Phải xã hội hóa bảo tồn di sản

(ĐTTCO) - Tính đến nay, trên địa bàn TPHCM có 172 di tích đã có quyết định xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử), 56 di tích quốc gia… Tuy nhiên, nhiều quy định liên quan đến công tác bảo tồn di tích còn chậm ban hành, chưa có quy chế, chính sách để người dân cùng tham gia. 
(ĐTTCO) - Tính đến nay, trên địa bàn TPHCM có 172 di tích đã có quyết định xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử), 56 di tích quốc gia… Tuy nhiên, nhiều quy định liên quan đến công tác bảo tồn di tích còn chậm ban hành, chưa có quy chế, chính sách để người dân cùng tham gia. 
Thực tế, công tác bảo tồn di sản văn hóa tại TP ngày càng được xã hội quan tâm hơn. Như trước đây, trong quá trình quy hoạch giao thông, đô thị  hầu như không tính đến khu vực bảo vệ di tích, cảnh quan kiến trúc công trình xung quanh di tích. Nay trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng hoặc cấp phép xây dựng đô thị, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND các quận huyện, đều lấy ý kiến Sở Văn hóa Thể thao đối với công trình tiếp giáp hoặc có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích. Điều này đã góp phần bảo tồn di tích và cảnh quan, ngăn chặn và khắc phục tình trạng di tích bị xâm hại, lấn chiếm. 
Phải xã hội hóa bảo tồn di sản ảnh 1 Ngôi biệt thự cổ đã được một DN giải cứu khi mua lại để trùng tu. 
Tuy nhiên, đối với các công trình đã được xếp hạng, TP đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác duy tu, bảo dưỡng, dẫn đến nhiều di tích xuống cấp. Đặc biệt, trong tiến trình đô thị hóa nhiều di tích đã bị biến mất hoặc xâm hại nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều di tích đã được xếp hạng nhưng không giữ được do các quy định liên quan chậm ban hành. Thí dụ, Ba Son là một di tích lịch sử rất quan trọng, nhưng đến nay chúng ta còn giữ được gì? Hoặc trên giấy tờ nhiều biệt thự cổ vẫn còn tồn tại, nhưng trên thực tế đã bị “phân lô nhà phố”. 
Phải xã hội hóa bảo tồn di sản ảnh 2 Một góc ngôi biệt thự cổ trên đường Hồng Bàng, quận 5.
Hiện nay, việc tu bổ, tôn tạo bảo tồn di sản, di tích tại TPHCM phải trông chờ từ nguồn kinh phí ngân sách và xã hội hóa, bởi số di tích là địa điểm tham quan có thu có thể cân đối rất hiếm. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, UBND TP đã bố trí kinh phí 500 tỷ đồng cho việc tu bổ, tôn tạo 32  di tích; phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng; ghi vốn chuẩn bị đầu tư 200 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, nguồn xã hội hóa để tu bổ di tích đạt khoảng 400 tỷ đồng. 
Phải xã hội hóa bảo tồn di sản ảnh 3 Đình Thông Tây Hội được xây dựng vào năm 1698 nay xuống cấp nghiêm trọng. 
Như vậy, việc xã hội hóa nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn di sản, di tích của TPHCM đang đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dù vậy, để thu hút nhiều hơn nguồn lực xã hội hóa cho công tác này, cần phải công khai danh mục các di sản trên phương tiện đại chúng để cộng đồng cùng tham gia giám sát bảo tồn, cũng như sớm ban hành quy chế bảo tồn di sản, di tích. Thực tế, để khuyến khích cộng đồng tham gia, góp phần phát huy và bảo tồn các di sản, thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao đã phối hợp với quận huyện lập quy hoạch khu vực có di sản, nếu người dân có đất được hỗ trợ quy hoạch. Có thể nói đây là điểm tích cực cần phát huy trong công tác bảo tồn di sản, di tích của TP.
Phải xã hội hóa bảo tồn di sản ảnh 4 Các chuyên gia đang phục hồi lại các chi tiết.
Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Sửa đổi, bổ sung của Luật Di sản Văn hóa 2009 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành hiện có nhiều bất cập, chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế. Do đó cần sửa chữa để khắc phục những tồn tại nói trên. Theo đó, trong thời gian tới TP cần đẩy mạnh công tác bảo tồn kết hợp với phát triển, xây dựng cơ chế và chính sách, tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia bảo tồn di sản. Cụ thể, nguồn hỗ trợ cho những người trông coi các di tích thuộc tư nhân hiện nay khá khiêm tốn, mỗi năm tương đương 2 tháng lương cơ bản, nên TP cần có chính sách phù hợp hơn để động viên, khuyến khích họ.
Theo TS. Nguyễn Hạnh Nguyên, nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam (Save Heritage Vietnam-SHV), đầu tư cho di sản luôn là đầu tư có tính bền vững. Việc ứng xử với một di sản thể hiện năng lực và tầm của chủ đầu tư và tầm của một TP. Đứng trước một di sản, nhà đầu tư có thể có nhiều lựa chọn. Nhưng cách lựa chọn giữ lại di sản bao giờ cũng là cách khôn ngoan, kinh tế. Nhà đầu tư có cái nhìn ngắn hạn hay dài hạn chính ở ngay cách họ ứng xử với di sản. Bảo tồn văn hóa và di sản là bảo đảm một quốc gia phát triển ổn định. Bảo tồn di sản cũng như các hoạt động xã hội khác, khi làm một công trình thật tốt, sẽ là nguồn cảm hứng nhân rộng giá trị ra cộng đồng. 

Các tin khác