dư làm đường. Thế là ngân sách được thu bộn tiền từ tiền bán đấu giá, chưa kể phí chuyển nhượng, VAT của hàng chục ngàn căn nhà sẽ mọc lên dọc theo tuyến đường.
Một tiện lợi khác, đó là mới đây, khi nhận nhiệm vụ chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, ông Hoàng Tùng cho biết, tuyến đường là trục xương sống của huyện nối từ trung tâm thành phố với khu đô thị GS 350ha và đặc biệt khu đô thị cảng Hiệp Phước quy mô 3.000ha. Lộ giới đường Nguyễn Hữu Thọ rộng 40m, đã có 4 làn xe nhưng trở nên chật chội, thành phố thông qua kế hoạch mở rộng.
Việc này sẽ đơn giản vì không vướng đền bù, số là trước đây làm đường đã chừa quỹ đất rất lớn ở giữa nên khi làm tiếp chỉ có thi công. Hiện nay, dọc hai bên tuyến đường là hàng loạt dự án nhà ở cao tầng, thấp tầng đã và đang thành hình như Dragon Hill, New Sài Gòn, SSG, Mekong, Hoàng Anh An Tiến, The Park Resident… Chưa hết, theo một lãnh đạo của Công ty Địa ốc Phú Long, quỹ đất còn lại của công ty khá lớn. Sau khi đầu tư hoàn chỉnh, thực hiện theo đúng quy hoạch, những khu phố rất hiện đại và đẹp mắt được tiếp tục hiện diện.
Như vậy, với cách làm bài bản, từ trục xương sống đường Nguyễn Hữu Thọ, khu đô thị hiện đại sẽ liên tục nối dài, mở rộng, thêm một mảnh ghép cho đô thị khu Nam thành phố. Một minh chứng khác cho suy luận này. Ông Phạm Bách Việt - Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ TPHCM - phân tích từ dữ liệu ảnh vệ tinh Landsat năm 2010 so sánh với 2017, kết hợp với sự gia tăng dân số cho thấy, huyện Nhà Bè có tỷ lệ đô thị hóa về xây dựng cao với tỉ lệ tăng trên 10%/năm, tỉ lệ tăng dân số đi kèm trên 8%/năm.
Như vậy, huyện Nhà Bè đang dẫn đầu về đô thị hóa nhìn từ không ảnh. Đó chính là lý do, Đại hội Đảng bộ của huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra chỉ tiêu phấn đấu lên quận trong nhiệm kỳ này, bởi vì cả huyện chỉ còn “chưa tới 200 hộ dân làm nông nghiệp”.
Từ khu Đông cho tới khu Nam, những vùng đất năng động có tốc độ đô thị hóa cao, từ những cú hích hạ tầng của chính quyền đã biến vùng đất hoang vắng thành đô thị hiện đại, đẹp mắt. Bài học rút ra là, có quy hoạch chuẩn, quản lý và thực hiện quy hoạch tốt thì thành phố sẽ có được bộ mặt đô thị như mong muốn!

Các tin khác