Quá lãng phí nhà, đất bỏ hoang

(ĐTTCO) - Tài nguyên đất tại TPHCM ngày càng khan hiếm, quỹ đất sạch phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho nhu cầu cấp bách trước mắt gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình trạng nhà, đất chưa đưa vào sử dụng hoặc hoang hóa do tình trạng đầu cơ hoặc vướng quy hoạch đang khá phổ biến. 

Những khu dân cư hoang hóa
Hàng chục năm trước có dịp đi qua dự án khu dân cư Khang An tại phường Phú Hữu, quận 9, sẽ dễ dàng nhận thấy hàng chục căn biệt thự xây thô bị bỏ hoang. Hồi đó, giao thông chưa thuận tiện, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (chạy ngang trước mặt dự án) mới manh nha chủ trương đầu tư,  đường Liên Phường sau lưng dự án ngổn ngang ổ gà ổ voi… Từ vị trí  này kết nối về trung tâm TPHCM còn khá khó khăn, các dự án nhà ở xung quanh cũng chỉ mới bắt đầu. Dự án Khang An lúc này như “ốc đảo” nên nhiều người cho rằng đây là lý do khiến các biệt thự xây xong rồi bỏ hoang. 
Mới đây trở lại dự án này, tình trạng hoang hóa có đỡ hơn nhưng hàng chục căn biệt thự vẫn rêu phong, bịt cửa, cỏ mọc um tùm, dù hạ tầng giao thông khu vực này cải thiện khá nhiều: cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Liên Phường… đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ông B. quê từ Phú Yên, cư dân hiếm hoi trong dãy phố hơn 10 căn nhà bỏ hoang tại đây cho biết, hầu hết người mua để đầu tư, không có nhu cầu ở. Được giá thì bán, không được cứ để đó không hoàn thiện nên căn nào cũng rêu phong, ẩm thấp, một số hộ tận dụng nuôi yến. Theo công bố của chủ đầu tư, dự án gồm 350 nền biệt thự song lập và đơn lập, nhà liên kế kết hợp với khu thương mại và chung cư cao 9 tầng, nhưng đến nay vẫn chỉ là những khu đất đầy cỏ dại xen kẽ với các căn nhà bỏ hoang đang xuống cấp trầm trọng. 
Quá lãng phí nhà, đất bỏ hoang ảnh 1 Những căn nhà tiền tỷ tại khu dân cư Khang An quận 9 bỏ hoang chục năm nay. 
Cách đó không xa, dự án Khu đô thị Đông Tăng Long (phường Trường Thạnh, quận 9) được khởi công xây dựng từ năm 2005, do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Dự án được quy hoạch có quy mô gần 160ha với nhiều phân khu có chức năng khác nhau như khu căn hộ phức hợp, chung cư, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, vui chơi, thể thao... Tuy nhiên, sau hơn 10 năm dự án được kỳ vọng sẽ là khu đô thị hiện đại ở khu vực phía Đông TP vẫn trong tình trạng hoang vắng, xen kẽ trong đám cỏ tranh mọc um tùm là một số căn biệt thự xây xong nhưng chưa sử dụng đóng cửa im lìm… Nhiều dự án trên địa bàn quận 2, quận 9 cũng trong tình trạng tương tự, như khu dân cư Bình Trưng Đông - Cát Lái rộng hơn 400ha đến nay hạ tầng chưa làm xong, người ở thưa thớt.
Không chỉ tại các dự án khu dân cư đất nền hay nhà xây thô, tình trạng hoang vắng còn xảy ra tại những con đường sầm uất, dự án đã được xây dựng hoàn thiện. Đó là hàng chục căn nhà phố thuộc dự án Khang Điền trên đường Liên Phường (phường Phước Long B, quận 9) được chủ nhân treo bảng “cho thuê nhà”, nhưng chưa có người thuê nên vắng bóng. Hay khu nhà phố khang trang ngay cửa ngõ vào trung tâm TP là Lake view (quận 2) cũng có hàng chục căn đóng cửa bỏ không, nhiều căn treo bảng cho thuê. 

Những dự án… treo
Dự án tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất (quận 12) có chủ trương triển khai, thu hồi đất của dân gần 20 năm trước. Cho đến thời điểm hiện nay việc đền bù, giải tỏa thu hồi đất vẫn còn dở dang. Phần lớn diện tích đất đã đền bù, thu hồi bị bỏ hoang, trở thành nơi tập kết rác, gây ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí, một số nền đất, khu chung cư tái định cư đã hoàn thiện nhưng không hiểu nguyên nhân gì vẫn bỏ hoang, rất lãng phí. Điều đáng nói, người dân nơi đây đã nhường đất ra đi, nhiều trường hợp chưa được tái định cư, trong khi đất thu hồi bị bỏ hoang đã gây nhiều bức xúc. Nhiều trường hợp nhà cửa xuống cấp muốn sửa chữa cũng không được phép. 
Tương tự, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh) có quy mô hơn 426ha, tính đến nay đã có tổng cộng 28 năm bị treo. Sau nhiều lần đổi chủ đến nay dự án vẫn chưa thoát treo. Theo các chuyên gia, nếu dự án này được thực hiện đúng tiến độ, giờ này bán đảo Thanh Đa đã trở thành khu đô thị sinh thái đẹp nhất Việt Nam, tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt đô thị TPHCM. Trong khi đó, cuộc sống người dân trong dự án đang rất khó khăn. Để giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân, TP đã cho phép người dân sửa chữa nhà cửa xuống cấp, nhưng tách thửa không được. Bà con nơi đây cho biết họ sẵn sàng chấp hành chủ trương thực hiện dự án mới của TP. Tuy nhiên mọi việc cần minh bạch, chính sách bồi thường, tái định cư rõ ràng, thỏa đáng, không thể mập mờ, kéo dài mãi như thời gian qua. 
Tại TPHCM hiện có khoảng hàng trăm bản đồ quy hoạch các loại, trong đó còn tồn tại rất nhiều quy hoạch và dự án treo. Thời gian qua TP triển khai nhiều giải pháp, giám sát để rà soát, đã ra quyết định thu hồi hơn 5.700ha quy hoạch đất làm dự án; điều chỉnh quy mô 9 dự án, giảm 137ha đất bị quy hoạch. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều quy hoạch cả chục năm trời không thấy chủ đầu tư thực hiện dự án. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết thời gian qua HĐND TP đã có một số nghị quyết liên quan để giám sát công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Trên cơ sở đó các quận huyện cùng sở qua kiểm tra thực tiễn, đã tham mưu cho UBND TP xóa bỏ, điều chỉnh hoặc thu hồi chủ trương đầu tư các dự án chậm triển khai hoặc không khả thi. 
 Cả nước đang tồn khoảng 60.000 căn hộ, trong đó TPHCM 40.000 căn và Hà Nội 20.000 căn. Bình quân mỗi căn hộ khoảng 2 tỷ đồng, số tiền “chôn” theo địa ốc bị lãng phí này khoảng 120.000 tỷ đồng. Song phân khúc căn hộ chỉ là một phần của thị trường, tình trạng các khu đô thị trong đó có đất nền, nhà phố, biệt thự… đang bỏ trống rất nhiều đến nay vẫn chưa thống kê được.
Thống kê của Bộ xây dựng

Các tin khác