Nợ đọng lĩnh vực xây dựng cơ bản: Lãi giả, lỗ thật

(ĐTTCO)-Các chuyên gia nhận định tình trạng tràn lan nợ đọng xây dựng cơ bản khiến hiệu quả đầu tư kém; đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nợ đọng lĩnh vực xây dựng cơ bản: Lãi giả, lỗ thật

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng có số vốn đăng ký kinh doanh vài trăm tỷ đồng nhưng con số nợ đọng xây dựng cơ bản mà đơn vị đang gánh lại lên con số cả nghìn tỷ đồng.

Chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng nhà thầu đã thực hiện khiến những doanh nghiệp đi làm thuê rơi vào cảnh nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn lẫn nhau; thậm chí rơi vào nguy cơ phải giải thể, phá sản.

Các chuyên gia nhận định, tình trạng tràn lan nợ đọng xây dựng cơ bản khiến hiệu quả đầu tư kém; đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), thẳng thắn nêu vấn đề, nợ đọng trong xây dựng cơ bản là tình hình đáng báo động. Nếu không được khắc phục thì ngày càng tràn làn. Nhà thầu làm xong không thể thu được tiền, các khoản nợ kéo dài nhiều năm và không có cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để.

VACC đã từng nhận được cả loạt đơn đề nghị giúp đỡ doanh nghiệp đòi công nợ. Tuy nhiên, trách nhiệm về vấn đề này không thuộc cơ quan nào. Có những doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng mới chỉ thu được từ 60-70% giá trị, phần còn lại bị nợ và khoản nợ này kéo dài đến 5 năm.

Bởi vậy, khi nhận công trình thì tưởng có lãi nhưng với tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài như vậy thì chính là “lãi giả, lỗ thật” - ông Hiệp cho hay.

Hiện tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các dự án đầu tư xây dựng diễn ra khá phổ biến và ở mức độ nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ quả xấu, dẫn đến công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém...

Nếu vấn đề này không có biện pháp xử lý triệt để thì vẫn chưa có hồi kết. Có gói thầu của một doanh nghiệp nhỏ chỉ thi công trong ba năm nhưng khoản nợ lên tới cả trăm tỷ đồng, chiếm tới 10% giá trị gói thầu. Mặc dù dự án đã quyết toán nhưng nhà thầu vẫn chưa được thanh toán - ông Hiệp dẫn chứng.

Tại một cuộc họp tổng kết ngành với sự tham dự của nhiều thành viên Chính phủ, ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) - đơn vị đầu ngành về chế tạo, lắp đặt tại nhiều dự án lớn cũng phản ánh về dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 nằm trong chuỗi khó khăn của doanh nghiệp này.

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 là một trong những dự án điện cấp bách được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ và giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, LILAMA làm Tổng thầu EPC cùng với các nhà thầu phụ có năng lực trong nước thực hiện.

Mặc dù dự án đã được khánh thành và bàn giao cho chủ đầu tư vận hành từ tháng 9/2015 nhưng đến nay, đã hơn 5 năm trôi qua, LILAMA và các nhà thầu khác vẫn chưa được thanh toán xong các khoản công nợ mặc dù đã nhiều lần cùng cả chủ đầu tư gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương và Chính phủ xin tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Tuấn, đến thời điểm này, về phía nhà thầu đã tuân thủ đúng các yêu cầu về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng pháp luật, định mức đơn giá; kiểm toán nhà nước cũng đã vào thẩm định... nhưng vẫn chỉ dừng tại đó và kéo dài chưa biết đến bao lâu. Đây chỉ là một trong số nhiều công trình đang gây khó cho LILAMA bởi cảnh nợ đọng.

Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, hiện nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp chỉ có khoảng 800 tỷ đồng nhưng các khoản nợ chưa được thanh toán của LILAMA đang rất cao; trong đó, có các khoản nợ từ các dự án của nhà nước lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Tình trạng nợ đọng kéo dài này đang khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và cần được tháo gỡ để một “đầu tàu” về lắp máy như LILAMA có thể tiếp tục củng cố nguồn lực triển khai các dự án khác và tham gia đấu thầu, mở rộng trên thì trường quốc tế.

Không chỉ doanh nghiệp nhà nước như LILAMA gặp khó với những khoản nợ bị kéo dài mà một số doanh nghiệp tư nhân tên tuổi trong lĩnh vực xây lắp như Coteccons, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, hay Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons cùng hàng ngàn doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động trên thị trường cũng đang vấp phải trở ngại này.

Có những giai đoạn, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty Coteccons thể hiện khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 7.672 tỷ đồng; trong đó dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 214,5 tỷ đồng. So với doanh thu thuần của doanh nghiệp này thì vòng quay khoản phải thu là 2,11 lần, tương ứng với gần 6 tháng.

Mặc dù vậy, con số vòng quay khoản phải thu của Coteccons vẫn khả quan hơn một số doanh nghiệp xây dựng khác.

Hay như trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cũng có thời điểm khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 11.891,4 tỷ đồng với dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới gần 387,6 tỷ đồng. Theo đó, khoản phải thu ngắn hạn gấp tới 3 lần vốn chủ sở hữu và vòng quay khoản phải thu lên đến gần một năm.

Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, với vốn ngoài ngân sách nhà nước, trong quá trình xét duyệt cấp phép xây dựng cần phải có quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Còn với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, việc xử lý nợ đọng cần được xem là nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản. Đây cũng là một trong các giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.

Do đó, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương... xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng phản ánh, trong Luật Xây dựng hiện nay đang có bất bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư. Nhà thầu khi bắt đầu tham gia đấu thầu đã phải có bảo lãnh dự thầu. Nếu trúng thầu, được ký hợp đồng phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Đến khi thực hiện xong họp đồng cũng phải có bảo lãnh bảo hành.

Thế nhưng, về phía chủ đầu tư, kể cả nhà nước hay tư nhân đều không có bất kỳ bảo lãnh nào. Như vậy, các nhà thầu làm xong công trình hầu như trong tình trạng phải chờ khoản tiền công trình chưa được thanh toán.

Do đó, VACC kiến nghị, chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, ít nhất là 30% cuối cùng của dự án. Khi sửa đổi Luật Xây dựng cần đưa vấn đề này vào luật. Hoặc về cơ chế của chủ đầu tư cũng phải đảm bảo thanh toán hết tiền cho nhà thầu rồi mới được đưa công trình vào sử dụng.

Hiện nay, có những chung cư, khu nhà ở cao tầng, chủ đầu tư đã bán và bàn giao nhà cho người dân vào ở nhưng chưa thanh toán hết đơn hàng cho nhà thầu.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cần cân nhắc đưa vào biên bản nghiệm thu, trước khi bàn giao cần bổ sung thêm điều kiện đã thanh toán xong cho nhà thầu thì mới cho chủ đầu tư khai thác sử dụng. Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, loại bỏ tình trạng chiếm dụng vốn và nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chính là bảo vệ lợi ích chính đáng cho nhà thầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn cho rằng, các dự án lớn nói chung, nếu có Ban chỉ đạo Nhà nước thì rất ít sai sót, giải quyết rất kịp thời các vướng mắc và tiến độ rất nhanh.

Vấn đề đặt ra là, cũng vẫn lực lượng máy móc, con người đó, kỹ sư đó nhưng các dự án như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Nhiệt điện Cà Mau 1 và 2, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... có sự quản lý, điều hành của Ban chỉ đạo Nhà nước thì tiến độ luôn sớm, thậm chí, về đích trước từ 1-2 năm.

Trên thực tế, hệ thông văn bản quy phạm pháp luật hiện đang có nhiều các quy định chồng chéo nhau thì vai trò của Ban chỉ đạo Nhà nước lại càng cần thiết, nhất là với các dự án quy mô lớn để có thể giải quyết thấu đáo các vướng mắc, tránh sai phạm và không lãng phí - ông Tuấn nhìn nhận.

Các tin khác