“Say” trong cơn sốt đất

(ĐTTCO) - Như phản ánh của ĐTTC với loạt bài: “Nguy cơ sốt đất trên diện rộng” ra ngày 26-3 và “Bùng phát cơn sốt đất” ra ngày 12-4. Cuối tuần qua, phóng viên ĐTTC đã đi ghi nhận thực tế tại khu Đông TPHCM nói chung và quận 9 nói riêng, nơi được xem là “tâm sốt đất” thời gian qua. 
Từ các điểm môi giới đến Văn phòng đăng ký đất đai của quận 9, sức nóng đang ngày càng tăng lên, việc mua bán, chuyển nhượng đất đai khu vực này đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Sức nóng từ các trung tâm môi giới
Dọc 2 bên các đường Nguyễn Xiển, Lò Lu, Nguyễn Duy Trinh… (quận 9) rất đông nhân viên môi giới ngồi quanh những cái bàn nhựa nhỏ, cây dù và tấm bảng quảng cáo môi giới.
Một nhân viên môi giới của sàn giao dịch Biger (đường Nguyễn Xiển), giới thiệu hiện nay khu vực này tùy theo dự án, hướng, chiều rộng của đường có giá từ 27-34 triệu đồng/m2. Riêng mặt tiền đường Nguyễn Xiển có giá 65 triệu đồng/m2, nhưng ít có người bán. “Đất khu này so với đầu năm 2018 đã tăng giá gần 50%” - nhân viên này cho biết. 
 Tình trạng sốt đất đang diễn ra trên địa bàn TPHCM xuất phát từ nguyên nhân một số đối tượng tung tin không đúng sự thật, thổi phồng tạo giá trị ảo. Do vậy cán bộ địa chính phải có trách nhiệm tạo ra những thông tin minh bạch, để người dân không bị ảnh hưởng bởi các tin đồn thổi thất thiệt. Chính quyền phải kiểm soát tình hình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Công an TP và các ngành chức năng phải tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng để trục lợi.
Ông TRẦN VĨNH TUYẾN,
Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Đất tại khu dân cư Nam Khang, phường Long Trường (quận 9) được rao bán giá 30 triệu đồng/m2, mặt đường chính có giá 40 triệu đồng, tăng khoảng 10 triệu đồng/m2 so với cách nay 6 tháng.
Ngồi trò chuyện với các nhân viên tại đây, chúng tôi nghe câu chuyện của một nhân viên khác đang trao đổi qua điện thoại với một nhân viên ngân hàng về việc vay tiền “lướt sóng” đất. Nội dung đại khái: “Có miếng đất người ta bán 3,3 tỷ đồng, nhưng anh này cần vay 2,3 tỷ để mua và nhờ nhân viên ngân hàng tư vấn hồ sơ giúp”.
Qua câu chuyện cho thấy, nhiều người đang “say máu” với cơn sốt đất với hy vọng kiếm một số tiền kha khá.
Anh M., một nhân viên kỹ thuật cho công ty quảng cáo cho biết, hôm nay nghỉ cả buổi sáng để đến phòng đăng ký đất đai quận 9 làm thủ tục sang nhượng lô đất mới mua ngay tại phường Tăng Nhơn Phú. Anh cho biết cách đây vài ngày mới mua lô đất đã có sổ đỏ, giá 2,6 tỷ đồng, nay có người trả lời 300 triệu đồng nhưng chưa muốn bán.
Thực ra, những lô đất tại khu vực phường Tăng Nhơn Phú đang rao bán không phải là dự án mới, mà xuất phát từ việc phân lô hộ lẻ của một số đầu nậu, một khu đất chừng vài trăm hoặc vài ngàn mét vuông rồi phân lô ra từng nền đất có diện tích chừng 80m².
“Say” trong cơn sốt đất ảnh 1 Hàng ngàn khách hàng đến tham dự lễ giới thiệu dự án Khu đô thị Mega City 2. Ảnh: TR.GIANG 
Cuối tuần qua, bất chấp cái nắng như đổ lửa, hơn 3.000 khách hàng từ TPHCM và các địa phương lân cận đã đổ về huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để tham dự lễ giới thiệu dự án Khu đô thị Mega City 2 do CTCP Địa ốc Kim Oanh tổ chức. Hàng ngàn sản phẩm của dự án đã được khách hàng đặt chỗ để mua. Theo nhiều khách hàng do thấy giá bán phù hợp với khả năng (từ 650 triệu đồng) nên họ quyết định đầu tư.
Anh Bình, một khách hàng từ quận 9 (TPHCM) cho biết, với số tiền dưới 1 tỷ đồng tại TPHCM hiện nay không thể đầu tư được ở đâu, nên vợ chồng anh quyết định chọn Nhơn Trạch để... đón đầu. Mặc dù chỉ cách quận 9 một con sông, nhưng hiện nay khu Nhơn Trạch còn khá hoang vắng, chậm phát triển nên nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận khi hạ tầng được kết nối. Cách đây hơn 10 năm, nhiều dự án BĐS cũng đã được đầu tư vào Nhơn Trạch, nhưng phần lớn khách hàng mua để chờ giá lên.
“Say” trong cơn sốt đất ảnh 2 Rất đông người dân chờ đợi nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký Đất đai quận 9. Ảnh: TR.GIANG 
Đến nhộn nhịp tại phòng đăng ký đất đai
Mặc dù còn đến hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến giờ mở cửa làm việc buổi chiều, nhưng phía trước Chi nhánh Văn phòng đăng ký Đất đai quận 9 (văn phòng), hàng chục người xếp hàng đứng trước cổng dưới cái nắng nóng hầm hập để chờ mở cửa. Các tiệm photo, quán cà phê lân cận văn phòng cũng đông nghẹt người chờ đợi, kẻ ôm hồ sơ, người cầm sổ đỏ với tâm trạng căng thẳng. 
Anh Bình, tay ôm một xấp hồ sơ và tờ giấy ghi số thứ tự cho biết từ sáng sớm đã đến xếp hàng, nhưng lấy được số thứ tự 117 nên phải đợi buổi chiều. Chị chủ tiệm pho to đối diện văn phòng cho biết, tình trạng người dân đến giao dịch đông đột biến diễn  ra từ 3 tuần nay. Do người đến giao dịch quá đông nên văn phòng không có chỗ giữ xe, các hàng quán bên ngoài tranh thủ giữ xe thêm. 
13 giờ 30 văn phòng mở cửa, hàng chục người nháo nhào, chen lấn ào vào bên trong. Các nhân viên bảo vệ phải vất vả lắm mới vãn hồi trật tự. Cầm trên tay một xấp bảng photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chị Lan cho biết cách đây hơn 1 tháng mua được miếng đất 290m2 trong dự án Khu dân cư của Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận tại phường Phước Long B với giá 21 triệu đồng/m2, sau hơn 10 ngày bán được 27 triệu đồng /m2. Sau đó thấy giá đất tiếp tục lên, chị quay qua mua với giá 28 triệu đồng/m2 và bán lại với giá 30,4 triệu đồng/m2. 
Chìa cho tôi xem bảng photo một khu đất phân lô diện tích 50m2 tại phường Long Phước, chị Lan nói:  “Họ đòi miếng đất này giá 1,6 tỷ đồng, tôi tính mua nên lên đây hỏi quy hoạch thế nào. Thấy giá đất lên cũng ham mua nhưng thấy rủi ro quá, không biết như thế nào”. Anh Nguyễn Thanh Minh ở phường Phước Long B, cũng đang ôm hồ sơ đề nghị cập nhật tài sản trên giấy chứng nhận, cho biết thời gian gần đây ngày nào đến nộp hồ sơ cũng thấy rất nhiều người đứng chờ đợi, nên hôm nay đến sớm hơn mọi ngày, từ lúc 7 giờ sáng nhưng 10 giờ vẫn chưa nộp được hồ sơ, chắc phải chiều vô nộp tiếp. 
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết trong mấy ngày gần đây số lượng người tìm đến quận để nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tăng vọt. Trước tình hình này, lãnh đạo quận đã chỉ đạo văn phòng và các phòng chuyên môn linh động bố trí một khu vực khác để sử dụng làm bãi đậu xe; yêu cầu văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh quận 9 tăng cường thêm số lượng người để tiếp nhận hồ sơ, tăng cường chuyên viên phụ trách thụ lý hồ sơ làm thêm giờ để không gây ách tắc hồ sơ.
Hồ sơ vay xóa thế chấp giải quyết theo hướng hôm nay nhận hồ sơ ngày mai sẽ trả ra. Quận cũng chỉ đạo 13 phường tăng cường cán bộ để cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân nếu có nhu cầu; đồng thời yêu cầu phòng quản lý đô thị cử 2 cán bộ có mặt tại ban tiếp công dân mỗi tuần một ngày để trả lời tất cả các thông tin quy hoạch, pháp lý các dự án.
Ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường), cho biết từ đầu năm đến nay tình trạng mua bán chuyển nhượng đất tăng mạnh. Đặc biệt tại các quận ven và huyện ngoại thành, số liệu từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký các quận huyện thể hiện tình trạng mua bán chuyển nhượng đất của cá nhân chiếm tỷ lệ khá lớn, nhất là các quận huyện đang trong tình trạng “lên cơn sốt”.
Cụ thể, trong tháng 3-2018 quận 2 có 2.704 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng, mua bán; quận 9 có gần 7.000 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng mua bán, quận 12 có 5.358 hồ sơ, Hóc Môn 3.357 hồ sơ, Bình Chánh 6.174 hồ sơ; đặc biệt huyện Củ Chi hồ sơ cập nhật biến động chiếm số lượng lớn nhất với 13.866 hồ sơ. 

Các tin khác