Nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng ở Lâm Đồng

(ĐTTCO) - Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng đồng thời kiến nghị tỉnh Lâm Đồng sớm chấn chỉnh, khắc phục.

Chiều 7-7, tại TP Đà Lạt, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do ông Trần Văn Minh, Phó Tổng thanh tra dẫn đầu đã tổ chức công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý quy hoạch, thực hiện quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Nhiều sai phạm đã được kết luận chỉ rõ và kiến nghị tỉnh sớm chấn chỉnh, khắc phục. 

Theo đó, đối với quy hoạch sử dụng đất, kết quả thanh tra cho thấy có 2 dự án không phù hợp với quy hoạch xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 4 tổ chức được thuê đất và 3 tổ chức được giao đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Về kế hoạch sử dụng đất, năm 2016 có 2 tổ chức thuê đất tại TP Đà Lạt nhưng không có trong kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và tái định cư, có 6 trường hợp cho thuê đất không qua đấu giá, 18 trường hợp đã hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất nhưng vẫn chưa được điều chỉnh đơn giá mới. Đến thời điểm thanh tra có 168 lô đất trên địa bàn TP Đà Lạt đủ điều kiện bố trí tái định cư nhưng chưa có phương án sử dụng, trong khi nhiều hộ dân bị giải phóng mặt bằng phải ở nhà thuê, khó khăn về chỗ ở nhưng vẫn chưa được bố trí, dẫn đến tiềm ẩn nhiều khả năng khiếu kiện nếu không giải quyết kịp thời.

thanh tra chinh phu chi ra nhieu sai pham ve dat dai tai lam dong hinh 1

Quang cảnh buổi công bố kết luận thanh tra.

Đối với công tác quản lý, giám sát thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đầu tư ngoài ngân sách, kết quả thanh tra cho thấy có nhiều bất cập và sai phạm.

Cụ thể, việc UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty CP Hoàn Cầu thuê nhà đất Dinh I để thực hiện Dự án đầu tư khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp trong khi không có kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 là vi phạm quy định tại khoản 1, điều 52 của Luật Đất đai 2013, đồng thời cho đơn vị này thuê nhà đất Dinh I và các biệt thự không thông qua đấu giá là trái với quy định.

Về Dự án xây dựng khu Trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí do Công ty CP Đầu tư Phong Vân làm chủ đầu tư tại số 37 Trần Hưng Đạo, phường 10, TP Đà Lạt không chỉ để chậm tiến độ, kéo dài mà còn thay đổi công năng sử dụng theo Giấy chứng nhận đầu tư, được Sở Xây dựng Lâm Đồng cho phép điều chỉnh thiết kế chia nhỏ thành nhiều căn hộ (từ 36 căn lên 64 căn) để cho thuê.

Như vậy, thực chất đây là dự án trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ cho thuê được xây dựng trên đất chuyên dùng theo quy hoạch sử dụng đất, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt. Trong khi theo quy hoạch xây dựng theo Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ là đất du lịch hỗn hợp, không đúng với mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ giải trí...

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, việc xử lý vi phạm của UBND tỉnh đối với các dự án chậm tiến độ, dự án đầu tư không hiệu quả, đặc biệt là các dự án không triển khai còn thiếu kiên quyết, còn có biểu hiện buông lỏng quản lý đầu tư ở một số dự án. Việc tỉnh gia hạn đối với 164 dự án đầu tư ngoài ngân sách được thuê đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai.

Tại buổi công bố kết luận thanh tra, thay mặt UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất với toàn bộ nội dung kết luận thanh tra đã công bố. Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, trong số 943 dự án tại Lâm Đồng đến nay đã có 610 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, 213 dự án đang triển khai, còn lại là các dự án đang hoàn thành thủ tục. Trong đó, giai đoạn thu hút đầu tư nhiều nhất tập trung từ năm 2004 đến 2011. Với số dự án lớn như thế nên trong công tác quản lý khó tránh khỏi sai sót.

“Cần xét đến yếu tố lịch sử và yếu tố thời gian bởi trong kết luận nêu những dự án triển khai từ năm 2004 đến nay. Ở vào thời điểm đó, tôi đang làm Bí thư huyện Lâm Hà còn ông Nguyễn Văn Yên làm ở huyện Di Linh; ông Phạm S và Phan Văn Đa công tác ở các Sở. Nói như vậy để thấy, dự án rơi vào giai đoạn nào sẽ có những chính sách của từng giai đoạn cụ thể. Trong quá trình triển khai, cũng có nhiều chính sách đã thay đổi, ví dụ như ở vào những năm 2004 và 2005, nhà đầu tư nào có tiền, đưa ra giấy chứng nhận của ngân hàng nếu muốn làm dự án sẽ được giao, thực tế là như vậy”, ông Việt lý giải.

Tại buổi công bố kết luận thanh tra, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh đánh giá cao những thành tựu quan trọng mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong những năm qua, nhất là trên lĩnh vực thu hút đầu tư. Cùng với đó, Phó tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai việc khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, vi phạm.

“Kết luận thanh tra cho thấy những sai phạm, còn tồn tại dài qua các thời kỳ, do vậy nên cần kiểm điểm để nhìn nhận và chỉ rõ, vấn đề nào còn thiếu, điều gì chưa làm đoàn thanh tra cũng đã chỉ ra; Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm cũng đã được nêu rõ. Hi vọng những tồn tại, sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra này sẽ được sự chỉ đạo của UBND tỉnh trong thời gian tới. Lãnh đạo tỉnh cần lên kế hoạch cụ thể gửi báo cáo cho Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ để biết được quá trình, biện pháp, thời gian, lộ trình thực hiện để từ đó có chương trình giám sát”, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nêu rõ.


Các tin khác